Nhan Dan hang thang

HIỆN THỰC HÓA GIẤC MƠ CÓ NHÀ CHO CÔNG NHÂN

- BÌNH HIỀN

Dứt khỏi cái ồn ào bụi bặm của phố trong làng đã đô thị hóa, Trường mầm non tư thục Sơn Ca (Sơn Ca Preschool) nằm ở vị trí khá thuận tiện đường đi lối lại. Đầu giờ chiều, các bé quây quần trong phòng học đàn. Qua gần trọn một năm liền nghỉ học chống dịch, mở cửa trở lại chưa được bao lâu, cô trò của trường đã bắt kịp nhịp điệu thường ngày. Những đứa trẻ đang háo hức với từng phím đàn ở đây hầu hết là con em công nhân Khu công nghiệp công nghệ cao Bắc Thăng Long (Hà Nội).

NỖ LỰC CỦA CHÍNH QUYỀN, DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG...

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, chủ trường mầm non Sơn Ca, với đặc thù cha mẹ học sinh thường xuyên làm ca kíp, trường linh động đón trẻ sớm, sẵn sàng trông coi ngoài giờ tan học mà không thu thêm khoản phí nào. Có cung ắt có cầu nhưng trên tinh thần chia sẻ cùng nhau, bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật, trường được địa phương tạo mọi điều kiện nên với một khoản chi phí tiết kiệm nhất, học sinh được thụ hưởng môi trường học tập tiến bộ, được làm quen với tiếng Anh, các môn năng khiếu..., phụ huynh yên tâm gửi con để vào ca. Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung Hoàng Đức Khang nhớ lại: Nhu cầu trường mầm non của xã đã qua giai đoạn căng thẳng như vài ba năm trước bởi có sự tham gia của các trường tư thục, các nhóm trẻ tư thục... đáp ứng đủ điều kiện, được chính quyền cấp phép.

Ngay địa phương quá tải như Bình Dương, từ năm 2012 Công ty TNHH Shyang Hung Cheng có vốn đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đã chủ động xây dựng Trường mầm non Vinh Hỷ. Trường đang có 250 học sinh từ 2 đến 5 tuổi. Gần 20 giáo viên, bảo mẫu, ban giám hiệu đều được đích thân công ty tuyển chọn, ký hợp đồng lao động bài bản, chuyên nghiệp. Hơn 10 năm qua, chừng 8.400 người lao động của Shyang Hung Cheng đã đặt niềm tin vào công ty, yên tâm làm việc khi chứng kiến con em mình được chăm lo chu đáo. Chủ tịch Công đoàn công ty, ông Mai Thanh Tuyền phấn chấn: có trường mầm non, anh chị em công nhân được gửi con gần nơi làm việc. Nhà trường không thu học phí, chỉ nhận tiền ăn của trẻ, kể cả những ngày bố mẹ tăng ca dài, các con ăn nghỉ tại trường nhiều, một tháng mỗi học sinh cũng chỉ phải trả chưa đến một triệu đồng.

Với công nhân xa quê, nhà ở và trường học cho con, đặc biệt trường mầm non là những nhu cầu bức thiết, gắn kết nhất, là nền tảng để tạo dựng cuộc sống ổn định lâu dài nên nhiều doanh nghiệp nhìn xa trông rộng đều lo mở trường mầm non sau khi hoàn thành các khu nhà lưu trú...

Tháng bảy, cái nắng oi nồng bao trùm mặt đất, đã qua khắc trưa, khu sân chơi trẻ em Tòa nhà CT4 (Dự án khu nhà ở xã hội Tòa nhà CT3, CT4 Khu đô thị mới Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) vẫn rộn vang tiếng nô đùa, chạy nhảy. Chưa đến giờ vào ca, nữ công nhân Lê Hoài Giang, Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) hồ hởi tiếp khách trong căn hộ xinh xắn vừa nhận bàn giao. Từ Tuyên Quang về Thủ đô, chị Giang thấm hơn ai hết nỗi vất vả, cơ cực của cảnh thuê trọ. “Cách đây 15 năm tôi thuê nhà tại thôn Bầu, xã Kim Chung có 200 nghìn một tháng, năm ngoái đã là hai triệu đồng”, chị Giang bộc bạch. Để dứt bỏ nỗi ám ảnh thuê nhà, hiện thực hóa ước mơ có nhà ở, yên tâm khi con cái lớn, cần có hộ khẩu để tính chuyện trường lớp thi cử, chị Giang đã đăng ký và được xét duyệt mua nhà ở xã hội. Không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội do thủ tục quá phức tạp, vợ

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố đã có 16 dự án nhà lưu trú công nhân hoàn thành, đi vào hoạt động, đáp ứng 21.400 chỗ ở tại 11/17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Có 5 phòng khám, 11 siêu thị, cửa hàng tiện ích, 10 trung tâm sinh hoạt công nhân và công trình thể dục thể thao tại 11/17 khu công nghiệp, khu chế xuất đã mở cửa đón người lao động.

chồng chị quyết định vay 500 triệu đồng từ ngân hàng BIDV. Mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi 6,3 triệu đồng so với thu nhập 10 triệu đồng/tháng, có chồng là lao động tự do phụ thêm vào, chị Giang tính toán, sau 10 năm có thể trả hết tiền nợ mua nhà. Đến lúc đó cũng vừa đủ 25 năm liên tục đóng bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện xin về hưu. Phân xưởng chị Giang làm việc có tới tám người mua được nhà ở xã hội tại dự án Kim Chung, tất cả đều coi đó là ràng buộc tích cực để thêm gắn bó khăng khít với doanh nghiệp của mình.

Thoát khỏi 13 năm sống tạm bợ tại các dãy nhà trọ, chị Võ Thị Thanh An, công nhân Công ty TNHH Hung Way (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đã bớt được một gánh nặng. Tranh thủ nấu bữa trưa trong căn phòng 25m2 khép kín lúc con nhỏ 5 tháng tuổi đang say giấc, chị An tỏ vẻ mãn nguyện: “Như vầy là đủ cho cả nhà bốn người sinh hoạt rồi”. Cách nay bốn năm, có đồng nghiệp trả lại căn hộ ở khu lưu trú, An làm đơn đề nghị và được lãnh đạo Công ty Hung Way xét duyệt, cho thuê: “Công ty hỗ trợ 300 nghìn một tháng nên thực tế gia đình tôi chỉ phải trả 1,4 triệu đồng. Khu lưu trú gần công ty, mọi điều kiện đều hơn hẳn nhà trọ ở ngoài, cuộc sống đã tạm qua giai đoạn cơ cực”, chị An xúc động.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, khu lưu trú công nhân thuộc Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) được đưa vào hoạt động sớm nhất. Với quy mô 1,48ha bao gồm 6 đơn nguyên cùng lúc tiếp nhận hơn năm nghìn người, khu lưu trú có các tiện ích cơ bản, hợp lý. Công ty Hung Way đã đầu tư hai triệu USD xây dựng 2 trong 6 đơn nguyên, đủ khả năng đáp ứng được 1.000 chỗ ở cho công nhân. Cùng với Hung Way, nhiều công ty cũng tự đầu tư xây dựng các đơn nguyên để đáp ứng chỗ ở cho người lao động của mình như Đức Bổn, Palace...

NHỮNG CĂN NHÀ THIẾT CHẾ CÔNG ĐOÀN

70 căn hộ tại Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam (Khu công nghiệp Đồng Văn 2, Duy Tiên, Hà Nam) đã được đưa vào sử dụng dịp Tết dương lịch 2022 là dự án đầu tiên của Đề án: “Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/5/2017. Chuyển từ các xóm trọ vất vưởng với khu công trình phụ chung lên nhà tầng, giá thuê được ưu đãi chỉ bằng hơn nửa chi phí cũ là một phần trong ước mơ đã thành sự thật của gia đình công nhân Công ty Honda Việt Nam Bùi Viết Ca và Trịnh Thị Ngọc Anh. “Ước mơ của vợ chồng tôi sẽ trọn vẹn hơn nếu được mua lại căn hộ thuê”, anh Ca bày tỏ hy vọng.

“Điều kiện xét thuê nhà đều rõ ràng, minh bạch”, theo lời Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Hà Nam Vũ Thị Minh Phượng: công nhân, lao động là người tỉnh ngoài, làm việc tại Hà Nam hơn ba năm, có nhu cầu lập nghiệp tại địa phương, không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân đều được thuê nhà tại đây. Sau khi năm khu nhà với 244 căn hộ của giai đoạn 1 đi vào sử dụng, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục với năm tòa nữa, mỗi tòa 15-18 tầng. Sau khi hoàn thành các khu nhà, trường mầm non trông giữ con em người lao động trong khu công nghiệp sẽ là ưu tiên tiếp theo được tỉnh Hà Nam đầu tư xây dựng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trịnh Văn Bừng chia sẻ.

“Giai đoạn 2021-2025 phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất cả nước đều có thiết chế công đoàn” (trích Đề án: “Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”).

Tập hợp kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tại buổi đối thoại của Thủ tướng với công nhân lao động cả nước ngày 13/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi rõ: Để triển khai có hiệu quả Nghị định 105/2020/ NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, đề nghị Chính phủ quan tâm quỹ đất xây trường học cho con em công nhân làm việc tại khu công nghiệp.

 ?? ?? Một công nhân đang nghỉ thai sản có chỗ ở ổn định, giá thuê phòng hợp lý trong Khu lưu trú Công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Một công nhân đang nghỉ thai sản có chỗ ở ổn định, giá thuê phòng hợp lý trong Khu lưu trú Công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh.
 ?? ?? Công nhân Công ty TNHH Hung Way có gia đình được Công ty bố trí chỗ ở tiện nghi, ổn định trong Khu lưu trú Công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Công nhân Công ty TNHH Hung Way có gia đình được Công ty bố trí chỗ ở tiện nghi, ổn định trong Khu lưu trú Công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam