Nhan Dan hang thang

Trách nhiệm từ nhiều phía

- DƯƠNG KHÁNH

Nhiều năm qua, công tác giáo dục văn hóa giao thông đã được cảnh sát giao thông (CSGT) địa phương phối hợp các nhà trường quan tâm, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) và ý thức tham gia giao thông cho mỗi học sinh. Tuy nhiên ý thức chấp hành của một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông ở đối tượng này vẫn phổ biến.

BƯỚC vào năm học mới 2022-2023, các cơ sở giáo dục trên cả nước tiếp tục tổ chức phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh. Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền đã được áp dụng như thi trắc nghiệm, đố vui hỏi đáp kiến thức về ATGT với những phần quà động viên cuốn hút sự tham gia giao lưu của các em học sinh, tạo sự gần gũi, thiết thực và sinh động để chuyển tải kiến thức, giáo dục ý thức khi tham gia giao thông của lứa tuổi học trò.

Nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã lồng ghép nội dung giáo dục ATGT, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, ngoại khóa, tiết giáo dục công dân... Bên cạnh đó, cha mẹ học sinh cũng ký cam kết không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; học sinh cam kết nghiêm túc thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi ngược chiều... khá phổ biến. Nhiều học sinh mới chỉ lớp 7, lớp 8 nhưng phát triển thể chất tốt có chiều cao, cân nặng như người trưởng thành, dẫn đến một bộ phận không nhỏ phụ huynh sẵn sàng giao xe cho con trong khi các em chưa đủ điều kiện về độ tuổi điều khiển phương tiện, ý thức cũng như kỹ năng tham gia giao thông chưa tốt.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian vừa qua, tình trạng học sinh vi phạm các quy định về trật tự ATGT đang có chiều hướng gia tăng. Lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tiến hành tuần tra kiểm soát và phát hiện, xử lý hơn một nghìn trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT. Các lỗi vi phạm luật giao thông thường gặp ở học sinh đó là điều khiển xe gắn máy trên 50cc không có giấy phép lái xe, xe không lắp gương chiếu hậu, điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm...

Theo các nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số trẻ em thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) trong mười năm trở lại đây có dấu hiệu gia tăng, trong đó lứa tuổi 15 - 18 chiếm tỷ lệ tử vong và chấn thương nhiều nhất. Đáng chú ý, trẻ em nam dưới 18 tuổi tử vong vì TNGT chiếm gần 86%. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là việc trang bị các kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên đang thiếu, đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNGT.

Thực trạng vẫn tồn tại, nhưng việc xử lý học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông lại không đơn giản, phần lớn chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, gửi thông báo về trường. Có trường hợp học sinh vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện liền tìm cách quay xe, trốn tránh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho những người cùng tham gia giao thông. Một số học sinh khác khi bị bắt lỗi lại gọi phụ huynh tìm cách can thiệp, gây khó dễ cho lực lượng chức năng, khiến công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông không đạt hiệu quả.

Anh Lương Văn Tùng (Đống Đa, Hà Nội), phụ huynh học sinh Trường THPT Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) lý giải về việc giao mô-tô cho con đến trường: “Từ nhà đến trường gần 5km, con học lớp 12, ngoài học chính còn học thêm nên phải di chuyển nhiều. Tôi thấy một số học sinh cùng trường sử dụng xe máy, nên gia đình vẫn cho con dùng xe dù đã ký cam kết với nhà trường”.

Từ năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ trường học và Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh, theo đó học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông có thể bị xử lý ở mức cao nhất là buộc thôi học có thời hạn, xếp loại hạnh kiểm yếu. Đối với phụ huynh, chủ phương tiện khi giao xe cho học sinh không đủ điều kiện điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy tham gia giao thông, sẽ phải chịu mức phạt từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Rõ ràng, quy định đã có từ lâu, nhưng chưa có đơn vị nào áp dụng triệt để. Tuy nhiên, việc này không chỉ trông chờ vào nhà trường, mà đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía. Để tạo cho học sinh thói quen, ý thức bền vững tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, cả nhà trường, gia đình và xã hội cần chung sức, nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông.

 ?? Ảnh | ĐỨC SƠN ?? Nhiều học sinh điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy có dung tích trên 50cc.
Ảnh | ĐỨC SƠN Nhiều học sinh điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy có dung tích trên 50cc.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam