BAO GIAO THONG

Cựu trung tá Fulro thành “ông Xuyên mặt trận”

-  VĂN TƯ KÝ ỨC BUỒN

Từng có thời gian lầm lỡ khi gia nhập tổ chức Fulro, nhưng ông Kra Jăn Ha Xuyên sớm tìm về con đường chính nghĩa để làm lại cuộc đời, trở thành một già làng uy tín. Chính quyền và người dân đã bầu ông làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đạ M’rông và trạm trưởng trạm thủy lợi.

“Con đập nhìn nho nhỏ nhưng đảm bảo tưới tiêu cho cả 800ha lúa của đồng bào vùng Đam Rông. Dân bản hết đói, xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng nhờ đập của ông Ha Xuyên đấy”, Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) Nguyễn Hoàng Mai vừa chỉ tay về con đập vừa chỉ dẫn cho PV đường về nhà ông Kra Jăn Ha Xuyên (SN 1950).

“Ông Xuyên đập”, “ông Xuyên mặt trận” và cựu “trung tá Fulro” là những cái tên mà người dân thường gọi khi kể về hành trình chuộc lại lỗi lầm của một trong những nhân vật cốt cán trong tổ chức Fulro.

“Nếu không sớm rời khỏi hàng ngũ Fulro, chắc tôi đã bỏ xác giữa rừng sâu, làm gì có nhà cửa, ruộng vườn bề thế như bây giờ”, ông Kra Jăn Ha Xuyên mở đầu câu chuyện.

Năm 1975, bóng ma Fulro hoành hành vùng Đầm Ròn của các xã Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M’rông (huyện Đam Rông). Từng là thầy giáo dưới chế độ cũ, có chữ nghĩa nên Ha Xuyên được Fulro để mắt.

“Có lẽ vì thấy tôi được dân làng tôn trọng nên nhiều người ra sức móc nối, lôi kéo gia nhập tổ chức Fulro. Họ đeo bám khắp nơi để thuyết phục, hứa hẹn người có trình độ như tôi sẽ có chức vụ cao khi gia nhập lực lượng, đến ngày chiến thắng sẽ được ra nước ngoài sinh sống, vật chất dư dả.

Điều này dần khiến tôi siêu lòng. Một buổi tối, tôi

lấy mấy bộ quần áo rồi đi theo Fulro, nhằm thẳng hướng núi Liêng Tình Tang mà đi... “, ông Xuyên nhớ lại.

Theo ông, phải đi nhiều ngày mới tới “căn cứ”. Đó là khu vực nằm sâu trong rừng, không thể xác định được phương hướng. Muốn bỏ trốn cũng không dám, bởi sẽ bị lạc đường hoặc thú dữ ăn thịt. Trước mặt ông lúc đó là toán người hung hãn, tay lăm lăm khẩu súng đi lại, mắt trợn ngược quát tháo...

HỮU DANH VÔ THỰC

Khi biết ông Ha Xuyên là người có trình độ và ảnh hưởng ở vùng Đầm Ròn, những tên cầm đầu Fulro dành cho ông sự ưu ái. Ông được phong cấp bậc trung tá, từng giữ các chức vụ như quận trưởng Đam Bur, quận trưởng Liêng Khàng, chỉ huy trưởng Trung tâm tiếp viện Quân khu 4 trung ương Fulro, tỉnh trưởng tỉnh Langbiang và Tư lệnh Quân khu 4 trung ương Fulro.

Năm 1980, Ha Xuyên cùng toán người khác di chuyển tới vùng rừng núi Đắk Lắk hoạt động rồi vượt biên sang Campuchia. Mục đích là chuẩn bị thiết lập hành lang Tây Nguyên - Campuchia - Thái Lan để đưa người trốn ra nước ngoài huấn luyện.

Tuy nhiên, những ngày tháng dưới bóng Fulro, ông

Xuyên nhận ra chức vụ, lời hứa chỉ là “bánh vẽ”. Cấp bậc đầy mình, nhưng ngoài súng AK-47, B40 với hàng trăm viên đạn, ông không có một đồng lương hay trợ cấp, sống chui lủi trong rừng, ăn đói mặc rét, phải đi trộm cắp bắp, mì của bà con địa phương.

Năm 1986, được lực lượng công an kêu gọi, vận động đầu thú để nhận được khoan hồng, Ha Xuyên cùng 12 người khác quyết định rời núi rừng để quay về với chính nghĩa. Thời điểm này, Fulro có phần rệu rã khi công an các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên truy quét với các chuyên án lớn.

Qua một số nguồn tin, ông Ha Xuyên được hẹn đón về đầu thú ở khu vực xã Lát, huyện Lạc Dương. “Trên đường ra đầu thú, chúng tôi nghĩ tới việc sẽ bị đánh đập, hành hạ, bị phân biệt đối xử thậm tệ, nhưng chúng tôi rất bất ngờ khi được đại tá Vũ Linh, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Cụm trưởng Cụm An ninh Tây Nguyên trực tiếp dẫn đoàn công tác vượt rừng vào để đón rồi ôm từng người động viên”, ông Hà Xuyên kể lại.

“Đó là một đặc ân của chính quyền, của lực lượng công an dành cho những người tội lỗi như tôi. Tối hôm ấy, chúng tôi được ăn thịt heo, uống rượu cần, cùng trò chuyện xuyên đêm với đại tá Linh. Tôi hiểu hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước, về tình cảm của đồng bào”, ông Ha Xuyên nói thêm.

QUYẾT TÂM LÀM LẠI CUỘC ĐỜI

Từng là thầy giáo, nên khi trở lại quê hương, ông không chỉ tích cực xây dựng quê hương, mà còn nuôi dạy con cái thành người có ích cho xã hội. Hiện hai người con ông đang phục vụ cho ngành y tế và làm cán bộ tư pháp xã Đạ M’rông

Ông Ha Xuyên cũng tự hào khoe: “Khi về lại quê hương, tôi phấn đấu hết mình để làm lại cuộc đời. Chính quyền và người dân ghi nhận sự thành tâm của tôi, đã bầu tôi làm Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Đạ M’rông 3 năm liền. Sau đó, thấy tôi hướng dẫn bà con chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, chính quyền lại bố trí cho tôi làm Trạm trưởng trạm thủy lợi”.

Đầu những năm 1990, cánh đồng lúa đến 80ha chỉ trồng cấy được một vụ, về mùa khô ruộng để khô cạn. Ông đã mày mò nghiên cứu xây một con đập thủy lợi chặn dòng suối, tạo thành hồ tưới tiêu.

“Ý tưởng của tôi lúc đầu bị nhiều ý kiến trái chiều, khiến tôi buồn lắm. Năm 1991, trong một lần được đi họp trên huyện, tôi liền gõ cửa hết phòng ban liên quan và cả lãnh đạo huyện trình bày kế hoạch. Không ngờ vài tháng sau có đoàn về kiểm tra thực tế, giao cho tôi chỉ đạo làm đập.

Cấp trên cho chúng tôi 50 triệu đồng để mua vật liệu. Tôi và chính quyền địa phương phải huy động toàn bộ nhân dân bỏ công ra xây đập. Vật liệu phải cõng gùi gần 20km. Gần một năm công trình hoàn thành. Từ đó, cánh đồng lúa được trồng 2 vụ/năm”, ông Ha Xuyên chia sẻ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Mai, Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông cho biết, xã có đến 96% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đến nay mạng lưới giao thông với chiều dài hơn 86km đã được bê tông hóa đến 95%.

“Từ ngày có đập thủy lợi theo sáng kiến của ông Ha Xuyên, người dân ổn định cuộc sống tại chỗ, không còn du canh, du cư. Xã cũng chuyển đổi cây trồng, ngoài lúa, ngô, mỳ sắn, chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm. Thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm cao hơn trồng bắp ngô đến 12 lần nhờ nguồn tưới tiêu này”, ông Mai cho hay.

 ?? ?? Ông Ha Xuyên (đứng giữa) kể về ý tưởng xây đập thủy lợi giúp người dân địa phương
Ông Ha Xuyên (đứng giữa) kể về ý tưởng xây đập thủy lợi giúp người dân địa phương
 ?? ?? Ông Ha Xuyên được khen thưởng nhiều lần
Ông Ha Xuyên được khen thưởng nhiều lần

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam