Nhan Dan cuoi tuan

Khó tìm lời giải cho bài toán vốn

- ■ AN BÌNH

HƠN hai tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, nhưng doanh nghiệp đang vào cảnh vô cùng khó khăn để hoàn thành kế hoạch năm. Chưa khi nào bài toán nguồn vốn lại khó như hiện nay. Do Ngân hàng Nhà nước kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay, từ giờ đến ngày 31/12, cả ngân hàng và doanh nghiệp chỉ có thể “co kéo” trong hạn mức 2% tăng trưởng tín dụng còn lại. Cầu lớn hơn cung thì tất yếu giá sẽ tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng, cho dù các ngân hàng có ưu đãi đến đâu, lãi suất cho vay vẫn tăng. Hiện lãi suất huy động cao nhất trên thị trường (không tính các trường hợp thỏa thuận ngầm) đã chạm mức 11%/năm, nếu cộng biên độ 3%-4% (là mức các ngân hàng cho rằng vừa đủ có lãi sau khi trừ chi phí đầu vào), lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện vào khoảng 15%/năm. Kể cả ở mức lãi suất này, doanh nghiệp cũng là “may mắn” khi vay được vốn tín dụng ngân hàng. Vì đâu ra cơ sự này? Việt Nam hiện đã là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới, việc doanh nghiệp quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Ở thời điểm này, tiếp cận nguồn vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó. Mới đây nhất, Bộ Tài chính khuyến cáo: Nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Bộ này cũng không quên nhắc: Trái phiếu phát hành ra công chúng được chào bán cho mọi nhà đầu tư và chỉ được chào bán sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép. Một nút thắt khác là vốn đầu tư công. Các nhà điều hành đã sớm nhận ra đây mới là lực đẩy chính cho toàn nền kinh tế đi lên. Nhưng sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng, kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đến ngày 31/10/2022 mới đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài những nguyên nhân khách quan khiến vốn đầu tư công chậm giải ngân, còn có nguyên nhân chủ quan là cán bộ quản lý nhiều cấp không dám làm vì sợ sai; không làm được vì thiếu cơ chế, chính sách. Điều đó cho thấy, hệ thống pháp lý hiện hành của chúng ta không chỉ thiếu mà còn nhiều bất cập. Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 với chỉ tiêu: tốc độ tăng GDP khoảng 6,5%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%. Nghị quyết cũng yêu cầu ngành ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp… Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 của nhiều ngân hàng thương mại vẫn cho thấy những con số tăng trưởng tốt về lợi nhuận. Song, công bằng mà nói: Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, yêu cầu họ chia sẻ lợi nhuận thì có thể, nhưng để “hy sinh” cho doanh nghiệp khác thì rất khó. Tuy nhiên, bản thân ngân hàng cũng cần nhìn nhận: Nếu lãi suất cho vay tăng mạnh sẽ khiến doanh nghiệp khó phục hồi, giảm khả năng trả nợ, gây rủi ro cho ngân hàng; lãi suất tăng sẽ làm chậm vòng quay vốn, tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng ■

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam