BAO GIAO THONG

Nhà chờ xe buýt bị hàng quán, rác thải bủa vây

Hàng trăm nhà chờ xe buýt đang bị chiếm dụng để bán hàng, xe ôm lập đoàn đón khách, rác thải bủa vây… gây mất mỹ quan đô thị và ATGT trên địa bàn Hà Nội.

- Lê Tươi

NHÀ CHỜ THÀNH NƠI ĐỂ RÁC, BÁN HÀNG

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 3.700 điểm dừng và gần 400 nhà chờ xe buýt. Trong số này, có rất nhiều điểm dừng và nhà chờ thường xuyên bị chiếm dụng trở thành nơi tập kết rác thải, địa điểm bán hàng, dừng đỗ phương tiện cản trở xe buýt khi cập bến.

Những vi phạm hạ tầng dành cho xe buýt xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt tại các quận nội thành như: Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… và khu vực gần chợ, bến xe, trường học.

Ngày 10/11, có mặt tại khu vực cổng Trường Đại học GTVT, PV chứng kiến, đằng sau khu vực điểm trung chuyển xe buýt đang bị 3 - 4 hộ kinh doanh kê bàn để bán hàng ăn, biến khu vực này thành nơi nhếch nhác, lộn xộn. Tại đây, người bán sử dụng cả khu vực ghế ngồi chờ xe để đựng thùng hàng, nước uống.

Chị Nguyễn Hoài Thu, đang đứng chờ xe buýt ở đây chia sẻ: “Tôi và nhiều người phần vì e ngại với mùi đồ ăn quanh đó, phần vì không có nhu cầu ăn uống nên đành đứng chờ chuyển tuyến”.

Tình trạng nhếch nhác ở khu vực điểm dừng xe buýt còn diễn ra nhức nhối hơn ở tại điểm trung chuyển phía đối diện trên đường Cầu Giấy khi xuất hiện liên tiếp 4 - 5 hộ kinh doanh ngang nhiên căng bạt, kê bàn ghế trước các nhà chờ để bán hàng. Những người có nhu cầu đi xe buýt qua đây chuyển tuyến đành phải đứng để chờ.

Không chỉ bày bán hàng hoá, nhiều nhà chờ xe buýt còn đang trở thành nơi đón khách của xe ôm. Dọc đường Khuất Duy Tiến kéo dài đến đường Phạm Hùng, liên tục hàng chục nhà chờ đều xuất hiện tình trạng xe ôm mang cả xe vào giữa điểm có mái che để nghỉ ngơi, chờ đón khách.

Tại các điểm dừng chờ xe buýt trên đường Nguyễn Trãi, Trần Phú ( Hà Đông), Khâm Thiên, Láng, Xuân

Thủy lại đang trở thành nơi tập kết rác thải. Điều này khiến nhiều người dân đứng đợi xe buýt phải chịu đựng mùi hôi từ những xe rác. Tại đường Nguyễn Trãi, điểm chờ xe buýt gần Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn có đến 5 - 6 xe rác tập kết bên cạnh. Tại đây, người dân thường phải đứng ở vị trí khá xa để không phải ngửi thấy mùi từ những xe rác.

CẦN SỰ VÀO CUỘC CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Theo ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc), phát triển mạng lưới xe buýt luôn được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị. TP Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu tiên cho loại hình vận tải công cộng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể là hạ tầng cho xe buýt như khu vực nhà chờ, điểm đón xe đang bị chiếm dụng, xuống cấp gây mất an toàn cho hành khách, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của xe buýt.

“Thời gian qua, chúng tôi liên tục yêu cầu các phường nơi có khu vực nhà chờ, điểm dừng xe buýt phối hợp với Thanh tra GTVT xử lý nghiêm vi phạm nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Không ít điểm dừng, nhà chờ xe buýt đang phải chung vị trí với điểm tập kết rác, bốc mùi xú uế nồng nặc, hàng quán chiếm dụng, khiến hành khách không muốn sử dụng”, ông Phương nói.

Theo Tramoc, qua rà soát đối với vị trí tập kết rác thải chiếm dụng nhà chờ xe buýt có gần 80 điểm tại 22 quận, huyện. Cơ quan này đã có văn bản gửi Sở Xây dựng về việc không bố trí xe rác và các điểm tập kết rác tại điểm dừng xe buýt.

“Việc cản trở xe buýt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hành khách và làm xấu đi hình ảnh vận tải công cộng. Vì vậy, chúng tôi rất mong các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đồng hành trong quá trình xử lý vi phạm, để làm sao trả lại cho hành khách, phương tiện công cộng điểm dừng xanh, sạch, an toàn”, ông Thái Hồ Phương cho biết.

TS. Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT cho rằng, điểm dừng xe buýt bị chiếm dụng cũng giống như câu chuyện vỉa hè, là hệ quả của việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị. Cùng đó, việc xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến vi phạm tràn lan.

“Cần có giải pháp về quản lý và xử phạt hành chính nghiêm minh để trả lại không gian cho người đi bộ, hành khách sử dụng xe buýt. Về dài hạn, cần tăng cường các giải pháp quản lý về công nghệ, ví dụ sử dụng camera an ninh đối với những điểm dừng quan trọng, tập trung lượng hành khách lớn. Cũng có thể xem xét lựa chọn vị trí, quy hoạch điểm dừng xe buýt”, ông Tuấn nói.

Đồng tình, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, tăng cường xử lý vi phạm là giải pháp duy nhất và không có biện pháp nào đảm bảo an toàn cho hành khách nếu như khu vực điểm dừng xe buýt bị chiếm dụng.

Theo luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh, trách nhiệm dẹp vi phạm ở các điểm dừng chờ xe buýt sẽ căn cứ quy định tại Điều 74, Nghị định 100 năm 2019. Theo đó, chủ tịch UBND các cấp, CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng công an cấp xã, TTGT đều có thẩm quyền xử phạt trong phạm vi quản lý của địa phương mình.

Theo các chuyên gia giao thông, để người dân ưu tiên lựa chọn đi lại bằng phương tiện công cộng như xe buýt, nhằm kéo giảm lượng xe cá nhân lưu thông trên đường, các đơn vị quản lý, kinh doanh loại hình vận tải này cần đầu tư, nâng cấp và quản lý hiệu quả các nhà chờ xe buýt. Cùng đó, cần có sự hỗ trợ của lực lượng liên quan với giải pháp khắc phục, chấn chỉnh những hành vi vi phạm tại các trạm dừng, nhà chờ xe buýt.

 ?? ?? Điểm dừng xe buýt bị bủa vây bởi hàng quán và xe ôm gây bức xúc cho hành khách đi xe
Điểm dừng xe buýt bị bủa vây bởi hàng quán và xe ôm gây bức xúc cho hành khách đi xe
 ?? ??

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam