Nhan Dan hang thang

Nguy cơ dịch chồng dịch và cái giá của sự chủ quan

- TS,BS VŨ QUỐC ĐẠT

Tính đến đầu tháng 8 năm 2022, trên thế giới có trên 25 nghìn ca mắc đậu mùa khỉ, với 99% số trường hợp xảy ra ở các quốc gia chưa từng ghi nhận bệnh này trong lịch sử của họ. Do đó, nếu bệnh đầu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam, khả năng bùng phát dịch là không thể tránh khỏi.

NGUY CƠ DỊCH CHỒNG HAI DỊCH?

Mặc dù so với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đã và đang gây đại dịch như cúm đại dịch H1N1, bệnh Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ cũng do virus gây ra nhưng khả năng lây nhiễm thấp hơn do chủ yếu lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc da, niêm mạc với người mắc bệnh, bao gồm cả khả năng lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên khả năng một bệnh có tính chất lây truyền qua đường tiếp xúc gây đại dịch thì thế giới cũng đã từng trải qua, như với bệnh Ebola. Việt Nam là một nước nhiệt đới nên hàng năm đều phải đối mặt với các dịch bệnh lưu hành địa phương, như sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng và rất nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác. Khi thế giới xuất hiện một bệnh dịch mới thì nguy cơ dịch chồng dịch trong nước là rất cao, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ không phải chỉ là dịch chồng dịch mà thậm chí là dịch chồng hai dịch. Như thời gian này, tại Hà Nội đang cùng lúc đối phó với dịch Covid-19, dịch cúm A/-H1N1, sốt xuất huyết và có nơi đã xuất hiện rải rác bệnh tay chân miệng. Điều khó khăn nhất với công tác chống dịch là khi dịch chồng lên dịch, không một biện pháp đơn lẻ nào đủ hiệu quả mà đòi hỏi sự triển khai đồng bộ nhiều chiến lược khác nhau. Các bệnh dịch truyền nhiễm có cách lây nhiễm khác nhau và đôi khi quá tập trung vào một cách phòng, chống lây truyền nào đó thì dẫn đến vô tình chủ quan, mất

cảnh giác đối với những bệnh còn lại. Thí dụ, sốt xuất huyết là bệnh lây truyền do muỗi, trong khi cúm A/-H1N1 và Covid-19 lây truyền qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn và bệnh tay chân miệng lại là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nếu bùng phát thêm dịch đậu mùa khỉ (là một bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc) thì dịch vụ y tế hiện đại đến đâu chăng nữa cũng không thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc y tế của số lượng ca bệnh truyền nhiễm tăng đột biến theo cấp số nhân. Thực trạng đó sẽ đẩy hệ thống y tế vào nguy cơ quá tải thiếu giường bệnh, thuốc men và vật tư trang thiết bị...

Dù Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có quy định Bệnh viện đa khoa quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên phải thành lập khoa truyền nhiễm nhưng thực tế mạng lưới các bác sĩ truyền nhiễm tương đối mỏng Do vậy việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm cần sự chung tay của cả cộng đồng. Thay đổi một chút thói quen sinh hoạt, là mỗi người dân đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cơ bản đối với các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, đường tiếp xúc. Tuy nhiên, dù các biện pháp cơ bản nhất và cũng hữu hiệu nhất nhưng đa phần người dân chưa áp dụng thường xuyên, chưa hình thành ý thức tuân thủ các biện pháp phòng bệnh như một một phản xạ có điều kiện. Thí dụ, nếu chúng ta ho, hắt hơi ở những nơi công cộng, tất cả mọi người đều nên sử dụng khăn giấy dùng một lần để che mũi miệng, sau đó bỏ giấy vào thùng rác có nắp đậy và rửa tay. Đó là quy trình chuẩn để phòng lây nhiễm cho người chung quanh nhưng dường như rất nhiều cá nhân chưa thực hiện cũng như chưa hướng dẫn và giáo dục trẻ em thực hành những hành vi vệ sinh đường hô hấp như vậy.

Hầu hết các bệnh truyền nhiễm khi mới xuất hiện luôn bị mọi người kỳ thị và những người mắc bệnh có thể còn bị phân biệt đối xử dẫn tới bệnh dịch sẽ lây truyền một cách âm thầm trong cộng đồng. Mặc dù ban đầu người dân nhìn các bệnh truyền nhiễm với ánh mắt e ngại và sợ sệt nhưng ngay khi các thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine được sử dụng thì rất nhanh chóng thái độ đó chuyển sang trạng thái chủ quan và coi thường dịch. Một thí dụ gần đây nhất mà chúng ta chứng kiến, trong giai đoạn đầu dịch Covid-19, tất cả người dân có ý thức rất cao trong việc tiêm phòng bệnh, thậm chí chủ động tiếp cận với các dịch vụ y tế để có thể được tiêm vắc xin phòng bệnh sớm nhất. Tuy nhiên khi đã đạt được bao phủ vaccine Covid-19 mũi 2 - mũi 3 trên 90% thì bắt đầu xuất hiện tình trạng chủ quan, từ chối tiêm các mũi tăng cường và nhắc lại. Điều này dẫn đến những nỗ lực xây dựng trạng thái miễn dịch cộng đồng không được duy trì và Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại.

CHUẨN BỊ NGUỒN LỰC DỰ TRỮ ĐỂ ỨNG PHÓ NHANH

Trong 10 năm qua, Tổ chức Y tế thế giới nhiều lần tuyên bố về các tình trạng khẩn cấp Y tế công cộng quốc tế, bao gồm dịch cúm H1N1, dịch Ebola, dịch do virus Zika, bệnh Covid-19 và gần đây nhất là dịch đậu mùa khỉ. Mỗi lần tình trạng được công bố, chúng ta gồng sức lên để ứng phó dịch nhưng lại cũng rất dễ dàng lãng quên dịch bệnh theo thời gian. Trong tương lai, chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối diện với sự xuất hiện của các dịch bệnh khác, bao gồm những bệnh dịch lần đầu tiên xuất hiện ở người hoặc dịch bệnh gia tăng đột biến so với trước đây (bệnh mới nổi) cũng như sự trỗi dậy của các dịch bệnh trong quá khứ mà chúng ta đã từng dập tắt nay xuất hiện trở lại (bệnh tái nổi).

Để ứng phó được hiệu quả, bắt buộc phải kiện toàn lại hệ thống chuyên ngành truyền nhiễm để bảo đảm tất cả các bệnh viện đều có những bác sĩ truyền nhiễm như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định nhằm bảo đảm tất cả người dân đều có thể tiếp cận với các bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết. Cùng với đó, việc đưa các nội dung điều trị bệnh nhiễm trùng vào chương trình đào tạo y khoa bắt buộc cho tất cả các nhân viên y tế và đầu tư cho các trường đại học xây dựng các trung tâm ứng phó lâm sàng bệnh truyền nhiễm nhằm chuẩn bị những nguồn lực dự trữ để có thể đáp ứng nhanh với nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh trong thời gian tới. Nhưng quan trọng nhất, là nâng cao trách nhiệm xã hội của từng người dân thông qua việc xây dựng các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, hình thành những hành vi, thói quen tốt. Đã đến lúc cần thay đổi hành vi, thói quen, như hạn chế thăm người ốm trong bệnh viện, tự cách ly bản thân và đeo khẩu trang khi có dấu hiệu nhiễm trùng hô hấp, thực hành ho, khạc đúng cách hay giữ thói quen vệ sinh bàn tay bằng xà-phòng, nước sạch hoặc các dung dịch vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với những nguồn lây... Thêm nữa, cần xây dựng một ý thức bảo tồn các vũ khí chống lại dịch bệnh như không tự ý sử dụng kháng sinh, thuốc kháng virus để tránh tình trạng kháng thuốc. Khi tình trạng kháng thuốc xảy ra, chính con cháu chúng ta sẽ chịu thiệt thòi vì không còn thuốc có tác dụng để chữa các chủng vi sinh vật kháng thuốc.

 ?? ?? Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ảnh trong bài | trang tin Bộ Y tế
Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh trong bài | trang tin Bộ Y tế
 ?? ?? Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam