Nhan Dan cuoi tuan

Mở đường, từ chính sách

- ■ NGÂN HÀ

Việc hồi hương bảo ấn được đúc năm 1823, thời vua Minh Mạng (1820-1841), phải đến sau ngày 10/11 tới đây mới được định đoạt. Hành động chưa có tiền lệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối kết hợp Bộ Ngoại giao, nhằm huy động mọi nguồn lực để có thể đưa “Hoàng đế chi bảo” về lại quê hương, cho thấy tầm quan trọng của di sản này trong hệ thống bảo vật triều Nguyễn nói riêng và đối với lịch sử đất nước nói chung.

Nhiều cổ vật vô giá đang lưu lạc

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hiện lưu giữ 85 trong tổng số hơn 100 ấn các loại được chế tác và sử dụng qua 13 đời vua thuộc triều đại nhà Nguyễn. Trong đó, ấn được làm bằng vàng, bạc gọi là “kim bảo”, ấn được tạo tác từ ngọc quý gọi là “ngọc tỷ”. Từ nhiều nguồn tham chiếu và qua quá trình nỗ lực đàm phán để tạm dừng phiên đấu giá bảo ấn này, ngày 31/10, của nhà Millon (Pháp), Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có cơ sở để khẳng định: “Hoàng đế chi bảo” là ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất, quý nhất và quan trọng nhất của triều Nguyễn.

Sau khi tiến công kinh đô Huế, năm 1885, người Pháp đã lấy đi hàng trăm nghìn đồ vật có giá trị thuộc triều Nguyễn và hiện nay, phần lớn trong số đó vẫn đang được lưu giữ ở Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà các phiên đấu giá công khai cổ vật triều Nguyễn đều được thực hiện bởi nhà đấu giá tại Pháp.

Đến nay, đây là lần thứ hai, việc hồi hương cổ vật được cho là có ý nghĩa lịch sử và văn hóa thuộc thời nhà Nguyễn gây chú ý lớn trong dư luận. Lần đầu là trong tháng 6/2014 với việc đấu giá thành công tại Pháp chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) về nước. Đó cũng là lần đầu, tính đến nay, đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp tham gia đấu và thành công. Chi phí cho việc mua chiếc xe là 55.800EUR, được tổng hợp từ hai nguồn là ngân sách của tỉnh (42.800EUR) và sự đóng góp, ủng hộ của một số tổ chức xã hội và cá nhân khác. Nhưng phải đến gần một năm sau, chiếc xe mới được đưa về Việt Nam do vướng phải nhiều thủ tục thông quan, trong đó có chi phí đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hàng hóa nhập khẩu. Ngày 17/4/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gửi Công văn số 1809/UBND-VH đến Bộ Tài chính đề nghị xin miễn thuế GTGT đối với hiện vật này.

Được biết, ngay tại phiên đấu ngày 31/10 vừa qua với chủ đề

Nghệ thuật Việt Nam (Arts du Vietnam) của nhà Millon, khoảng 90% số người tham dự tại chỗ là người Việt, trong đó có những người đấu giá thay cho người mua thật ở trong nước. Thực tiễn này lâu nay cũng khá phổ biến trong lĩnh vực đấu giá các tác phẩm thuộc thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, có nhiều bức tranh mà trị giá lên đến hàng trăm nghìn, hàng triệu USD do người Việt Nam mua. Điều này cho thấy, nếu có chính sách hợp lý sẽ thu hút, tập trung được nguồn lực tài chính của cá nhân người

Việt Nam trong việc hồi hương cổ vật, bảo vật, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước.

Cần xây dựng một chương trình hành động để hồi hương cổ vật

Từ tiền lệ hồi hương một bảo vật như chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh nói trên cùng căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến ngày 2/11/2015, Bộ Tài chính soạn thảo một công văn gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên cả nước (Công văn số 16192/ BTC-TCHQ), ghi rõ, “Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Mặt hàng cổ vật chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh và các cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam bị lưu lạc ở nước ngoài nay được

nhập khẩu trở lại, không vì mục đích thương mại, kinh doanh, chỉ để bảo tồn, gìn giữ giá trị lịch sử của dân tộc thì không thu thuế GTGT nếu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc đơn vị được ủy quyền) xác nhận là di vật, cổ vật”.

Với một văn bản “nêu ý kiến” như vậy, việc triển khai các thủ tục miễn thuế GTGT cho các hiện vật đưa từ nước ngoài về sẽ là một hành trình không đơn giản. Câu hỏi đặt ra: như thế nào là “không vì mục đích thương mại, kinh doanh” và liệu có phải có văn bản cam kết liên quan mục đích này? Từ một công văn chỉ đạo có phần khái lược như vậy gửi đến các Cục Hải quan địa phương, rất có thể, những “linh động”, “mềm dẻo” trong triển khai tại địa phương dẫn đến e ngại cho tổ chức, cá nhân thực tâm muốn đưa cổ vật quý về nước.

Một số ý kiến của chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa cho rằng, trước tiên, cơ quan đại diện Chính phủ là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có một phân loại rõ ràng về

mức độ giá trị của cổ vật và bảo vật để từ đó có cơ chế hồi hương phù hợp. Hai trường hợp chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh và ấn “Hoàng đế chi bảo” chính là chỉ dẫn tham chiếu cụ thể để phân định: bảo vật ở mức độ nào thì cần sự hợp lực vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của cơ quan đại diện chính phủ nhằm đạt mục đích hồi hương. Tức là cần xây dựng một chương trình hành động riêng, trong đó cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng nhất, để tìm kiếm, rà soát, phát hiện, nắm bắt thông tin và quy tụ được mọi nguồn lực cho nỗ lực bảo tồn, lưu giữ các giá trị lịch sử đặc biệt

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang cân nhắc bổ sung điều luật cụ thể hơn về quy trình, thủ tục đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước trong dự thảo sửa đổi Luật Di sản văn hóa đang được lên kế hoạch xây dựng. Luật Di sản văn hóa hiện hành dừng lại ở việc ghi nhận: “khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” và “Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa”. (Điều 9, mục 1 và 2)

 ?? Ảnh: KEVIN VƯƠNG ?? Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.
Ảnh: KEVIN VƯƠNG Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam