The Thao & Van Hoa

Hạnh phúc cùng nhau

-

Tôi tin rằng, khu phố của Khalid là một biểu tượng nho nhỏ của khẩu hiệu mà nước chủ nhà World Cup 2022 Qatar hướng đến, trước hết qua bài hát chính thức “Hayya Hayya” (Better Together). Bởi ở cái nơi cách trung tâm Doha hơn 20 cây số ấy, những người nhập cư cùng chung sống, buôn bán một cách vui vẻ, bất kể họ có bất đồng một chút về bóng đá.

Một người Afghanista­n tôi gặp ở khu phố dài và bụi bặm gần sân bay cũ của Doha ấy bảo rằng, nơi này giống Kabul quê anh. Ahmad, người có một cửa hàng nhỏ trên con phố này, đã đến đây được 5 năm, và cũng như những người Afghanista­n khác định cư ở đây sau khi chạy trốn chế độ Taliban, họ mong đợi một cuộc sống tốt đẹp.

Qatar đã cho họ điều đó, cũng như cho nhiều người nhập cư từ các nước khác, từ Ấn Độ, Bangladesh, Syria, Iraq cho đến Pakistan một cơ hội để có một cuộc sống mới. Họ có mặt ở đây, trong khu phố này, khi tiệm thuê xe của Khalid (và nhân viên mẫn cán của tiệm là một anh chàng gốc Syria lúc nào cũng mặc chiếc áo vàng của Borussia Dortmund với vẻ hãnh diện) nằm ngay cạnh một tiệm đổi tiền của một anh chàng gốc Nam Á, cạnh đó vài bước là một cửa hàng phục vụ các món Ấn Độ mà tôi và một đồng nghiệp đã đến đây ăn một cách thích thú vô cùng. Con phố đủ dài để chứa hàng loạt cửa hàng, phục vụ đủ mọi nhu cầu, và như Ahmad nói, vì nó giống một con phố ở Kabul, nên sự lộn xộn trong đỗ xe là chuyện đương nhiên. Người ta bóp còi inh ỏi trong tiếng cười nói của mọi người, trong ánh nắng rõ là chói chang và khó chịu của buổi trưa, trong cả tiếng bật tivi oang oang kênh BeIn Sports đang bình luận về World Cup 2022. Tất cả thể hiện một điều rằng, họ đang sống chung với nhau, dựa vào nhau, coi Qatar là quê hương thứ hai của mình.

Trên thực tế, những năm qua, các xã hội Arab, trong đó có Qatar, một đất nước khá mềm mỏng và sẵn sàng tiếp nhận dòng người nhập cư vì nhiều lí do, trong đó có chiến tranh, đang thay đổi. Tỷ lệ cư dân là người nước ngoài định cư ở đây đang tăng lên ở các nước vùng Vịnh. Bán đảo Arab đang trở thành một trong những nơi mang tính đa văn hóa sâu sắc nhất trên thế giới.

Đây vừa là cơ hội để thử thách và cũng là để cảm nhận được sự đa dạng. Thử thách là khi mọi người phải học cách chấp nhận sống chung với những nền văn hóa khác nhau. Cơ hội tuyệt vời chính là được “nhúng mình” vào sự đa dạng của các nền văn hóa ấy, thông qua ẩm thực, các lễ hội và cả các khu phố như Al Matar Al Qadem, mà nếu như không đến chỗ của Khalid thuê xe, tôi sẽ không hề biết tới. Những người trí thức hoặc công nhân tay nghề cao được đón chào, nhưng những người lao động bình thường cũng không hề bị khinh rẻ.

90% dân số Qatar là người nhập cư, và họ đem đến đây văn hóa của họ, thể hiện qua ẩm thực, trang phục và tôn giáo. Họ tạo nên những khu thương mại như ở chỗ của Khalid, họ làm tất cả những công việc mà người Qatar không làm, xây lên những sân vận động, những đường cao tốc đẹp đẽ, những tòa nhà chọc trời tráng lệ và đầy ánh sáng ở trung tâm, mà nhìn từ bờ biển, nơi có khu Al Corniche, chúng lung linh vô cùng vào ban đêm. Có điều, có thể mối quan hệ của họ sẽ rạn nứt đôi chút dịp World Cup này. Ahmad thích Messi và ủng hộ Argentina, nhưng Adesh người Ấn Độ (anh chàng bán đồ ăn) thì mê Neymar và Brazil, còn Khaled người Syria thì chỉ thích Ronaldo và mơ đến một trận chung kết Bồ Đào Nha-Argentina.

Có World Cup hay không, cuộc sống ở nơi đây vẫn thế, có chăng là sẽ sôi động thêm nhờ một tháng bóng lăn. Nhưng như Ahmad nói, dù ở đây người Qatar không coi thường họ, thì những người như anh rất ngóng đợi một ngày nào đó sẽ trở về nhà.

ANH NGỌC

(từ Qatar)

 ?? ?? Xe cộ đỗ lung tung trên khu phố của người nhập cư ở ngoại ô Doha
Xe cộ đỗ lung tung trên khu phố của người nhập cư ở ngoại ô Doha

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam