Nhan Dan hang thang

Thanh xuân cùng Tích tắc Sài Gòn

- NGÔ HƯƠNG SEN

Phạm Luận cao lớn khoan thai, vẫn tóc dài buộc túm ra sau, đứng ở xưởng vẽ có ban công với ra hồ Tây mờ ảo, say sưa chuyện. Chuyện của ông trước sau gì cũng quay về với chủ đề vẽ, với những háo hức thường trực ở một người, chỉ hai năm nữa tròn tuổi 70: Đây là vạt nắng rọi qua khung cửa sổ, nhẩy nhót ở những bậc cầu thang gỗ; đây là thanh âm rộn rã của thành phố dần hồi sinh sau cơn trở mình ốm đau vì dịch bệnh tàn phá...; Phạm Luận chính bản thân mình đang trải qua quá trình lão hóa ngược, trẻ trung, sinh động, tươi mới mỗi ngày trong nghệ thuật...

CHỪNG hai năm trước, khán giả tới thưởng ngoạn Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật, nhiều người ớ ra thú vị khi bắt gặp một Phạm Luận mang tinh thần đương đại. Ông trút bỏ dáng vẻ chỉn chu nghiêm ngắn thường ngày, đằm mình vào đời sống thực. Phản hồi tích cực từ sự chuyển mình (rụt rè) ấy khiến Phạm Luận tự tin, phấn chấn sắp đặt cho những biến đổi trong nghệ thuật, tạm gạt sang bên thành công đã có. Suốt chuỗi ngày tháng đại dịch Covid-19 hoành hành, Phạm Luận ở riết trong xưởng, tuân thủ thời gian biểu kỷ luật như một công chức nền nếp, chăm chú vẽ và vẽ. Những chuyến đi và trải nghiệm được lưu giữ trong bộ nhớ, cục cựa trỗi dậy khi họa sĩ chạm vào sắc mầu. Dịch bệnh dần được đẩy lui, cuộc sống khẽ khàng trở về thường lệ, Phạm Luận vào Thành phố Hồ Chí Minh, khi đô thị sôi động nhất nước vừa dỡ bỏ phong tỏa sau quãng dài thời gian cách ly xã hội nghiêm ngặt. Chiều chiều dạo bộ trên vỉa hè phố xá trung tâm mỗi ngày lại tấp nập hơn, Phạm Luận lắng nghe từng chuỗi thanh âm nối nhau, cảm nhận chuyển động của thành phố trẻ bung tỏa hồi sinh. Vốn đi nhiều, đi khắp thế giới, có biệt tài thu nhận hiện thực chung quanh mình, ký họa những khoảnh khắc vừa đi qua, lưu giữ cảm xúc trong não bộ, khi đằm mình trong không gian quen thuộc, xưởng vẽ đón gió hồ Tây, ông rờ rỡ tái hiện từng khoảng ký ức trên mặt toan vải để làm nên một Phạm Luận đầy hấp dẫn với công chúng hội họa. Bán được tranh từ sớm, ngay lúc các nhà sưu tầm nước ngoài bắt đầu tìm đến Việt Nam không lâu sau khi đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế, vỡ òa trước một nền hội họa mang đậm dấu ấn phương Đông và hừng hực sức sống. Bén duyên với giới sưu tầm quốc tế ngay thuở ban đầu ấy, Phạm Luận lựa chọn náu mình, lặng lẽ làm việc, mở rộng giao tiếp ra ngoài biên giới quốc gia, đưa tên tuổi mình vượt khỏi những khoảng cách ngăn địa lý. Nhiều triển lãm nhóm rồi cá nhân được mở ra, ngay tại các thị trường hội họa sôi động trên thế giới, Phạm Luận được đặc biệt yêu mến, có lẽ bởi ông đậm đặc cái văn minh phương Tây cả ở con người lẫn tư chất nghệ thuật...

Ở cái tuổi đã có thể nghỉ ngơi và thụ hưởng cuộc sống, Phạm Luận vẫn cần mẫn lao động mỗi ngày. Vẽ cũng là một trình thức lao động, dù là lao động nghệ thuật, nhưng đều tuân thủ sự tỉ mẩn, cẩn trọng và hơn thế nữa, là kỷ luật được rèn giũa qua tháng năm dài. Rất hiếm có thành công đến từ những tạm bợ cẩu thả, dù nghệ thuật vẫn thường được ươm mầm từ năng khiếu trời cho từng nghệ sĩ. Phạm Luận đời thường xem ra ít chất nghệ sĩ như cách hình dung thông thường về những con người cái tôi luôn lấn lướt. Ông chắt lọc, tích tụ, thể hiện cái tôi nghệ sĩ của mình ngay trong tác phẩm, trong những bức tranh mà hầu hết là sơn dầu khổ lớn luôn được công chúng rộng rãi ưa chuộng, đón nhận. Vẽ phố Hà Nội, nhưng không phải một phố trầm mặc u buồn hoài niệm của Bùi Xuân Phái, Phạm Luận chủ định để phố của ông có sự sống, có những lao xao của nhịp điệu đời sống dù chúng đôi khi cũng không một bóng dáng con người. Nhất quán với thẩm mỹ nghệ thuật ấy, lại trong giai đoạn trẻ hóa, Phạm Luận hội nhập với phố Sài Gòn sau đại dịch bằng cách nín thở lắng nghe thanh âm đa sắc của con người. Một chiều Cuối tuần đông đúc nam thanh nữ tú, những chàng trai cô giá trẻ mở căng lồng ngực, tung xõa mọi giác quan để vui chơi nhẩy múa, để chuyện trò hò hét, để hát ca hay đơn thuần lững thững đi bộ... những bình thường đã trở thành bình thường mới khi đại dịch đi qua. Ngoái nhìn về những tang thương mất mát đã qua, mới thấy hiện tại bình thường đã là hạnh phúc vô bờ, những khắc họa thoảng qua của Phạm Luận đã thâu tóm được nỗi niềm rưng rưng của thành phố trẻ dồi dào năng lượng. Phạm Luận không tả thực mà cảm, để rồi bằng sự hồi teen hiếm thấy ở một nghệ sĩ luôn chừng mực, tác phẩm của ông đã truyền được cảm hứng lạc quan tới với nhiều cư dân Sài Gòn... Sự giao hòa thẩm thấu giữa một họa sĩ Hà Nội với Sài Gòn đã kết tinh thành quả, là triển lãm những tác phẩm của Phạm Luận về một Sài Gòn sau đại dịch, mang cái tên không thể trẻ hơn: Tích tắc Sài Gòn tổ chức tại Bến Thành gallery đúng vào tiết thu tháng mười...

Ít nói, kiệm lời, thậm chí thích tách mình khỏi đám đông, Phạm Luận thực ra không thuộc về cái đời sống ồn ã, mặc dù càng lớn tuổi, ông càng nhiệt thành tương tác với đời sống ấy. Là một họa sĩ thành danh, có lượng fan đông đảo, nhưg ông cũng dường như không thuộc về đời sống hội họa, mà đúng hơn ông chủ động tránh sang bên. Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình tự thân, vẽ với nhiều họa sĩ, cũng được coi như lựa chọn đơn độc, Phạm Luận thường ngày gạt ra ngoài bỏ hết những thường tình đời sống để làm việc. Không chơi facebook, không tham gia các mạng xã hội, ông không bị hao tổn tinh thần vì những thị phi tầm phào vô bổ, chỉ dành sự thư thái cho tấm toan trước mặt và ê hề sơn dầu chung quanh. Có lẽ thế nên Phạm Luận đã đẩy lùi được sự khắc nghiệt của thời gian, ông kéo dài được thanh xuân và để chúng rờ rỡ hiện ra qua các tác phẩm liên tục trình làng. Tích tắc Sài Gòn vẫn ngập tràn nắng, lung linh sắc nắng, cả đô thị hừng hực sức trẻ bừng sáng, lung linh theo nhiệt tình sống của người nghệ sĩ luôn lạc quan, nhiệt huyết. Để có một Tích tắc Sài Gòn, có phố đi bộ Sài Gòn ngày cuối tuần đông đúc những gương mặt người rạng rỡ hiển hiện dưới nắng nhạt chiều hôm mà không phải qua lớp khẩu trang ám ảnh, nhiều đau thương mất mát đã đi qua và còn đọng lại trong thẳm sâu cõi lòng của biết bao người. Phạm Luận thấu hiểu điều đó. Ông, bằng trải nghiệm của một nghệ sĩ thành danh, bằng tài năng của một họa sĩ luôn coi thực hành nghệ thuật là một lao động nghiêm túc, chuyên nghiệp..., đã bắt nhịp được với sức trẻ, hào khí trẻ của thành phố trẻ. Phạm Luận ở tuổi sắp sửa 70, đang sảng khoái tinh thần đương đại. Ông rộn ràng nguồn năng lượng tích cực và luôn thường trực nhiệt huyết lan tỏa cảm hứng tích cực ấy trong mỗi ngày sống...

 ?? ?? Chân dung tự họa của họa sĩ Phạm Luận.
Chân dung tự họa của họa sĩ Phạm Luận.
 ?? ?? Tác phẩm Cuối tuần của họa sĩ Phạm Luận.
Tác phẩm Cuối tuần của họa sĩ Phạm Luận.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam