BAO GIAO THONG

Cuộc vượt ngục ly kỳ của sáu tù nhân Khám lớn

- NGUYÊN VIỆT

Câu chuyện vượt ngục của sáu tù nhân ở Khám lớn qua lời kể của một người trong cuộc, thực sự khiến người nghe xúc động. Cuộc vượt ngục dù chỉ “thành công một nửa” nhưng cũng ly kỳ như tiểu thuyết và cho thấy sự khốc liệt của một trong những nhà tù lớn nhất nhì miền Tây thời đó.

BỒI HỒI THĂM LẠI KHÁM LỚN

Một ngày giữa tháng tư, ông Phan Thanh Sỹ (80 tuổi, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến Cần Thơ) bồi hồi khi trở lại Khám lớn Cần Thơ - nơi ông và hàng trăm đồng đội, đồng chí từng bị giặc giam giữ, đày đọa qua hai cuộc kháng chiến. Không biết đã trở lại đây bao nhiêu lần, nhưng lần nào trong ông cũng vẫn nguyên cảm xúc ấy.

Là người con miền Tây, ông Sỹ giác ngộ rồi tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, lúc đang học ở trường Phan Thanh Giản (Trường THPT Châu Văn Liêm ở Cần Thơ ngày nay).

Tháng 5/1968, ngoài 20 tuổi, ông Sỹ bị giặc vây ráp tại nhà. Ông bỏ chạy và bị địch bắn trúng ba viên đạn. Sau một tuần được chạy chữa, giặc đưa ông vào Khám lớn, bắt đầu chuỗi ngày đày ải hơn ba năm ở đây.

Đứng trong căn phòng mà mình từng bị biệt giam gần nửa thế kỷ trước, ông Sỹ bồi hồi kể: “Tôi trúng ba viên đạn, có một viên thủng phổi. Các bác sĩ mở ổ bụng lấy đạn mới cứu được mạng tôi. Nằm viện được một tuần, khi vết mổ còn mưng mủ, giặc đã đưa tôi vào trại giam để tra khảo”.

Trong Khám lớn, khi vết thương chí mạng đang hành hạ cơ thể, ông Sỹ tiếp tục bị giặc đánh đập, tra tấn bằng điện để khai thác thông tin, ép nhận tội. Khoảng một năm tạm giam, ông Sỹ cùng đồng đội ra tòa. Ông cùng năm người khác bị xử 15 năm tù giam.

CUỘC VƯỢT NGỤC “THÀNH CÔNG MỘT NỬA”

Ở trong tù, ý tưởng vượt ngục được ông nung nấu. Ông tìm cách liên hệ với nhóm năm người cùng bị kết án với mình để vạch ra kế hoạch. “Khám lớn tường cao, hai ba lớp rào, vượt ngục không dễ, tôi đề xuất giả bệnh để được chuyển đến bệnh viện. Từ đó mới tìm cách trốn thoát. Cái khó là làm sao để chúng tôi đều bị bệnh mà không ai nghi ngờ”, ông kể.

Để câu chuyện diễn ra một cách tự nhiên, trước ngày vượt ngục, nhóm năm người đã lần lượt thay phiên nhau “bệnh” để được chuyển đến Bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa (Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ ngày nay). Cuối cùng mới đến lượt ông Sỹ.

“Sau buổi cơm chiều, tôi uống 4 viên thuốc optalidon đã chuẩn bị từ trước (một loại thuốc hỗ trợ ngủ, trị đau đầu - PV). Tiếp đó, tôi lấy một cọng lông nhím đã chuẩn bị đâm vào đầu ngón tay, hút lấy máu giữ trong miệng. Rồi tôi ôm bụng than đau, ói ra máu. Cả phòng giam tưởng tôi bệnh thật, la hét đòi giám thị đưa đi bệnh viện. Vậy mà phải năm lần bảy lượt, khi có bạn tù la lên tôi đã chết rồi thì giám thị mới chịu đưa đi”, ông nhớ lại.

Ngủ ở bệnh viện một đêm, khi điều kiện đã thuận lợi, ông Sỹ và nhóm 5 người ra hiệu hành động. Tất cả đồng loạt rút ống sắt giấu sẵn trong gối mang theo từ trại giam, người lượm đá bọc vào khăn để lao lên tấn công hai giám thị canh giữ ở bệnh viện. Một tên bị họ quật ngã, tước súng và bắn chết, tên còn lại bị bắn trọng thương. Một thành viên trong nhóm tìm lấy chìa khóa từ những tên giám thị nhưng ổ khóa cửa lúc ấy được xích lại bằng còng số 8.

“Tôi nổ hai phát đạn phá còng cho mọi người thoát ra ngoài, chậm trễ nữa là không được. Bốn người gồm hai nam, hai nữ chạy nhanh ra sân, tiến về phía bờ tường bệnh viện giáp đường. Hai người nam khom lưng cho hai người nữ leo lên thoát ra ngoài. Khi cả 4 người thoát được cũng là lúc giặc ập tới”, ông Sỹ kể.

Giặc vây kín tứ phía, ông Sỹ cùng người đồng đội nam còn lại hết đường tháo chạy. Bắn hết đạn trong cây súng cướp được, họ bị bắt lại.

Đối với ông Sỹ, cuộc vượt ngục đúng ra đã thất bại. Nhưng chỉ cần 4 đồng đội kia trốn được, ông cho là thắng lợi, chỉ là chưa trọn vẹn. Hiển nhiên, kẻ cầm đầu vượt

ngục như ông phải chuẩn bị tinh thần cho một phiên tòa khác, mà trước hết là những trận đòn roi tra tấn.

HOẠT ĐỘNG BÍ MẬT TRONG TÙ

Quay lại Khám lớn lần này, ông Sỹ không còn may mắn được ở nhà tù tập thể nữa mà thay vào đó là 8 tháng biệt giam. Hai chữ biệt giam trong thời điểm đó đã đủ để biết ông phải trải qua những đòn roi tra tấn như thế nào.

Phiên tòa lần thứ hai xử ông và đồng đội tội cố sát, tuyên án chung thân khổ sai. Họ được thông báo sẽ chuyển lên nhà lao Chí Hòa (TP. HCM) rồi sẽ đày đi Côn Đảo.

Trong gần 4 năm ở nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian cho đến khi giải phóng và được tự do, ông Sỹ vẫn cùng những đồng đội bí mật hoạt động, gây dựng phong trào.

Trong giai đoạn 19731975, với sự lãnh đạo của Ban đại diện công khai và Ban chỉ đạo bí mật mà ông Sỹ là thành viên, tù nhân chính trị vùng lên. Đó là phong trào cuối cùng của tù nhân chính trị toàn Côn Đảo cho đến ngày giải phóng miền Nam. Sau đó, ông được về nhà…

Là người từng ngồi chung chuyến tàu bị đày ra Côn Đảo với ông Sỹ, bác sĩ Võ Tấn Hưng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y TP Cần Thơ xúc động nhớ lại: “Lúc ông Sỹ và mấy đồng đội vượt ngục, tôi cũng mới bị bắt vô Khám lớn Cần Thơ. Sau đó, chúng tôi ngồi chung chuyến tàu bị đày ra Côn Đảo”.

“Bốn năm trong tù, chúng tôi cùng nhau bí mật hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng. Còn người đồng đội bị bắt lại trong chuyến vượt ngục với ông Sỹ là ông Tô Văn Tư cũng đã mất lâu rồi”, ông Hưng ngậm ngùi kể.

Sau hòa bình, ông Sỹ công tác trong Đảng ủy TP Cần Thơ (thời đó thuộc tỉnh Hậu Giang) và là Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố cho đến khi nghỉ hưu, rồi trở thành Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến cho đến nay.

 ?? ??
 ?? ?? Giây phút bồi hồi của người chiến sỹ cách mạng khi về lại nơi mình bị giam cầm
Giây phút bồi hồi của người chiến sỹ cách mạng khi về lại nơi mình bị giam cầm
 ?? ?? Ông Phan Thanh Sỹ bên trong căn xà lim biệt giam mình gần nửa thế kỷ trước
Ông Phan Thanh Sỹ bên trong căn xà lim biệt giam mình gần nửa thế kỷ trước

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam