The Thao & Van Hoa

Công nghệ VAR, SAOT và những cảm xúc trái chiều

- TRẦN TUẤN

World Cup 2022 vẫn chưa xong vòng bảng nhưng một số tình huống liên quan đến công nghệ hỗ trợ trọng tài qua video (VAR), công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) tiếp tục để lại những tranh luận, bàn thảo và mang lại nhiều cảm xúc khác nhau cho người xem.

Hãy cùng nhau nhớ lại trận đấu giữa Argentina và Saudi Arabia sẽ thấy rất rõ về câu chuyện thú vị xoay quanh công nghệ tại World Cup 2022. Chỉ trong vòng 15 phút, Argentina trở thành “nạn nhân” của công nghệ, bị từ chối 3 bàn thắng, trong đó 1 bàn của Messi. Đáng chú ý, Argentina còn bị trọng tài thổi việt vị thêm 4 lần nữa ở hiệp 1. Có đến 7 lần việt vị trong một hiệp đấu là kỷ lục của World Cup. Nếu World Cup diễn ra ở “thời xa vắng”, 1 trong 3 bàn thắng của Argentina được công nhận, 1 trong 7 tình huống không bị xác định việt vị, Messi cùng đồng đội chắc chắn đã không thể thua. Chúng ta có thể cảm giác rất rõ công nghệ đã triệt tiêu những đôi chân ma thuật của đội bóng xứ sở Tango.

Dưới góc độ của một người làm chuyên môn, Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền nhìn nhận: “Thực ra, công nghệ đã giúp cho độ chính xác cho việc bắt việt vị cao hơn. Sở dĩ trọng tài nhạy bén như vậy là nhờ công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT).

Công nghệ này giúp hệ thống bắt việt vị sẽ chính xác tuyệt đối. World Cup 2022 đã có rất nhiều bàn thắng bị từ chối. Nhiều quả phạt penalty được quyết định sau khi trọng tài chính tham khảo VAR. Tất nhiên, không đếm xuể bao nhiêu tình huống nhạy cảm được xác định việt vị”.

Ông Dương Văn Hiền cũng chia sẻ rằng chỉ có một điều hơi lấn cấn một chút ở chỗ lựa chọn đâu là “công nghệ” duy nhất để hỗ trợ cho việc bắt việt vị để đỡ rối và giúp cho người xem dễ dàng hiểu được diễn biến chứ không phải lâm vào cảnh “đứng hình” như các trận đấu vừa qua: “Tôi nghĩ, với công nghệ VAR sẽ áp dụng vào các tình huống như công nhận hay không công nhận bàn thắng, quyết định phạt đền hay không phạt đền.

Cùng với đó ở các tình huống nhận dạng nhầm. Trọng tài đôi khi nhận diện lầm cầu thủ trên sân và có thể rút thẻ sai. Đồng thời ở những tình huống thẻ đỏ trực tiếp, trọng tài có thể xem lại để đưa ra quyết định chính xác. Tóm lại, công nghệ VAR sẽ được sử dụng như lâu nay.

Còn riêng với việc bắt việt vị, nên chăng chỉ sử dụng công nghệ SAOT mà thôi. Ấn tượng nhất tại World Cup 2022 là công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) lần đầu tiên xuất hiện. Với 12 camera chuyên dụng, liên tục theo dõi vị trí của quả bóng Al Rihla và 29 điểm trên cơ thể cầu thủ, từ nay bóng đá không còn những bàn thắng “ăn cắp trứng gà”, bởi 100% các pha việt vị đều được phát hiện với độ chính xác đến từng “chân tơ kẽ tóc”. Độ chính xác, minh bạch, công bằng cũng được nhìn thấy từ công nghệ SAOT”.

“Nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó”, ông Dương Văn Hiền nhận định rồi bộc bạch: “Chúng ta nói nhiều đến cảm xúc của người xem, đó mới là bóng đá, là

cảm xúc sân cỏ. Công nghệ VAR, SAOT, Goal-Line… đã không còn hấp dẫn người xem bởi thiếu đi những hỷ - nộ - ái - ố trong và ngoài sân cỏ.

Khi lưới rung lên, thay cho nỗi buồn, niềm vui òa vỡ, cả SVĐ sẽ im lặng như tờ, cầu thủ khoanh tay đứng chờ VAR, chờ SAOT phán quyết. Cố chủ tịch FIFA Joao Havelange từng nói: “Sai lầm là một phần của bóng đá. Bạn thích một World Cup bay bổng

với những cảm xúc trái ngược buồn, vui, tiếc nuối, sung sướng như câu chuyện cổ tích, thần thoại hay tất cả đều chính xác đến 100% như toán học?”

“Xét một cách toàn diện, sự tiến bộ của công nghệ áp dụng vào trận đấu với sứ mệnh làm giảm thiểu tối đa mâu thuẫn, sai sót trên sân, hướng đến sự công bằng và minh bạch”, ông Dương Văn Hiền nhìn nhận.

 ?? ẢNH: TTXVN ?? Bàn thắng của ViniciusJu­nior (Brazil) vào lưới Thụy Sỹ bị từ chối do công nghệ SAOT bắt lỗi việt vị.
ẢNH: TTXVN Bàn thắng của ViniciusJu­nior (Brazil) vào lưới Thụy Sỹ bị từ chối do công nghệ SAOT bắt lỗi việt vị.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam