The Thao & Van Hoa

ĐT Ấn Độ và chuyện bỏ World Cup vì chân đất đá bóng

-

Đi chân trần có ý nghĩa văn hóa lớn ở Ấn Độ, nơi có phong tục cởi bỏ giày dép của mình trước khi bước vào nhà của bạn bè hoặc các địa điểm tôn giáo. Đó là một truyền thống được tiếp nối cho đến ngày nay.

Thậm chí, khi chơi thể thao, các vận động viên của Ấn Độ cũng thích đi chân trần. Huyền thoại khúc côn cầu Dhyan Chand cảm thấy thoải mái khi không đi giày. PT Usha, cựu nữ hoàng chạy nước rút Ấn Độ, cũng nổi tiếng với việc tập luyện chân trần trên bãi biển để tăng cường cơ bắp chân.

Nhưng nỗi ám ảnh về việc chân trần chơi thể thao đã khiến Ấn Độ gặp rắc rối vào năm 1950, năm đội tuyển bóng đá của họ vượt qua vòng loại, lần đầu tiên và duy nhất cho tới nay, tham dự vòng chung kết World Cup.

Năm đó, đội tuyển Ấn Độ giành vé đến Brazil dự vòng chung kết World Cup sau khi các đối thủ ở vòng loại là Myanmar, Philippine­s và Indonesia đồng loạt bỏ cuộc. Ấn Độ dự kiến đấu với Thụy Điển, Italy và Paraguay ở vòng bảng. Thế nhưng trước ngày lên đường sang Brazil, đội tuyển Ấn Độ nhận tin từ FIFA. Họ sẽ phải thi đấu với giày ở vòng chung kết World Cup theo điều luật vừa mới được bổ sung của tổ chức này.

Ấn Độ từng dự môn bóng đá ở Olympic 1948 với đội hình toàn đi chân đất. Nay, FIFA bắt họ phải xỏ giày ra sân đấu. Họ nhất quyết không chấp nhận quy định mới này. Vì thế, Ấn Độ tuyên bố bỏ giải ngay trước thềm World Cup.

Lý do tại sao các cầu thủ Ấn Độ đi chân trần đã được tranh luận trong nhiều năm qua, với các giả thuyết là thời điểm đó họ thiếu kinh phí để mua giày thi đấu. Tuy nhiên, nhà sử học và thống kê Goutam Roy lại có ý kiến thực tế hơn. Ông nói: “Hồi đó, người da đỏ không quen với việc mang giày vào sân, và đó là lý do tại sao hầu hết các cầu thủ bóng đá không mang giày trong trận đấu. Chỉ sau thất bại 1-10 trước Nam Tư ở Thế vận hội Helsinki 1952, giày mới được bắt buộc sử dụng trong bóng đá Ấn Độ”.

 ?? K.Đ ??
K.Đ

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam