Nhan Dan hang thang

NHỮNG NÚT THẮT CẦN THÁO GỠ

- HOÀNG DUNG

Sau thời gian “ngủ đông” kéo dài gần hai năm, ngành hành không đang tìm cách “tăng tốc” để cất cánh trở lại nhưng đây thật sự là một quá trình gian nan bởi những khó khăn, trở ngại còn trói chặt trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Vậy, cơ quan quản lý cũng như tự thân các đơn vị trong ngành cần có giải pháp gì để phục hồi và phát triển bền vững?

“HÀ HƠI, TIẾP SỨC” BẰNG NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH

Đối với ngành hàng không, “cú sốc” Covid-19 đã hút cạn nguồn lực tài chính, nên để hồi phục thì vấn đề đầu tiên là “tiền đâu?”. GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp trên quan điểm công bằng và hiệu quả, trong đó cần ưu tiên cho các hãng bay vay trung hoặc dài hạn với lãi suất ưu đãi để vực dậy ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Đồng thời, cân nhắc việc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế phần nào tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy bay; cho phép hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không,...

Trong khi đó, trên thế giới, Chính phủ các nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ hàng không. Thống kê sơ bộ, gần 70 nước đã ban hành gói hỗ trợ hàng không, tổng mức hỗ trợ và cam kết hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2021 hơn 285 tỷ USD. Theo tính toán của The Economist, đến tháng 3/2021, tổng giá trị các gói hỗ trợ trên toàn thế giới vào khoảng 225 tỷ USD, tương đương 0,25% GDP toàn cầu. Trong đó, các hình thức hỗ trợ được ưu tiên nhất bao gồm: 65% là trợ cấp, cho vay ưu đãi, góp vốn cổ phần, hoặc bơm tiền mặt; 25% trợ cấp tiền lương và trợ cấp các chuyến bay; 10% là giảm thuế phí, khoản phạt trả chậm. Sự vào cuộc mạnh mẽ và kịp thời kể trên đã đánh giá kịp thời và mang lại hiểu quả “hà hơi, tiếp sức” đặt trong bối cảnh hàng không được coi như “mạch máu” của nền kinh tế, lĩnh vực tiên phong đi tắt đón đầu, kéo theo sự phục hồi và phát triển của nhiều lĩnh vực bổ trợ quan trọng như du lịch, lữ hành, giao thương, đầu tư.

Sau những thiệt hại nặng nề do Covid-19 gây nên, Hãng hàng không Bamboo Airways tiếp tục bị “cú đánh bồi” từ việc giá nhiên liệu tăng mạnh thời gian qua. Nếu không có sự hỗ trợ về tín dụng kịp thời, khi dòng tiền cạn kiệt, hãng sẽ phải gánh chịu sức ép nặng nề, tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ nhà cung cấp, trả lương cho người lao động... Hãng mong muốn được Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi theo quyết định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho Hãng được tiếp cận các khoản vay ngắn hạn theo hình thức tái cấp vốn; đồng thời, xem xét ban hành bổ sung các chính sách, miễn, giảm thêm các loại thuế, phí (thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giá dịch vụ cất, hạ cánh, lãi phạt chậm nộp các khoản thuế phí,...), góp phần kích cầu thị trường. Đối với hãng Vietnam Airlines, do lỗ liên tiếp 3 năm và “âm” vốn chủ sở hữu, đã được tái cấp vốn khoảng vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, nằm trong gói 12 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội đã thông qua. Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đánh giá: “Đây là gói hỗ trợ rất kịp thời, để Vietnam Airlines có dòng tiền hoạt động, có khả năng thanh toán trong giai đoạn hết sức khó khăn này”.

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho hãng

hàng không tư nhân vay 4.000-6.000 tỷ, lãi suất 0% tương tự Vietnam Airlines. Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn 2020-2021, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không như giảm phí, lệ phí giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay... Mặc dù vậy, để các hãng hàng không sớm phục hồi và phát triển, cơ quan quản lý cần ban hành cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không tiếp cận được với các định chế tài chính, ngân hàng, từ đó có thể giải quyết các vấn đề tín dụng phù hợp, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, kể cả các hãng hàng không tư nhân.

KHƠI THÔNG “ĐIỂM NGHẼN” HẠ TẦNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ

Thời gian qua, tình trạng hạ tầng quá tải, thủ tục chưa nhanh gọn, lãng phí thời gian vật chất của khách hàng đã trở thành “nút thắt, điểm nghẽn” của ngành hàng không, về lâu dài sẽ tác động mạnh mẽ tới sự hồi phục cũng như tăng trưởng, sức cạnh tranh trong bối cảnh hệ thống đường bộ cao tốc đang phát triển và tốc độ đường sắt được cải thiện. Để khắc phục tình trạng này, TS Phạm Anh (Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng làm thủ tục nhập cảnh và thủ tục hải quan, cho máy bay cất hạ cánh, lộ trình lăn từ đường băng vào bãi đỗ nhanh hơn...

Bên cạnh đó, hạ tầng không theo kịp tốc độ khai thác làm đội chi phí và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ. Việt Nam chưa có sân bay chuyên dụng như sân bay hàng hóa, bãi đỗ dành cho máy bay của tư nhân,... Điều đó ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng không khi mà sự kết nối dịch vụ vận chuyển hàng không với vận chuyển mặt đất chưa chặt chẽ. Vai trò, chức năng, quy mô của một số cảng hàng không chưa thật sự phù hợp nhu cầu phát triển, hệ thống trung tâm Logistics chuyên dụng hàng không chưa phát triển, kể cả tại các cảng hàng không quốc tế lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất,... Vì thế, các hãng hàng không Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 12% lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không Việt Nam, còn lại do các hãng hàng không nước ngoài đảm nhận. Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà, Viện Kinh tế-Xã hội và Công nghệ cho rằng muốn ngành hàng không phát triển bền vững, phải mở rộng chuỗi cung ứng, không để thị trường béo bở này rơi vào tay của các hãng nước ngoài. Trong đó, phải đa dạng hóa các loại sân bay và cảng hàng không, đặc biệt là các sân bay chuyên dụng (sân bay hàng hóa, sân bay và bãi đỗ cho máy bay tư nhân,...). Hướng này khác với “hội chứng” mỗi tỉnh đều muốn có một sân bay mà hiện nhiều địa phương đang đề xuất.

GS Trần Thọ Đạt nhận định, để ngành hàng không phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn hậu Covid-19 cần có giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng. Thực tế cho thấy dù sự phục hồi của ngành hàng không mới ở “khúc dạo đầu” nhưng hiện tượng quá tải hạ tầng sân bay đã diễn ra. Những đường bay chật chội, những sân bay chật chội đã cản trở đà “cất cánh” của ngành hàng không. Theo Bộ Giao thông vận tải, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần tổng vốn đầu tư 10 năm qua. Với số vốn khổng lồ như vậy, cần phải huy động nguồn lực xã hội hóa nhưng khung pháp lý hiện còn nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp khó tham gia sâu vào việc phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không.

Đại dịch Covid-19 cũng hình thành một cuộc ganh đua giảm giá vé máy bay nội địa vô tội vạ vì các hãng hàng không bị hạn chế bay quốc tế, dư thừa năng lực vận chuyển nên tập trung dồn cho nội địa. Hiện tượng cạnh tranh giảm giá vé gây sụt giảm doanh thu cho các hãng, làm méo mó thị trường, nếu kéo dài sẽ khiến tất cả đều rơi vào thua lỗ trầm trọng, suy giảm “sức khỏe” tài chính. Các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị Nhà nước có biện pháp quản lý, áp giá sàn trong hàng không nhằm hạn chế cạnh tranh đối đầu, phá giá giữa các hãng, tự làm yếu mình, ảnh hưởng nguồn lực chung. Chính phủ nên rà soát lại toàn bộ các quy định trong quản lý ngành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hãng, khuyến khích và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ, sản phẩm ưu việt, mang đến cho khách hàng sản phẩm dịch vụ tốt nhất.

Tác động của đại dịch Covid-19 làm cho chuỗi giá trị ngành hàng không đang có những biến động sâu sắc, cấu trúc nhân lực và thậm chí là quy mô nhân lực đang thay đổi nhanh. Nhân lực ngành hàng không, nhất là nhân lực chất lượng cao còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc sử dụng nhân lực nước ngoài bị động, khó kiểm soát, trước đây diễn ra tình trạng sa thải hàng loạt nay lại đôn đáo tìm người nhưng chưa thể bù đắp ngay. PGS,TS Ngô Tuấn Nghĩa (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn hồi phục và phát triển bền vững, ngành hàng không phải củng cố đội ngũ nhân lực chất lượng cao, khả năng nắm bắt công nghệ để nâng cao năng suất lao động, hướng tới sự văn minh, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước có chủ trương nhất quán và thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư hình thành, nâng cao năng lực đào tạo nhân lực hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế. Các cơ sở đào tạo nhân lực hàng không trong nước cần liên kết, mở rộng quy mô và nâng tầm chất lượng dịch vụ, định vị thương hiệu của mình trong hệ thống đào tạo nhân lực hàng không thế giới.

 ?? ??
 ?? ??
 ?? ?? Ảnh | BAMBOO AIRWAYS
Ảnh | BAMBOO AIRWAYS

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam