Nhan Dan hang thang

Đợi chờ hoàn thiện khung pháp lý

Với vai trò là đơn vị chủ quản phụ trách lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh (ĐTTM).

- TÂM VŨ

CÁC ĐỊA PHƯƠNG HÀO HỨNG

Năm 2022, Bình Dương được vinh danh Top 7 Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) và là năm thứ tư tỉnh này lọt Top 21 (Smart 21) của ICF - là một tổ chức uy tín quốc tế, có hơn 180 thành viên là các ĐTTM thịnh vượng khắp thế giới. Hằng năm, ICF tổ chức vinh danh các cộng đồng có những chiến lược tiêu biểu, được cụ thể hóa bằng các đề án, dự án. ICF đánh giá cao sự cân bằng và bình đẳng trong phát triển của Bình Dương. Theo đó, trên chặng đường triển khai Đề án xây dựng Thành phố thông minh (từ năm 2016 đến nay), Bình Dương đã và đang trở thành địa phương có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, gắn với xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương. Đặc biệt, tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhận định: Trung tâm IOC sẽ phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi hoạt động kinh tế-xã hội theo thời gian thực, từ đó

đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm thời gian, công sức trong giám sát, điều hành công việc...

Cùng với Bình Dương, một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Ninh... cũng đã chủ động ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển ĐTTM nhằm nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, chất lượng cuộc sống, tiện ích đô thị. Đơn cử, tỉnh Bình Phước đang phát triển hệ thống chiếu sáng, cấp nước thông minh ứng dụng GIS để quản lý mạng lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng app Hue-S trên thiết bị di động thông minh có khả năng tích hợp các thông tin, dịch vụ, tiện ích nhằm đáp ứng các nhu cầu của người dân, xã hội...

Nhiều khu đô thị trong các nước cũng đang chủ động phát triển ĐTTM theo cách riêng, như khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) phát triển ĐTTM với triết lý 5 E (Eco - sinh thái; Emotioncảm xúc; Edu - giáo dục; Entertainm­ent - giải trí; Economicki­nh tế; Elite - tinh hoa, đẳng cấp). Khu đô thị Smart city Tây Mỗ - Đại Mỗ (Hà Nội) phát triển hệ sinh thái thông minh với bốn trục cốt lõi: vận hành thông minh, an ninh thông minh, cộng đồng thông minh, căn hộ thông minh.

VẪN CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhận định: xây dựng và phát triển ĐTTM là một xu hướng mới trên thế giới, đang được nhiều quốc gia triển khai thực hiện. Tại Việt Nam, chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển ĐTTM đã được ban hành tại các Nghị quyết của Đảng và Đề án của Chính phủ. Nghị quyết 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị xác định xây dựng ĐTTM là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số). Nghị quyết số 06NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu tổng quát: “Phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới”... Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1/8/2018, phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Triển khai Đề án 950, đến nay cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng Đề án phát triển ĐTTM; khoảng 40 tỉnh triển khai phát triển một số dịch vụ về ĐTTM; 17 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM; 17 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh; hơn 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, giáo dục thông minh, y tế thông minh... Bên cạnh những thành quả đạt được, việc triển khai ĐTTM tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, bất cập như: bước đầu chỉ tập trung nhiều về ứng dụng các dịch vụ ĐTTM, trong khi các nội dung về quy hoạch ĐTTM, quản lý xây dựng ĐTTM chưa thật sự được chú trọng.

Tại nhiều địa phương, việc đặt mục tiêu con người ở vị trí trung tâm dường như còn mang tính khẩu hiệu. Vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các ĐTTM còn hạn chế. Tính kết nối, chia sẻ giữa các đô thị chưa cao, mức độ hội nhập quốc tế còn yếu. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến ĐTTM còn chưa đồng bộ và thiếu tính liên ngành. Quy chế thí điểm quản lý đầu tư phát triển ĐTTM, tiêu chí đánh giá khu đô thị mới thông minh chưa được thống nhất ban hành. Tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Nguồn lực cho phát triển ĐTTM còn nhiều hạn chế.

CẦN SỚM HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ

Để phát triển ĐTTM đồng bộ với các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và từng địa phương, các chuyên gia cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý. Việc hoàn thiện khung pháp lý, thể chế phát triển ĐTTM sẽ giúp các đô thị tại Việt Nam nhận định được trọng tâm cần ưu tiên, từ đó giải quyết hiệu quả các vấn đề về phát triển đô thị hiện hữu như tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm, suy thoái môi trường, ùn tắc giao thông, hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế...

Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: Bộ đang nghiên cứu và đưa ra các tiêu chí về ĐTTM ở các lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng đô thị, kiến trúc đô thị, vận hành đô thị (gồm cấp nước, xử lý rác thải, giao thông, thông tin liên lạc, nhà ở, y tế, giáo dục...), tiện ích cho người dân, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững... Cụ thể, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Luật Xây dựng 2014, trong đó có bổ sung quy định về việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, ĐTTM; quy định về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng ĐTTM. Bộ đang khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông (số hóa) về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác; xây dựng quy hoạch ĐTTM; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ĐTTM; quản lý, vận hành ĐTTM.

Gần đây nhất, tháng 4 năm 2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển ĐTTM. Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh: quy hoạch và quản lý thông minh là nền tảng của phát triển ĐTTM. Trước mắt, việc áp dụng ĐTTM cần được trở thành ưu tiên trong phát triển các khu đô thị mới và các công trình xây dựng mới. Đối với khu vực đô thị hiện hữu, từng bước giải quyết thông minh từng phần, bảo đảm phù hợp về nguồn lực, năng lực và bối cảnh kinh tế-xã hội địa phương. Việc phát triển ĐTTM không chỉ là trách nhiệm của cơ quan Trung ương mà còn cần sự hợp tác, chủ động của các chính quyền đô thị, đối tác và phải được cụ thể hóa trên cơ sở các kế hoạch thực hiện, hợp tác cùng thúc đẩy.

 ?? ?? Nhiều địa phương trong cả nước đã thành lập, đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Trong ảnh là Trung tâm IOC Bình Dương.
Nhiều địa phương trong cả nước đã thành lập, đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Trong ảnh là Trung tâm IOC Bình Dương.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam