The Thao & Van Hoa

Cẩn thận lời nguyền nhà vua, Pháp!

Cứ đến mỗi kỳ World Cup, người ta lại nhắc đến lời nguyền đeo đuổi các nhà đương kim vô địch. Liệu Pháp có thể vượt qua và bảo vệ thành công ngai vàng?

- ĐỨC HÙNG

1Nhìn về quá khứ, 21 kỳ World Cup mới chỉ chứng kiến hai trường hợp bảo vệ thành công chức vô địch và đều diễn ra ở những năm đầu tổ chức World Cup. Italy hai lần lên ngôi vào các năm 1934 và 1938 sau khi đánh bại Tiệp Khắc và Hungary trong hai trận chung kết. Brazil là trường hợp thứ hai làm được điều này khi đánh bại Thụy Điển và Tiệp Khắc trong các trận chung kết ở các kỳ World Cup 1958 và 1962.

Thậm chí, việc hiện diện ở hai trận chung kết liên tiếp tại một kỳ World Cup càng trở nên khó khăn hơn từ World Cup 2006 trở lại đây. 4 trận chung kết là 7 đội bóng khác nhau, từ Italy vs Pháp năm 2006, Tây Ban Nha vs Hà Lan 2010, Đức vs Argentina 2014 và Pháp vs Croatia năm 2018. Kết luận nào sau những liệt kê này? Bóng đá hiện đại ngày càng khắc nghiệt và không dễ để một ĐTQG đảm bảo có thể tiến đến trận chung kết ở hai kỳ World Cup liên tiếp.

Trở lại với lời nguyền các nhà vô địch World Cup, năm 2002, Pháp từng phải dừng chân ở vòng bảng sau khi vô địch trên sân nhà 4 năm trước đó. Sau Pháp, có thêm ba trong bốn nhà vô địch nữa dừng bước ngay từ vòng bảng kỳ World Cup kế tiếp, lần lượt là Italy 2010 (2 điểm sau 3 trận), Tây Ban Nha 2014 (3 điểm sau 3 trận) và Đức 2018 (3 điểm sau 3 trận).

4 năm chắc chắn là quãng thời gian đủ để biến đổi một ĐTQG, khi thế hệ vô địch dần dần nhường bước cho thế hệ cầu thủ mới, trong lúc nhiều đội tuyển tỏ rõ quyết tâm lên ngôi ở kỳ World Cup kế tiếp. Tất cả có lý do để lo lắng cho số phận của Pháp trong một kỳ World Cup họ phải gạch đi hàng loạt cái tên sáng giá như N’Golo Kante, Paul Pogba và mới nhất là Christophe­r Nkunku vì chấn thương.

Việc một kỳ World Cup có quá nhiều cầu thủ sáng giá phải vắng mặt sẽ làm tăng cơ hội có những bất ngờ xảy ra ngay từ vòng bảng. Trên giấy tờ, bảng đấu của Pháp năm nay khá tương đồng với bảng đấu World Cup 2018, khi còn đó Đan Mạch, Australia trong lúc Peru được thay thế bằng Tunisia. Đan Mạch đã có những tiến bộ rõ rệt từ EURO 2020, giải đấu họ tạo ra câu chuyện cổ tích, chỉ bị chặn lại ở bán kết trước đội tuyển Anh. Australia hay Tunisia đến World Cup 2022 không phải để làm vật lót đường cho bảng D.

Trong cái rủi có cái may. Việc những trụ cột như Kante hay Pogba vắng mặt mang đến thời cơ để HLV Deschamps làm mới hàng tiền vệ cũng như lối chơi khi Pháp được đánh giá là đội tuyển có chiều sâu đội hình tốt nhất World Cup 2022. Có điều, nếu không có khởi đầu suôn sẻ trước Australia, áp lực sẽ đánh chìm cơ hội đi tiếp của thầy trò Deschamps. Đừng quên Pháp cách đây 20 năm được kỳ vọng rất nhiều, nhưng trận thua Senegal ở lượt đấu mở màn khiến những đôi chân của thầy trò Roger Lemerre không thể hiện được mình và tiếp tục gục ngã trước Uruguay và Đan Mạch. Một sự trùng hợp đáng chú ý ở hai giải đấu: sự hiện diện của Đan Mạch trong bảng đấu của Pháp và điều này khiến các CĐV của họ cảm thấy nỗi bất an giải đấu tại Hàn Quốc-Nhật Bản, cũng là một kỳ World Cup tại châu Á, hiện về.

HLV Deschamps may mắn không phải hứng chịu bi kịch ấy khi ông đã giã từ sự nghiệp sau EURO 2000. Nhưng trên cương vị HLV, ông không thể trốn tránh nguy cơ của một kỳ World Cup bất an nếu tuyển Pháp của ông không đi đúng lộ trình vòng bảng.

 ?? ?? ĐKVĐ Pháp thiếu vắng nhiều gương mặt vì chấn thương, mới nhất là Nkunku
ĐKVĐ Pháp thiếu vắng nhiều gương mặt vì chấn thương, mới nhất là Nkunku

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam