Nhan Dan hang thang

GỠ DẦN NHỮNG VƯỚNG MẮC

- KHÁNH LAM - THÁI SƠN

Có nhiều luật nhưng chồng chéo, đôi khi vướng nhau trên thực tế áp dụng các điều khoản của từng luật; quỹ đất tại các đô thị lớn đang cạn dần; chính sách dù ưu đãi nhưng chưa hấp dẫn, chưa có ý nghĩa thực tế... là những nguyên nhân dễ nhận diện lý giải vì sao nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất chưa trở thành mối quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư...

DOANH NGHIỆP CHƯA MẶN MÀ

Dù là điểm đến đầu tư an toàn, thân thiện của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng các khu công nghiệp Việt Nam hiện mới thiên về tạo ra quỹ đất để hấp dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chứ chưa mặn mà tạo dựng hạ tầng dân sinh cho người lao động. Đưa ra các giải pháp thực tiễn giành sự quan tâm hơn nữa của nhà đầu tư, tại Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex Bình Dương đề xuất: “Nhà nước hiện đã có chính sách miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp nhưng thời gian và thủ tục liên quan để có đất xây dựng nhà ở công nhân (bao gồm cả xây dựng hệ thống hạ tầng) còn dài và nhiều, dẫn đến phát sinh các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp”. Từ kinh nghiệm đúc kết của một người lăn lộn với thị trường, ông Nguyễn Văn Thanh Huy cho rằng: “Tại một số quốc gia như Ấn Độ, Philippin, Hàn Quốc, Mỹ..., bên cạnh việc cho vay lãi suất ưu đãi, họ có chính sách khuyến khích hình thành, phát triển nhiều tổ chức cho vay để phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp như: Tổng công ty Tài chính phát triển nhà, Quỹ phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, Công ty đầu tư, hợp tác xã tín dụng, quỹ tiết kiệm địa phương... Đặc biệt các quỹ này được tạo bởi nhiều nguồn: tiền tiết kiệm của công nhân, hỗ trợ của chính phủ và đóng góp của các nhà tài trợ. Hình thức cho vay linh hoạt (vay không thế chấp, thế chấp; thế chấp lãi suất cố định, hoặc điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát...) kèm theo phương án trả nợ hợp lý nhất”.

Là doanh nghiệp luôn chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nên trong những làn sóng dịch Covid-19 vừa qua, chính các khu nhà lưu trú cho công nhân đã khiến hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, không gây ảnh hưởng tiêu cực - ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera chia sẻ. Tuy nhiên, vẫn còn những chính sách khi áp dụng trong thực tế gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động khi muốn tiếp cận với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong đó có nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đang chịu chế tài của nhiều luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... mà nhiều điều khoản đang vướng lẫn nhau nên trong thực tế lại “trói chân, trói tay” người thực hiện. Bởi vậy, ban hành khung pháp lý và cơ chế khuyến khích hình thành nuôi dưỡng các quỹ cho phát triển, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tích cực vào phân khúc vốn được coi lợi nhuận thấp giúp người lao động có thể mua hoặc thuê nhà với giá rẻ... là các giải pháp căn cơ, hiệu quả hàng đầu.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp”. Đề án cũng thí điểm thành công tại tỉnh Hà Nam, tuy nhiên trong quy định của Luật Nhà ở chưa thể hiện. Do vậy nhằm mở rộng đối tượng tham gia xây dựng nhà ở công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị, thiết chế cần được luật hóa các điều khoản để đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thuê từ các nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp, vốn tài chính công đoàn và cả nguồn huy động, qua đó tăng thêm chủ thể tham gia “sân chơi” vốn đang có ít người. UBND các tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khi thu xếp ổn thỏa nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác cũng như nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng Liên đoàn hoặc ngân sách Nhà nước cấp cho Tổng Liên đoàn, thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được chủ động quyết định và chịu trách nhiệm chủ đầu tư dự án cũng là các giải pháp đang được kêu gọi để hy vọng sớm ban hành đi vào cuộc sống.

NHỮNG TÍN HIỆU LẠC QUAN

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mức thu nhập bình quân người lao động tại các khu công nghiệp bình quân khoảng 8 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí ăn ở và lo cho gia đình riêng, mỗi năm hộ gia đình nhỏ có thể tiết kiệm được 50 triệu đồng. Giá một căn hộ chung cư thấp nhất khoảng 800 triệu

đồng. Như vậy theo tính toán lạc quan, cần 16 năm (chưa tính trượt giá) một gia đình công nhân lao động mới có khả năng mua nhà. Giá nhà ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao so với mặt bằng chung của Đông Nam Á. Giá cao có thể do định giá bất động sản cao, do vật liệu xây dựng giá rẻ chưa được đầu tư phát triển... nên tìm thêm những giải pháp để giảm giá thành cũng là ưu đãi giúp người thu nhập thấp sớm tiếp cận các ngôi nhà giá rẻ của riêng mình. Tín hiệu lạc quan là Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội xác định rõ hai nhóm chính sách được hỗ trợ gồm: nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được vay vốn và được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng. Người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp cũng được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ đồng, trong thời hạn 25 năm, lãi suất 4,8%/năm. Từ thực tế ở nhiều địa phương và doanh nghiệp, giấc mơ sở hữu một căn nhà riêng của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất không phải quá xa vời nếu có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành, các doanh nghiệp, của toàn xã hội và sự nỗ lực chủ động của chính người lao động trong hành trình an cư lạc nghiệp...

Chính sách đã có nhưng để nguồn vốn hữu ích này đến được với doanh nghiệp và người lao động lại không đơn giản nếu các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp và chính người lao động không tạm gác sang bên các lợi ích ngắn hạn. Báo cáo từ các bộ, ngành luôn khẳng định: công nhân lao động dù chỉ chiếm 15% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Dù thuộc thành phần quan trọng như vậy nhưng thực tế buồn là họ luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. “Cảm ơn người lao động” vì những đóng góp cho doanh nghiệp, địa phương và nền kinh tế cần được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể, chứ không chỉ là khẩu hiệu vang lên mỗi dịp Tháng Công nhân - tháng 5 về.

 ?? ?? Dự án nhà ở xã hội CT3, CT4 khu đô thị mới Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Ảnh | HS
Dự án nhà ở xã hội CT3, CT4 khu đô thị mới Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh | HS

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam