Nhan Dan cuoi tuan

Tiếng kêu cứu từ những hòn đảo nhỏ

- QUANG ANH

Thông điệp gửi đi từ mặt nước

Với hàng trăm diễn giả tham dự, sẽ rất khó để thông điệp của bạn trở nên nổi bật tại một sự kiện tầm cỡ như Hội nghị lần thứ 26

Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland, từ ngày 31/10 đến 12/11/2021. Càng khó hơn khi bạn không thể tham dự trực tiếp hội nghị. Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu, Simon Kofe, đã có một cách tiếp cận sáng tạo để bài phát biểu của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất.

Chính trị gia 38 tuổi này gửi tới COP26 một video bài phát biểu được ghi hình ở rìa đảo san hô chính của Tuvalu, Funafuti, một vùng đất hẹp đến mức chỉ mất 10 phút để đi bộ từ tây sang đông. “Ở Tuvalu, các hòn đảo rất thiêng liêng đối với chúng tôi. Đó là nhà của tổ tiên chúng tôi. Đó là nhà của người dân Tuvalu ngày nay. Và chúng tôi muốn đó vẫn là ngôi nhà của mình trong tương lai”, Simon Kofe nói, khi camera chuyển sang toàn cảnh cho thấy ông đang đứng ngập sâu tới đầu gối dưới biển, bục phát biểu, cờ và cả trường quay cũng nửa chìm nửa nổi trong làn nước.

“Chúng tôi đang chìm dần. Chúng tôi không thể chờ đợi các diễn văn khi nước biển đang dâng cao chung quanh mình. Những nước phát thải lớn cần phải hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu” - thông điệp khẩn thiết mà Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu, ông Simon Kofe (trong ảnh), gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới qua một phát biểu gây sốc hồi cuối năm ngoái.

Bằng cách truyền tải ấn tượng và cũng cực kỳ thực tế như thế, thông điệp của Simon Kofe đã gây được sự chú ý mạnh mẽ tại COP26 và lan truyền khắp thế giới.

Tuvalu, cách Hawaii (Mỹ) khoảng 4.000km về phía tây nam, được tạo thành từ chín hòn đảo nhỏ, có dân số khoảng 12.000 người. Theo một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2012, Tuvalu có thể nằm trong số các quốc đảo Thái Bình Dương không thể sinh sống được vào năm 2030, do nước biển dâng.

Trường hợp của Tuvalu không phải là ngoại lệ duy nhất. Tất cả các

quốc gia đang phát triển ở các đảo nhỏ, mà UNDP gọi là các nước SIDS, đều phải đối mặt những tổn thương về môi trường, xã hội và kinh tế tương tự. Họ đang ở tuyến đầu của trận chiến chống biến đổi khí hậu, là những người cảm nhận những tác động đầu tiên và nghiêm trọng nhất, mặc dù họ đóng góp ít hơn 1% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Ali Shafeeq, thành viên Hội đồng địa phương ở Dharavandh­oo, Maldives, ngậm ngùi: “Chất lượng nước ngầm hiện nay quá tệ, tôi thậm chí không dám cho con mình dùng nó để đánh răng. Chúng tôi sử dụng nước mua ở cửa hàng”.

Năm 2017, khi tràn qua Antigua và Barbuda-quốc đảo nằm trong cái gọi là “vành đai bão”, cơn bão Irma đã phá hủy 95% số nhà và khiến một phần ba đất nước rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Khi nhiệt độ tiếp tục tăng, các cơn bão dự kiến sẽ trở nên thường xuyên hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn trong những năm tới.

Vậy nhưng, theo Simon Kofe, thế giới chưa hành động đủ nhiều để cứu lấy những đảo quốc nhỏ. Ngược lại, có tới năm hòn đảo thuộc quần đảo Solomon ở tây nam Thái Bình Dương đã bị nhấn chìm dưới nước, như tờ The Diplomat đưa tin gần đây. Nhiều người dân Tuvalu đã chọn con đường di cư đến New Zealand vì không nhìn thấy tương lai tại quê nhà.

Vị luật sư trẻ trong vai trò tiên phong

Hơn nửa năm sau bài phát biểu gây sốc tại COP26, khi sự chú ý của quốc tế đã đổ dồn về các quốc đảo Thái Bình Dương, Simon Kofe cảm thấy cuộc chiến phía trước vẫn còn nhiều chông gai. Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu bộc bạch với tờ The Spinoff: “Mỗi ngày, tôi lại thấy biển xâm thực nhiều hơn, hoặc một cơn bão nhiệt đới tấn công mạnh hơn, hạn hán kéo dài hơn. Tôi sợ rằng, những kẻ có nhiều tiền sẽ nhấn chìm chúng ta và xuyên tạc chúng ta chỉ để tiếp tục hủy diệt hành tinh này”.

Bản thân Kofe cũng tiếp tục đi đầu trong nỗ lực kêu gọi nâng cao nhận thức của thế giới về việc này. Chính trị gia 38 tuổi rất kỳ vọng vào sự đoàn kết của các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm đối mặt thách thức sống còn. “Tôi rất lạc quan khi thấy những nhà lãnh đạo từ các quốc gia nhỏ như chính tôi đang tiến lên. Chúng tôi sẽ sử dụng tiếng nói của mình một cách sáng tạo và đoàn kết, để đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu lên hàng đầu trong sự chú ý của toàn thế giới” - Kofe nói.

Nỗ lực của Kofe dường như cũng tác động tới giới chức lãnh đạo nhiều quốc đảo nhỏ bé khác, tạo ra làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ. Thủ tướng Barbados, Mia Mottley, trong một phát biểu gần

đây, thậm chí chua chát nói rằng việc toàn cầu nóng lên 2 độ C

“là bản án tử hình đối với người dân Antigua và Barbuda, đối với người dân Maldives, đối với người dân Dominica và Fiji… cũng như đối với người dân Samoa và Barbados”.

Những phát biểu như vậy khiến thế giới buộc phải lắng nghe nghiêm túc hơn rất nhiều, so với quá khứ. Các quốc gia SIDS chịu gánh nặng nhiều hơn vì biến đổi khí hậu, nhưng tất cả nhân loại đều ở trên cùng một

con thuyền. “Thông điệp của tôi đơn giản là thế này: Nếu các vị cứu Tuvalu, cũng có nghĩa là các vị cứu thế giới” - Simon Kofe nhấn mạnh trong một bài trả lời phỏng vấn, sau khi biết những nỗ lực chống biến đổi khí hậu đã giúp ông được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2022.

Vị luật sư 38 tuổi từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ tham gia chính trị, nay đang là nghị sĩ trẻ nhất của Quốc hội Tuvalu và xông xáo đi đầu trên hành trình kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động vì

môi trường. “Tôi cảm thấy mình có thể đóng góp tốt hơn cho đất nước bằng cách làm điều này”, ông chia sẻ. “Đã đến lúc các nước phát thải lớn phải hành động để giải quyết biến đổi khí hậu. Chúng tôi không thể ngồi chờ được!”.

Và ở COP27 sắp tới (diễn ra từ ngày 6 đến 18/11 tại Ai Cập), chắc chắn, Kofe cùng những “đồng đội” vẫn sẽ tiếp tục cất cao những lời kêu gọi. Chỉ có điều, đáp lại chúng, chưa ai dám chắc sẽ là những hành động thiết thực đến đâu…

 ?? ??
 ?? ??

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam