Nhan Dan hang thang

NGƯỜI VEN ĐÔ VÀ NỖ LỰC SỐNG XANH, SẠCH

- QUANG ÁNH

Áp dụng mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà đã mang lại kết quả giảm khoảng 50-70% lượng rác mang đến các bãi chôn lấp. Đây được coi là một tín hiệu tích cực, góp phần chứng minh hiệu quả của giải pháp phân loại và xử lý rác tại nguồn mà nhiều xã tại huyện Đông Anh (Hà Nội) đang tiên phong triển khai.

SỐNG XANH VÀ SẠCH TỪ NHÀ RA NGÕ

Từ tháng 2/2021, Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đông Anh phối hợp Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) cùng một số doanh nghiệp xử lý rác triển khai chương trình Giảm rác tại cộng đồng. Nhờ những nỗ lực của các hộ gia đình và cộng đồng đến nay, tổng lượng rác thải sinh hoạt tại các xã thí điểm đã giảm đáng kể.

Nhóm của chị Lê Thị Huế - trưởng thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú là một trong các đội tiên phong làm sạch môi trường, với hơn 10 thành viên nay mang lại vùng đất này biết bao sự đổi thay, từ nếp sinh hoạt, môi trường chung quanh và đặc biệt khắp thôn phủ một mầu xanh rau, hoa, cây cối. Chị Huế cho biết, từ năm 2021, Nghĩa Vũ là địa bàn đầu tiên của xã thí điểm đẩy lùi rác thải bằng xử lý vi sinh. Ban đầu, việc áp dụng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao do cách làm chưa đúng. Song nhờ có đội nòng cốt kiên trì thuyết phục và thực hành làm gương trong thôn, ý thức phân loại rác ở Nghĩa Vũ đã dần được cải thiện. Nếu trước đây, những loại rác thực phẩm ăn uống hằng ngày được người dân gom chung với các loại rác khác dồn lại tại các điểm trên đường làng, khiến mất vệ sinh, ảnh hưởng cảnh quan, thì nay đã được xử lý thành phân bón, một số rác tái chế có thể đem bán. “Gia đình tôi rất đông người, gồm bốn thế hệ cùng chung sống, lượng rác thải mỗi ngày rất nhiều. Do đó, tôi thấy việc thực hiện phân loại và xử lý rác bằng vi sinh là rất cần thiết. Sau khi xử lý, lượng phân bón tơi xốp thu được không chỉ phục vụ cho bón cây hiệu quả mà còn giúp gia đình tiết kiệm chi phí mua phân hóa học, đồng thời nhà cửa sạch sẽ, giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường”, chị Huế nói.

Nhớ lại ngay từ ban đầu, chị Huế đã vừa thực hiện vừa đi tuyên truyền về việc phân loại, xử lý rác tại từng hộ gia đình trong khu ngõ nhỏ. Chị vận động các cô giáo mầm non, hội chị em phụ nữ, câu lạc bộ dưỡng sinh cùng tham gia nhóm phân loại rác của thôn. Chị còn dành thời gian đi kiểm tra tiến độ của từng hộ gia đình hai buổi/tuần, sau đó cùng thảo luận, trao đổi với mọi người những khó khăn vướng mắc để cùng tìm ra cách giải quyết và rút kinh nghiệm. Chị Huế chia sẻ thêm: “Trong nhóm có chị Thiện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho các chị em vào mỗi buổi chiều hái rau ở ruộng về cách phân loại, ủ phân, đồng thời trao đổi về những lợi ích phân loại và xử lý rác. Chị Duyên, chị Thanh luôn tích cực hướng dẫn kỹ thuật nếu các gia đình có nhu cầu, kể cả vào buổi tối muộn, ai cần học tập kinh nghiệm xử lý vi sinh là các chị sẵn sàng đi ngay”.

Tuy vậy, không ít các đội tiên phong làm sạch môi trường đối mặt với khó khăn khi bà con từ chối phân loại rác. Đại diện xã Dục Tú cho biết: “Khó nhất là vận động người dân thay đổi từ thói quen vứt rác hằng ngày thành phân chia rác thành ba loại, thế nên cần tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân. Với một số lãnh đạo thôn chưa thật sự vào cuộc, chúng tôi đôn đốc, các hộ dân còn gặp khó trong việc chọn vị trí hợp lý để đặt thùng hay hố ủ được hướng dẫn tận dụng các thùng sơn, thùng xốp đựng hoa quả, khoan lỗ để thoát nước rỉ rác. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai cũng có những người thực hiện không thành công nên thấy nản lòng. Do đó, chúng tôi phải đồng hành, giám sát và động viên để họ tiếp tục thực hiện và lan tỏa cho người khác”.

MÔ HÌNH HIỆU QUẢ CẦN NHÂN RỘNG

Theo các chuyên gia môi trường, quá trình đô thị hóa cùng sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số khiến lượng rác thải không ngừng tăng cao mỗi ngày, nhất là ở các đô thị lớn. Tại Hà Nội, khoảng 70-80% các chất thải rắn trên địa bàn thành phố sau khi thu gom được vận chuyển đến bãi rác Nam Sơn để chôn lấp. Hiện nay, bãi rác có tổng diện tích khoảng 84ha đang quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc đốt và chôn lấp rác phát thải các khí metan, carbondiox­ide, nitơ góp phần gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Và nước rỉ rác tại các bãi chôn lấp cũng là một trong những căn nguyên gây ô nhiễm môi trường đất, khi chứa hàm lượng các chất hữu cơ, nitơ, lưu huỳnh cao. Vì vậy, các thành phố lớn như Hà Nội cần cấp thiết triển khai chương trình giảm rác, phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn đồng thời gom riêng rác tái chế.

Tại huyện Đông Anh, tính đến ngày 30/5/2022, đã có 24 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà, với hơn 10.000 người dân tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Báo cáo cuối năm 2021 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho thấy, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50-70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 giảm hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày. Cụ thể, năm 2021 lượng rác thải sinh hoạt phát sinh chỉ 227 tấn/ ngày; thấp hơn lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác ra toàn huyện. Mục tiêu phấn đấu năm 2022 đạt 50% số hộ tham gia.

Từ ấn tượng với kết quả giảm rác tại Đông Anh, các quận, huyện khác tại Hà Nội cũng đã và đang bắt tay vào thí điểm và xây dựng kế hoạch xử lý rác hữu cơ, trong đó có: Ba Vì, Sơn Tây, Gia Lâm, Đan Phượng, Thạch Thất, Long Biên... Gần đây, nhiều quận, huyện tại Đà Nẵng tới tham quan và đề xuất áp dụng mô hình này tại địa phương. Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) đánh giá, Đông Anh là một huyện tiên phong và vào cuộc đồng bộ để thực hiện thí điểm thành công chương trình phân loại và xử lý rác hữu cơ từ nguồn của thành phố Hà Nội. Bên cạnh những kết quả ấn tượng về lượng rác thải sinh hoạt giảm và số lượng hộ gia đình tham gia ngày càng tăng thì mô hình còn giúp nâng cao nhận thức của người dân. Ban đầu các hộ còn ngại khó và bất tiện, nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải tại nhà và đặc biệt đã sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt... Đây cũng là một thí dụ về kinh tế tuần hoàn phù hợp với khu vực ngoại thành của Thủ đô.

Thiết nghĩ, để môi trường sống của chúng ta tốt hơn, sự chung tay của mỗi cá nhân là cần thiết. Nếu mọi người cùng nhau tạo thói quen phân loại và xử lý rác tại gia đình mình, chúng ta sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình ngày càng xanh, sạch, đẹp.

 ?? ?? Chương trình Xử lý, phân loại, giảm rác thải tại nguồn do Live&Learn phối hợp cùng UBND huyện Đông Anh triển khai.
Ảnh do Live&Learn cung cấp
Chương trình Xử lý, phân loại, giảm rác thải tại nguồn do Live&Learn phối hợp cùng UBND huyện Đông Anh triển khai. Ảnh do Live&Learn cung cấp
 ?? ??

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam