The Thao & Van Hoa

Giấc mơ trong phòng thu dưới hầm nhà

Gần nửa thế kỷ trước, vào năm 1976, nhóm nhạc Boston đã phát hành đĩa đơn đầu tay More Than a Feeling. Ca khúc lập tức gây được tiếng vang lớn, đạt No.5 trên BXH Billboard. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của câu chuyện.

- • THƯ VĨ (tổng hợp)

More Than a Feeling sau đó đã trở thành ca khúc chủ lực trên đài phát thanh trong thời gian dài, đưa Boston trở thành một trong những nhóm nhạc rock lớn nhất nước Mỹ và giúp album đầu tay Boston của nhóm bán cực chạy với doanh số hơn 1 triệu bản trong 3 tháng.

Câu chuyện buồn vui lẫn lộn về sức mạnh của nhạc phẩm này cũng lập tức xác định sự khác biệt của Boston và hơn thế, giúp định hình lại toàn bộ quá trình sản xuất và biểu diễn của thể loại pop-rock.

Mò mẫm dưới tầng hầm

“Phải làm việc dưới tầng hầm nhà mình trong 6 năm thì được chơi nhạc ở quảng trường Madison là đúng thôi!” - TOM SCHOLZ.

Theo thời gian, More Than a Feeling đã được cover bởi vô số các nghệ sĩ tới từ nhiều dòng nhạc khác nhau, từ NSYNC tới Nirvana. Ca khúc cũng đã xuất hiện trên nhiều bộ phim và chương trình truyền hình, bao gồm Close Encounters of the Third Kind, The Sopranos và đặc biệt là The Walking Dead. Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, More Than a Feeling được xếp thứ 212.

Cách More Than a Feeling được tạo ra cũng vô cùng truyền cảm hứng.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, người sáng lập ra nhóm Boston, nghệ sĩ guitar, nhạc sĩ và nhà sản xuất Tom Scholz, đã kể lại quá trình sáng tạo điên rồ để cho ra đời More Than

a Feeling.

Theo đó, nó đã “hoài thai” từ khi ông… 4 hoặc 5 tuổi. Ở lứa tuổi mẫu giáo đó, Scholz đã được tắm đẫm trong âm nhạc kinh điển từ dàn hi-fi đơn âm của bố mẹ. Ông thường ngồi trước dàn máy đó hàng giờ, đôi khi là hết ngày này qua ngày khác, để nghe nhạc.

Tới năm 21 tuổi, khi học năm 3 tại MIT, Scholz mới nghiêm túc chơi guitar, trong một nhóm nhạc chơi dở nhưng vui vẻ. Trong thâm tâm, ông muốn nghiêm túc hơn nữa trong âm nhạc. Tuy nhiên, sau đó, Scholz tới làm việc cho hãng Polaroid ở Cambridge, Massachuse­tts. Trong vai trò kỹ sư thiết kế sản phẩm, ông học được rất nhiều về âm thanh điện tử và ghi băng, cho phép ông có thể tự làm thiết bị phòng thu và bắt đầu hiểu cách thức thu âm.

Thế là, mỗi đêm, sau một ngày làm việc nặng nhọc ở Polaroid, Scholz lại cặm cụi dưới tầng hầm nhà mình, từng bước trang bị cho phòng thu cá nhân. Tất cả các bản thu của Boston sau này đều được thu tại phòng thu dưới hầm của Scholz.

Ngày nay, phòng thu tại gia không còn quá xa lạ nhưng ở thời điểm đó, quả là một quá trình dài mò mẫm. Lại eo hẹp ngân sách, Scholz chỉ có thể chế tạo một chiếc máy ghi âm bốn rãnh và dàn mix cực kỳ thô sơ.

Tổng cộng, Scholz mất 6 năm để học cách tự tạo ra âm nhạc. Ông cũng chơi tất cả

các nhạc cụ trong các bản demo, trừ trống (phần này thuộc về một anh chàng tên là Jim Masdea). Scholz còn tự tách mình khỏi thế giới, để một mình nghiền ngẫm âm thanh và cách hòa âm. Sau khi đã hoàn tất, ông mới đưa Brad Delp (ca sĩ của Boston) vào. “Đó là cách duy nhất để âm nhạc có thể nhìn thấy ánh sáng ban ngày” - Scholz nhớ lại.

Cũng trong 6 năm, Scholz gửi hàng chục bản thu âm cho hàng chục hãng thu âm nhưng không nhận được gì ngoài những lời từ chối. Lúc này, ông đã 29 tuổi và cảm thấy đã đến lúc phải chịu trách nhiệm với đời. Ông đã kết hôn và dần cháy túi. More Than a Feeling là bản demo cuối cùng Scholz thực hiện. Ông đã chơi tất tay. Nếu thất bại, Scholz sẽ rời bỏ âm nhạc.

Thành quả xứng đáng

Dường như trước khi buông tay âm nhạc, Scholz đã gói trọn mọi hoài niệm trong More Than a Feeling.

Trong ca khúc, người đàn ông nhìn ra bình minh và thấy mặt trời đã đi mất. Để khởi đầu

một ngày mới, anh ta bật lên một giai điệu thân thuộc và nhanh chóng chìm vào nó. Trong cảm giác mơ màng, anh gặp lại bao người đã tới và đi, với gương mặt mờ dần theo năm tháng. Anh ta trốn mình trong âm nhạc, quên đi ngày tháng và mộng mị về nàng Marianne… Rồi bầu trời bỗng trong trẻo trở lại như giữa Hè.

“Nó không phải sự kiện có thật mà chỉ là tưởng tượng” - Scholz chia sẻ - “Như hầu hết mọi người có thể nhận ra, đó là về việc mất đi một người quan trọng với họ và âm nhạc đưa người đó trở lại”.

Chỉ có nàng Marianne là thật. “Đó là bà chị họ lớn tuổi của tôi. Tôi thích chị ấy hồi 10 tuổi và nhiều năm lẽo đẽo theo sau chị” - Scholz kể khổ.

Nhưng mừng là hãng đĩa Epic đã nhận được demo ca khúc và vài tuần sau, Scholz cùng Brad Delp nhận được lời đề nghị làm nghệ sĩ của hãng! Vấn đề là Epic nhấn mạnh rằng cả album phải được thu âm lại trong một “phòng thu chuyên nghiệp”, bởi một “nhà sản xuất chuyên nghiệp”.

Epic đã gửi nhà sản xuất thu âm John Boylan tới gặp Scholz. “Anh ta đến xem phòng thu của tôi và nói: “Rõ ràng là chúng ta không thể làm ở đây. Chúng ta sẽ phải tới một phòng thu thật sự ở New York hoặc Los Angeles để thu” - Scholz kể - “Và tôi nói: “Chà, không có chuyện đó đâu. Bởi nếu anh đưa tôi ra khỏi môi trường của mình, tới một phòng thu mà tôi không thể làm những điều tôi làm ở đây, thì tôi sẽ không đạt được điều tương tự”.

Boylan đã đe dọa sẽ bỏ đi nhưng Scholz vẫn cương quyết: “Nếu anh muốn bỏ đi thì tôi cũng hiểu thôi. Nhưng nếu bản thu này được thu, thì cách cách duy nhất là nó phải được thu ở đây, trong căn hầm nhà tôi”.

Cuối cùng, Boylan đã phải xuống nước, đồng ý cho Scholz thu âm ở căn hầm “với những thiết bị điên rồ của mình” rồi mang băng tới Los Angeles để cùng nhau mix. “Tôi định nói: “thật tuyệt vời!”, nhưng trước khi tôi kịp thốt ra lời, anh ta đã nói: “và chúng ta sẽ chia tiền bản quyền của nhà sản xuất” - Scholz thích thú kể lại, và tất nhiên, anh đồng tình với cách xử lý này.

Khi đó, Boston vẫn là nhóm nhạc vô danh. Scholz còn hơi sốc khi thấy ảnh nhóm ở bìa sau đĩa. Sau khi mix xong album, ông lại quay lại làm việc ở Polaroid. Vốn mọi cố gắng trước đây đều bị từ chối, ông không mong đợi gì ở album, chỉ hi vọng có 1 ca khúc được đài địa phương chọn phát. Như thế, ông có thể tiếp tục chơi nhạc ở địa phương như một sở thích và chơi thứ nhạc mà có người có thể nhận ra.

Không ngờ, một tuần nọ, nhân viên Polaroid đua nhau chạy vào phòng thí nghiệm của Scholz, hét lên rằng More Than a Feeling đang được phát trên đài, và sau đó là ở các cửa hàng! Khỏi phải nói, ông vô cùng vui sướng.

Sau đó, nhóm được đề nghị diễn mở màn cho chuyến lưu diễn sân vân động của Black Sabbath lừng danh! Tới lúc đó, Scholz vẫn nghĩ sẽ xin nghỉ phép ít ngày, đi diễn rồi quay lại làm ở Palaroid. Rồi vài tuần sau, họ lại được đề nghị làm nghệ sĩ chính ở sân vận động. Lúc đó, khi album Boston cũng đã bán được hơn 1 triệu bản và More Than a Feeling lọt top 10 Billboard, Scholz mới yên tâm nghỉ làm.

Trong buổi diễn đầu tiên ở New York, Boston đã chơi ở quảng trường Madison. “Rất nhiều người tỏ ra khó chịu vì điều đó. Họ thấy thật không phải phép khi một nhóm nhạc được chơi ở Quảng trường Madison ngay trong chuyến đi đầu tiên đến New York” - Scholz nhớ lại - “Tôi luôn ước mình có thể nói với tất cả họ: “Phải làm việc dưới tầng hầm nhà mình trong 6 năm thì được chơi ở Madison là đúng thôi!”

 ?? ?? Tom Scholz không ngại gần nửa thế kỷ ra mắt biểu diễn hit của mình sau
Tom Scholz không ngại gần nửa thế kỷ ra mắt biểu diễn hit của mình sau
 ?? ?? More-than-a-feeling: Bìa đĩa đơn “More Than a Feeling” của Boston
More-than-a-feeling: Bìa đĩa đơn “More Than a Feeling” của Boston
 ?? ?? Tom Scholz trong phòng thu tại gia của mình vào năm 1977
Tom Scholz trong phòng thu tại gia của mình vào năm 1977

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam