The Thao & Van Hoa

Mở ra thế giới “phía sau” những chuyện cổ tích

-

“Hãy trở thành những người viết có tâm hồn đồng điệu với những đứa trẻ, song cũng đừng tự giả vờ, bắt chước giọng điệu trẻ con” - nữ nhà văn Đan Mạch Tove Krebs Lange chia sẻ - “Cũng đừng cao giọng dạy bảo những đứa trẻ khi viết, dù tác giả là một nhà văn trưởng thành, thậm chí có tiếng nói và địa vị xã hội.

(thực hiện)

H• CÔNG BẮC

Đừng xem nhẹ những đứa trẻ. Thay vào đó, hãy coi chúng là những con người có năng lực với một tâm hồn tươi trẻ… Quan trọng nhất, hãy dành sự quan tâm đến mong muốn của chúng” - NHÀ VĂN TOVE KREBS LANGE.

iện, cuốn sách Chuyến phiêu lưu vào thế giới cổ tích (NXB Kim Đồng) của tác giả - họa sĩ này vừa ra mắt độc giả. Có mặt tại Hà Nội, bà Tove Krebs Lange trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về cuốn sách, cũng như những quan điểm sáng tác của mình.

Đưa cổ tích đến gần đời sống hằng ngày

* Xin bà cho biết, cuốn sách “Chuyến phiêu lưu vào thế giới cổ tích” được ra đời từ cơ duyên nào?

- Cách đây nhiều năm, tôi đã đọc một câu chuyện cổ tích cho một bé gái 5 tuổi. Khi câu chuyện kết thúc, cô bé đã hỏi tôi: “Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?”. Tôi đã trả lời cô bé, tôi không biết. Và sau đó cô bé ấy đã nói: “Cô không thể viết như một tác giả và đặt câu hỏi hay sao?”.

Chính câu nói này đã cho tôi ý tưởng để xây dựng một nhân vật trải nghiệm cùng những gì xảy ra với các nhân vật trong truyện cổ tích sau khi kết thúc. Và nói thêm, người bạn nhỏ mà tôi kể cũng từng nói rằng cô muốn “bước vào” một trong những bức tranh minh họa truyện cổ tích. Có lẽ, nhiều trẻ em cũng mong muốn có được trải nghiệm đó.

* Có rất nhiều nhân vật cổ tích kinh điển xuất hiện trong cuốn sách này như: Cô bé quàng khăn đỏ, Lọ Lem, Bạch Tuyết, Công chúa tóc mây… Có phải bà đang muốn làm mới những câu chuyện cổ tích trong cuốn sách này?

- Tôi đã chọn 10 câu chuyện cổ tích mà hầu hết trẻ em đều biết. (Trong bản dịch sách tiếng Việt chỉ có 9 câu chuyện, vì một trong những câu chuyện ở nguyên tác vốn ít được biết đến bên ngoài vùng Bắc Âu). Tôi nhìn những nhân vật cổ tích qua đôi mắt của Anna - một bà nội trợ trung niên và sống thực tế. Cô ấy có thể làm được những

điều tuyệt vời qua những chuyến đi của mình với một suy nghĩ rất logic và hợp lý.

Trong sách, cô ấy gợi ý cho Dê mẹ (truyện Chó sói và 7 chú dê con) vứt bỏ chiếc đồng hồ cũ, vì nó không hoạt động. Cô ấy cũng nghĩ rằng một cô gái nghèo (truyện Cô bé Lọ Lem) nên giữ gìn tốt đôi giày làm bằng thủy tinh của mình và không đi nó một cách cẩu thả và lỏng lẻo. Và cô ấy khá ghen tị khi những chú lùn liên tiếp nói về vẻ đẹp của một cô gái trẻ (truyện Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn) đã từng sống với họ. Cô cũng đổ lỗi cho những chú lùn vì đã không ghi nhận công lao cho những công việc khó khăn mà cô đã làm.

Tôi nghĩ rằng yếu tố được làm mới trong cuốn sách này là một trải nghiệm rất cụ thể của nhân vật Anna trong những câu chuyện cổ tích. Nó đưa chúng đến gần hơn với cuộc sống hằng ngày.

* Được biết, bà vừa viết, vừa vẽ minh họa để hoàn thành cuốn sách. Làm cùng lúc 2 công việc này, điều này là thuận lợi hay khó khăn?

- Thông thường, một họa sĩ minh họa sẽ tạo ra những bức tranh để diễn tả câu chuyện do một người khác viết ra. Thực tế này có thể là một điều gợi cảm hứng, nhưng đôi khi cũng gây ra cảm giác khó chịu. Ví dụ, những bức tranh minh họa được vẽ bởi họa sĩ có trường hợp khác với tưởng tượng của người viết. Nhưng, khi vừa

là người viết, vừa vẽ minh họa sẽ không gặp phải vấn đề này.

Có những khi, những hình ảnh xuất hiện trước và mang tới cảm xúc để người viết sáng tạo ra câu chuyện, và ngược lại. Quá trình sáng tạo trở nên dễ dàng hơn theo một cách nào đó, vì văn bản và hình ảnh được xuất hiện cùng một lúc.

* Qua hành trình của nhân vật Anna trong cuốn sách, bà muốn truyền đi thông điệp gì?

- Tôi muốn truyền cảm hứng cho việc trẻ em sử dụng trí tưởng tượng của chúng. Đừng nghĩ rằng mọi câu chuyện luôn kết thúc theo một cách cố định và tồn tại mãi mãi. Nếu xê dịch và nhìn nhận mọi vấn đề từ những góc độ khác nhau, những câu chuyện cũ lại trở nên mới mẻ.

Ngoài ra, tôi muốn khuyến khích trẻ em đọc các phiên bản gốc của truyện cổ tích như Truyện cổ Andersen, hay Truyện cổ Grim chứ không chỉ xem những bộ phim được dựng từ cổ tích như những phiên bản của Walt Disney. Những bộ phim này rất thú vị và được làm đẹp mắt, nhưng chúng thường được làm không đúng với những câu chuyện gốc.

Học cách đồng điệu cùng tâm hồn trẻ thơ

* Được biết, bà đã sáng tác và minh họa rất nhiều sách thiếu nhi ở Đan Mạch. Vậy theo bà thách thức lớn nhất đối với quá trình sáng tạo tác phẩm cho thiếu nhi là gì? - Trẻ em ngày nay dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, chơi game và xem phim hoạt hình. So với chúng, những cuốn sách như Chuyến phiêu lưu vào thế giới cổ

tích có vẻ nhàm chán và tẻ nhạt. Những độc giả nhỏ tuổi phải mất nhiều thời gian để nhập tâm vào cuốn sách và cần phải sử dụng trí tưởng tượng của mình. Tuy nhiên, những cuốn sách tưởng như mang một cách tiếp nhận chậm rãi, vẫn chứa đựng một điều gì đó giúp trẻ em đắm chìm trong những niềm vui.

Tôi không nghĩ rằng người sáng tác nên thay đổi cách viết của mình để làm hài lòng những đứa trẻ. Nhưng mặt khác, cũng nên nhớ rằng những câu chuyện hấp dẫn cũng cần phải tạo được không khí gần gũi với sự bay bổng trong tâm hồn trẻ thơ. Những câu chuyện cho trẻ em nên được viết thú vị và vui vẻ để đọc. Tôi cũng tin rằng những cuốn sách quá chú trọng dạy dỗ những đứa trẻ những bài học đạo đức sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm độc giả ngày nay.

* Trước đây, bà đã có nhiều năm gắn bó với những dự án hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng sáng tác cho các nhà văn, họa sĩ tại Việt Nam. Trong cảm nhận của mình, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng sáng tạo của các tác giả sáng tác cho thiếu nhi ở Việt Nam?

- Khi tôi lần đầu tiên đến Việt Nam với Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (2006 - 2015), tôi chủ yếu làm việc với các họa sĩ minh họa. Và ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã bị ấn tượng bởi kỹ năng và chất lượng của những sản phẩm mà họ tạo ra. Không chỉ gây ấn tượng, họ còn truyền cảm hứng cho tôi. Hơn nữa, do không thể đọc tiếng Việt nên tôi khó nói điều gì về tác phẩm viết cho thiếu nhi của các tác giả Việt Nam. Nhưng với những câu chuyện được dịch mà tôi đã đọc, chúng đều rất tuyệt.

Ở Đan Mạch, chúng tôi có truyền thống lâu đời trong việc gặp gỡ trực tiếp với độc giả là trẻ em. Cuộc gặp gỡ không nhất thiết phải tập trung vào việc dạy những đứa trẻ những bài học có trong sách - mà hơn thế, đó là sự sẻ chia những niềm vui và nỗi buồn của chúng trong cuộc sống, để rồi từ đó giúp trẻ có khả năng khám phá bản thân trong một thế giới hư cấu như những câu chuyện cổ tích. Tôi cảm thấy rằng cách tiếp cận này đã truyền cảm hứng cho nhiều tác giả và họa sĩ minh họa Việt Nam khi chúng tôi đã làm việc cùng nhau.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

 ?? ?? Cuốn sách “Chuyến phiêu lưu vào thế giới cổ tích” (NXB Kim Đồng)
Cuốn sách “Chuyến phiêu lưu vào thế giới cổ tích” (NXB Kim Đồng)
 ?? ?? Tác giả Tove Krebs Lange đọc bức thư của nhân vật Anna
Tác giả Tove Krebs Lange đọc bức thư của nhân vật Anna

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam