Thoi Nay

Mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội

- ■ Bài và ảnh: MAI QUÝ

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo tới năm 2030, Việt Nam có khoảng 17% số dân là người cao tuổi và tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2045. Nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Nhiều người cao tuổi không có lương hưu

Dù tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, song vẫn còn những khoảng trống về an sinh xã hội cho người cao tuổi. Trong đó, tỷ lệ người cao tuổi hưởng chế độ hưu trí còn ở mức thấp.

Một nghiên cứu gần đây do Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số LHQ thực hiện cho thấy, nguồn thu nhập chính của người cao tuổi ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng 38%. Trong khi đó, các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10%. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19, theo đánh giá nhanh của Quỹ Dân số LHQ, đại dịch làm giảm thu nhập của người cao tuổi, trung bình xuống đến 41%. Nếu chỉ nói đến chế độ hưu trí, số người cao tuổi không nhận được lương hưu đã chiếm khoảng 76%. Đây là kết quả của tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội thấp, số người không tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2021 trong toàn bộ lực lượng lao động chiếm đến 63%, sau này chính những người này sẽ không có lương hưu.

Ông André Gama, chuyên gia phụ trách Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, hiện nay, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam chỉ cao hơn một chút so với chuẩn nghèo. Phân bổ ngân sách của Chính phủ về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,15% GDP. Theo ông André Gama, nếu không có những cam kết chính sách mạnh mẽ để cải cách hệ thống an sinh xã hội, nâng cao diện bao phủ thì trong tương lai sẽ có một tỷ lệ lớn những người cao tuổi tại Việt Nam sẽ không được hưởng bất cứ một chế độ hưu trí nào.

Để bảo đảm an sinh cho người cao tuổi, chuyên gia ILO đề xuất, cần mở rộng cả hai khía cạnh, đó là triển khai hưu trí xã hội phổ cập cho toàn dân ở độ tuổi thấp hơn (hiện nay là 80 tuổi), tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Cần tập trung vào các ưu tiên chính sách để bảo đảm chế độ hưu trí, mức sống thỏa đáng cho người cao tuổi. Đồng thời, cần có giải pháp để khai thác được cả năng suất lao động của người cao tuổi, bảo đảm sự cạnh tranh về năng suất lao động cho Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, việc bao phủ lương hưu tới người cao tuổi là điều rất cần thiết. Bởi khi về già thì khoản tiền lương hằng tháng và thẻ bảo hiểm y tế là điểm tựa an sinh quan trọng của người cao tuổi, giúp họ có cuộc sống tốt hơn, không phải phụ thuộc vào con cái. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người lao động trẻ chưa thật sự quan tâm đến việc tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện vì nhiều lý do. Trong đó, có ý kiến về đồng tiền mất giá sẽ tác động đến lương hưu làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm, vì năm 2022, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/ tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm. Điều này cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu, nhất là với người cao tuổi đang hưởng mức lương hưu thấp. “Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương hưu qua các giai đoạn, cho thấy đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện. Vì vậy, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm, tin tưởng tham gia chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước, việc tham gia bảo hiểm xã hội chính là lựa chọn tối ưu nhất để có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế làm chỗ dựa vững chắc nhất cho người lao động khi về già”, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Sớm hỗ trợ 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế

Luật Người cao tuổi quy định, những người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng thì được mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước. Theo thống kê, hiện cả nước đã có khoảng 12,1 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 95% tổng số người cao tuổi. Khi sức khỏe người già giảm sút, việc tham gia bảo hiểm y tế là vô cùng cần thiết nhằm đề phòng trước những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, hiện vẫn còn 5% số người cao tuổi, tương đương hơn 500 nghìn người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Theo báo cáo của cơ quan quản lý người cao tuổi, hiện tại số người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế hầu hết thuộc nhóm từ 60 đến 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí có người cao tuổi dù đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ điều kiện, khả năng tài chính để mua thẻ bảo hiểm y tế.

Trước thực trạng trên, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm sửa đổi Luật Người cao tuổi; phối hợp để giải quyết 5% số người cao tuổi hiện nay chưa có thẻ bảo hiểm y tế, để 100% số người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế. Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi vào năm 2024 và sửa đổi tập trung vào những nội dung thiết yếu, đặc biệt là rút ngắn độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, qua đó rút ngắn độ tuổi người cao tuổi được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh mức đóng, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi trên cơ sở tính toán khả năng cân đối quỹ. Cụ thể, cần nâng mức đóng, mức hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có người cao tuổi cần ưu tiên. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ nhóm người cao tuổi từ 60 tuổi đến 79 tuổi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án huy động ngân sách từ nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn, ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Về lâu dài, cần đưa nội dung xây dựng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, làm thế nào tất cả các đối tượng đủ điều kiện công nhận là người cao tuổi được hưởng đầy đủ mức đóng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước bảo đảm…

 ?? Ảnh: NAM ANH ?? Khám và tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi.
Ảnh: NAM ANH Khám và tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi.
 ?? ?? Có thẻ bảo hiểm y tế, người cao tuổi sẽ giảm được gánh nặng chi phí chữa bệnh.
Có thẻ bảo hiểm y tế, người cao tuổi sẽ giảm được gánh nặng chi phí chữa bệnh.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam