Nhan Dan hang thang

“Cho tôi ngồi thanh lọc lại đời thơ…”

- BÌNH NGUYÊN TRANG

Không phải người làm thơ nào cũng có thể mang thơ mình lên sân khấu lớn, chủ động đi gặp độc giả của mình. Hồng Thanh Quang làm được. Anh mang thơ mình lên sân khấu sang trọng nhất Hà Nội, trong nhiều đêm thơ nhạc và mới nhất là chương trình Vẫn nguyên là nỗi khát những ngày đầu thu tháng Chín. Với tác giả thơ Khúc mùa thu, việc mang thơ lên sân khấu không phải chỉ là để tôn vinh thơ mình, mà tôn vinh thi ca nói chung. Và cao hơn cả thi ca, là mong muốn mọi người đến với thơ để khi ra về “sẽ biết yêu thương, quý mến, xót xa nhau hơn”.

“ĐÓI yêu thương” là căn bệnh khiến chúng ta trở nên cằn cỗi, khó khăn với nhau trong cuộc đời. “Đói yêu thương” cũng có thể trở thành mầm mống của cái xấu, cái bất thiện. Nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng chưa khi nào xa rời sứ mệnh gieo yêu thương, làm cho cuộc đời trở nên ấm áp hơn. Ở tuổi 60, Hồng Thanh Quang cho dù trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng đầu tiên và sau cuối vẫn là một thi sĩ với đúng nghĩa của từ này. “Như cái cây dù ngả nghiêng theo gió táp mưa sa để tồn tại nhưng vẫn không rời chỗ đứng của mình”. Con người có lúc ồn ào, sôi nổi, hiếu thắng trong Hồng Thanh Quang đã đi qua nhiều chặng đường và sau những biến cố, gian nan, đã trở nên trầm tĩnh hơn, nhận ra những con chữ chính là bạn đồng hành chung thủy nhất của mình. Viết mỗi ngày với Hồng Thanh Quang là để giãi bày, để xóa “đói yêu thương”, để gửi gắm niềm tin vào đời sống, để thắp lên những hy vọng cho ai còn đang ngụp lặn, chới với trong khổ nạn, và cũng để hiểu rằng: “Bình tĩnh sống, trái tim dù tan nát/ Vẫn nồng nàn những giọt hồng hoa”.

Hồng Thanh Quang trở thành một người lính từ năm 17 tuổi. Anh theo học ngành kỹ sư vô tuyến điện ở Liên Xô, nhưng rồi anh từ bỏ sự nghiệp của một kỹ sư, để chọn một sự nghiệp khác: làm thi sĩ. Trong buổi đầu dan díu vào thơ ca ấy, có lẽ Hồng Thanh Quang cũng chẳng có ý niệm gì nhiều về cái gọi là sự nghiệp. Anh chỉ có một niềm tin trong sáng, ngây thơ là chạy đuổi theo con tim mình, sống cùng với những rung cảm của nó. Bởi chỉ có một niềm tin trong sáng, ngây thơ, chàng trai phố cổ Hàng Đào mới “cả gan” bỏ lại những thứ đã hình hài trong đời thường để đuổi bắt một thứ vô hình như thi ca, hoàn toàn không biết những con chữ sẽ dẫn mình đến đâu, khổ đau hay hạnh phúc. Thơ của Hồng Thanh Quang, đặc biệt là thơ tình ở giai đoạn đầu khi anh bén duyên với chữ, đã thể hiện một tâm hồn đa cảm, bản năng, tận cùng dâng hiến. Điều này lý giải vì sao thơ anh được giới sinh viên, giới trẻ yêu thích, trong đó có những thi phẩm nổi tiếng đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc như Khúc mùa thu, Romance 4. Tròn một hoa giáp nhìn lại, Hồng Thanh Quang có thể mỉm cười với sự “cả gan” của mình

thời tuổi trẻ. Anh đã chọn thơ, để “yêu như lao xuống dòng nước xoáy/ giữa trời rơi không chịu mở dù”. Tình yêu ấy cho dù có lúc rất nhiều cay đắng, nhưng là điều còn lại để anh có thể vịn vào mà đi qua khó khăn, tai nạn, bất như ý cuộc đời. Trong những thời điểm ngặt nghèo của số phận, khi phải chiến đấu để vượt qua bạo bệnh, thơ ca còn là liều thuốc chữa lành, trở thành một “phương cách sống” - như Hồng Thanh Quang từng chia sẻ.

Hồng Thanh Quang viết nhiều những năm gần đây. Năm ngoái anh ra mắt độc giả bộ sách ba tập Cỏ bạc triền đê với 999 bài thơ và 1.200 trang sách. Đọc thơ anh không khó để nhận ra, việc viết đã trở thành một thái độ sống, một điều tự nhiên nhi nhiên hằng ngày của Hồng Thanh Quang. Mỗi trang viết bộc lộ nhiều suy ngẫm, những điều mà năm tháng đã giúp nhà thơ ngộ ra, nhìn thấy, và khát khao được chia sẻ với tri âm của mình. Với quan niệm thơ viết là để cho mình trước tiên, là thứ hoàn toàn trời cho, không thể kỳ công chế tác, nên Hồng Thanh Quang để ngòi bút của mình tự do trong cảm xúc, trung thành với những cảm xúc chợt đến, không nặng nề nắn sửa về mặt câu chữ, hình thức. Bước vào thơ Hồng Thanh Quang là bước vào khu vườn của rậm rì hoa lá, ở đó anh bày ra thế thái nhân tình và những suy tưởng cá nhân, để mặc những hỗn độn mà không định dụng công sắp xếp. Rất nhiều bài thơ của Hồng Thanh Quang cho tôi cảm giác anh viết như là ghi nhật ký tâm trạng, những gì chợt đến, chợt hiện phải tranh thủ “tốc ký”. Lại cũng có những bài thơ của Hồng Thanh Quang chầm chậm như một dòng nước trôi, chất chứa chiêm nghiệm của người viết, làm nên phù sa đủ ấm áp để sưởi ấm trái tim người đọc. Là những bài thơ viết như một cách hành thiền, như là để sửa mình, là sự quay về với bản thể cội gốc của mình. Những bài thơ được viết trong những thời khắc nhà thơ ngồi soi bóng chính mình, nhận ra sự bé nhỏ của thân phận con người trước sự vô tình, dữ dội, vô thủy vô chung của đời sống ngoài kia. Khi chữ thực sự được chắt ra từ muối mặn của đời người, thơ ca không còn là tiếng nói cá nhân nữa, nó nhanh chóng xâm chiếm trái tim người đọc và có khả năng động viên, an ủi, thấu hiểu rất lớn. “Xót mình hơn tất cả/ Nhưng chớ rẻ rúng người/ Dẫu không cùng số phận/ Nhưng họa phúc chung thời”; “Ai rồi cũng ra đi/ Ra đi là chấm hết/ Danh vọng với quyền uy/ Cũng chìm vào cái chết/ Nhưng mỗi ngày ta sống/ Là mỗi ngày yêu em/ Mỗi ngày ta cố gắng/ Gieo ánh sáng vào đêm”; “Tôi như con sông trôi vào sa mạc/ Chẳng bao giờ về lại được nguồn xưa/ Mỗi phút sống mỗi phút dần biến mất/ Cho mát lòng những hạt cát cằn khô”. Những câu thơ như vậy hoàn toàn giải thích được cho việc Hồng Thanh Quang muốn mang thơ mình tới mọi người trong những đêm thơ nhạc mà anh rất công phu đầu tư, với ước mong qua nghệ thuật, mọi người sẽ trở nên thương yêu nhau hơn, thấu hiểu và xót xa nhau hơn. Hồng Thanh Quang cũng không ngại thừa nhận thơ mình “chẳng phải là xuất sắc nhất” trong phần trò chuyện với khán giả đêm thơ nhạc Vẫn nguyên là nỗi khát vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nhưng thiết nghĩ, trong nghệ thuật, làm gì có thước đo nào cho sự “xuất sắc nhất”. Thi ca là tiếng lòng của người cầm bút, giãi bày một thế giới cá nhân, và từ đó tìm tri âm trong cuộc đời. Hồng Thanh Quang là một gương mặt thơ với những dấu ấn không thể trộn lẫn. Chỉ riêng những đêm thơ nhạc anh mang đến cho công chúng cũng đủ để nói lên điều này. Trước Vẫn nguyên là nỗi khát là các chương trình: Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em (2013), Anh không muốn lạc em thêm lần nữa (2015) Trở về thương lấy tôi thôi (2015, tại Quảng Bình), Còn điều chi em mải miết đi tìm? (2017), Người đàn ông mùa thu (2018)... Thật khó có thi sĩ nào ở Việt Nam có khả năng tự mình mang tác phẩm của mình lên sân khấu trong những chương trình có quy mô như vậy. Hồng Thanh Quang có sự quảng giao, có điều kiện, thơ anh lại có duyên với âm nhạc nên được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc là một lợi thế, nhưng trên hết chính là một niềm đam mê đủ lớn, một tình yêu trong sáng thuần khiết nguyên vẹn như buổi đầu với thi ca. Các chương trình của anh đều không bán vé dù được đầu tư rất tốn kém, sang trọng. Là một người hiểu tường tận đời sống nghệ thuật trong nước, Hồng Thanh Quang ngậm ngùi chia sẻ: “Người ta bỏ vài triệu đồng ra mua vé một ngôi sao ca nhạc, chứ chẳng ai bỏ số tiền đó nghe đọc thơ. Những người yêu thơ, muốn nghe đọc thơ lại thường chẳng có tiền”. Sẵn sàng hy sinh nhiều thứ để mang thơ đến với công chúng, Hồng Thanh Quang gửi gắm một thông điệp, rằng dù cho đời sống có xảy ra điều gì đi nữa, trái tim thi sĩ vẫn một niềm khát khao cái đẹp, khát khao tình yêu và sự tử tế. Nhà thơ nhiều lần nhắc về sự tử tế, như một giá trị anh luôn tìm kiếm. Càng đi qua khó khăn hoạn nạn con người càng nhận ra rằng, tử tế chính là sự neo đậu cần thiết nhất. Tử tế cũng là cội nguồn của yêu thương và thấu hiểu. Khi chúng ta tử tế với nhau, chúng ta sẽ gần nhau hơn và thế gian sẽ trở nên đẹp hơn.

Hồng Thanh Quang của những năm tháng này sống với lòng biết ơn, trắc ẩn. Những sôi nổi một thời dọc ngang làm báo thay bằng sự từ tốn, điềm đạm. Trên trang cá nhân anh thường xuyên cập nhật những khoảnh khắc bình yên trong ngôi nhà đẹp, ngập tràn không gian của thi ca, nghệ thuật. Anh dành thời gian cho những người bạn tri kỷ, và cho thơ. Thật ngạc nhiên trong chương trình đêm thơ nhạc mới đây, anh còn giới thiệu đến công chúng những ca khúc anh tự phổ nhạc thơ mình. Nếu trong thơ Hồng Thanh Quang có âm hưởng buồn thì những giai điệu của những ca khúc anh tự phổ nhạc thơ mình lại có giai điệu sôi động, như một chân dung khác trong đời sống tinh thần của anh. Làm thơ, sáng tác nhạc, in sách, làm chương trình, với Hồng Thanh Quang ở thời điểm này có lẽ không phải để chứng tỏ thêm bất cứ một điều gì khác, mà chỉ là cách trò chuyện với chính mình, bớt đi những gì không cần thiết vì ở tuổi của mình, anh hiểu được sự quý giá của thời gian. Tin rằng, một người đã nhận ra thơ ca là điều còn lại cuối cùng như Hồng Thanh Quang chắc chắn sẽ còn tiếp tục mang đến cho bạn đọc của mình nhiều bất ngờ phía trước. Như câu thơ anh viết: “Bởi tôi biết, em luôn là ánh sáng/ Ngay cả khi em ngập dưới tàn tro/ Em đâu ngại cháy tận cùng giông tố/ Cho tôi ngồi thanh lọc lại đời thơ...”.

 ?? ?? Ký họa chân dung nhà thơ Hồng Thanh Quang của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Hồng Thanh Quang của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam