Thoi Nay

Những lũy xanh tươi mát, êm đềm

- ■ THỤY PHƯƠNG

1Những bức tranh, ký họa về Hải Phòng thời đất nước gian lao hay làng quê, đồi núi, con người ở nhiều vùng miền rải rác theo năm tháng… đều chứa đựng một tình cảm ấm lành, đằm sâu, nhân hậu. Đó như những lũy tre xanh - hình tượng quen thuộc trong tranh Nguyễn Đăng Phú - vừa rắn rỏi, vừa lành hiền, dịu dàng vỗ về, nâng niu bao ký ức và cảm xúc.

/Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú sinh năm 1947 tại Hà Nam, lớn lên ở Hải Phòng và nhiều năm qua ông sống trong căn nhà nhỏ trên phố Hàng Chuối (Hà Nội). Ông tốt nghiệp chuyên ngành tranh cổ động của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Tính đến nay, đó là khóa đào tạo duy nhất trong cả nước tập trung vào chuyên ngành này. Thời gian họa sĩ công tác ở Báo Hải Phòng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt, đây cũng là giai đoạn ông tạo ấn tượng qua hàng loạt ký họa về đời sống, con người đất cảng, dù gian lao mà vẫn dồi dào sức sống, niềm tin.

Một dấu ấn quan trọng khác là gần 10 năm họa sĩ sống tại Ba Lan - quốc gia có nền đồ họa phát triển, tổ chức thường niên các cuộc triển lãm tranh cổ động toàn thế giới. Được đào tạo về tranh cổ động, nhưng Nguyễn Đăng Phú đã sớm ý thức vươn xa và thành công ở nhiều thể loại, đề tài khác nhau.

Tranh là người. Tranh Nguyễn Đăng Phú bao giờ cũng gợi nên cảm xúc man mác, dìu dặt, lắng sâu. Ngay cả những bức tranh mầu sắc, đường nét, chủ đề vui thì đâu đó vẫn có gì lắng lại, khe khẽ khuấy vào lòng người niềm nghĩ ngợi, suy tư. Tranh về thiên nhiên của ông, dù có tre hay không, vẫn bắt gặp những “lũy xanh” dịu dàng mà lừng lững. Đường nét, gam mầu lành hiền, êm như ru, nhưng cũng sâu đến độ cứ từ tốn trổ vào lòng người cảm xúc thật thà và sâu nặng nhất. Ngắm tranh Nguyễn Đăng Phú, gặp được nét phóng khoáng, tươi trong mà ấm nồng, gần gụi. Gió cảng biển lồng lộng, gió bờ tre xôn xao, gió hắt lên từ mảnh ao làng rười rượi, gió trên cánh đồng lúa đương thì con gái mơn man… như thổi mãi, thổi mãi trong tranh, khiến mắt người nhòe đi vì khôn nguôi nhớ nhung, tưởng tượng.

2/Nhiều khi, dù chỉ là một bức minh họa nhỏ, cho một tản văn, tạp văn có vị trí khiêm tốn ở góc một tờ báo nào đó thì Nguyễn Đăng Phú vẫn mang đến một tác phẩm mang tinh thần “lũy xanh”, đủ lớp lang, bố cục, câu chuyện và sự lan tỏa về cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tác giả văn chương hễ “được” Nguyễn Đăng Phú minh họa thường sẽ liên hệ tòa soạn, tìm cách kết nối với họa sĩ. Không ồn ào, hào nhoáng, gây hấn, các tác phẩm của ông, từ lớn tới nhỏ, cứ lặng lẽ tạo nên một vị trí vững vàng và mềm mại. Cách đây hơn 10 năm, ông từng gửi tặng tôi món quà là các bức minh họa cho tác phẩm đã đăng báo. Dù chưa có cuộc gặp gỡ hay trao đổi nào, nhưng nhìn vào nét chữ đề tặng với hai phiên bản: minh họa gốc và bản minh họa cắt ra từ báo, đính vào nhau, tôi nhận ra sự tỉ mỉ, cẩn trọng hiếm có. Nhiều văn nghệ sĩ cũng may mắn được ông tặng minh họa theo cách đó. Ngắm những bức minh họa chỉ bằng bàn tay, có khi nhỉnh hơn bao diêm, vẫn cảm nhận rõ họa sĩ đã đọc tác phẩm kỹ, hiểu người sáng tạo, phong cách mỹ thuật của từng tờ báo và sau cuối, ông chọn cách trao gửi tình cảm nồng hậu đến với nhà văn. Nhẹ nhõm trao đi, như tặng đời, tặng người những đóa hoa đẹp mà không cần hồi đáp.

Ở tuổi 75, nếm trải mọi cung bậc thăng trầm của đời sống, sức khỏe cũng giảm sút đi nhiều, nhưng mỗi ngày, họa sĩ vẫn vừa uống thuốc, vừa tận tụy vẽ. Ngoài các tờ báo lớn đã cộng tác thường xuyên khoảng trên dưới 20 năm, thời gian gần đây, các tạp chí địa phương cũng “đặt hàng” ông liên tục. Có nơi, vừa gửi tác phẩm buổi sáng, ngay chiều đã “đòi” minh họa, mà đâu ít ỏi gì, hẳn một chùm tác phẩm. Vậy mà hiếm ai thấy Nguyễn Đăng Phú giận dỗi, cáu gắt, kiêu kỳ… Ông luôn từ tốn lắng nghe và nỗ lực hết mình để mỗi bức minh họa gửi đi là thêm nguồn cảm xúc, cảm tình được neo lại. Không những với tòa soạn mà cao hơn là với văn nghệ sĩ, bạn đọc.

Thuốc thang, điều trị… không ảnh hưởng nhiều tới tinh thần sáng tạo và vui sống. Khách đến nhà, hỏi bâng quơ về tranh minh họa, chủ nhà thong thả mời trà rồi quay vào bên trong, lát sau còng lưng bê từng thùng các-tông vuông vức xếp chồng chồng lớp lớp minh họa, sắp xếp rất gọn gàng. Hiếm họa sĩ nào giữ gìn tranh minh họa tình cảm và khoa học thế. Một “bộ” minh họa bao giờ cũng đủ: tranh gốc, tranh đã đăng báo, bút tích họa sĩ, ghi chú thông tin về ngày đăng, số báo… Phần lớn những đứa con tinh thần này sẽ được tặng đi. Trước là cho văn nghệ sĩ, bạn đọc, còn lại những thùng ông vừa mang ra đều là “tài sản” đã trao tặng cho con cái. Nếu ai tình cờ xem và thích, họa sĩ vẫn hào hiệp mở lời, rằng sẽ trao đổi, “xin phép” con để mọi người được sở hữu thứ mình yêu thích. Nguyễn Đăng Phú là vậy. Ẩn sâu bên trong cá tính của một họa sĩ, một chủ thể sáng tạo là cốt cách văn hóa của một người trí thức điềm đạm, khiêm nhường.

3/Vừa “chơi” mạng xã hội, họa sĩ Nguyễn Đăng Phú vừa kết hợp lập ra những hội nhóm lý thú, bổ ích. Có khi đó là trang chuyên đăng hình ảnh, tài liệu về tranh mầu nước. Có khi đó lại là trang khuyến khích mọi người sống vui, sống khỏe, tràn đầy năng lượng. Ông nhóm lên niềm vui cho mọi người, cũng như tự nhắc mình phải lạc quan, không ngừng mến thương cuộc sống. Thời gian này, ông hầu như ở nhà, không tiếp khách sẽ miệt mài lao động. Nhà hẹp, phòng khách chỉ đủ kê bộ bàn ghế, khoảng không bốn bức tường dành cho tranh. Phòng vẽ cũng lại không gian khiêm tốn, không điều hòa, ghế ngồi nhường cho khách. Họa sĩ cứ thế cần mẫn đắp bồi, gom góp và lặng lẽ trao đi. Vẽ trong khói bom ngùn ngụt hay vẽ ở góc nhỏ chật chội ẩm mốc, một phòng tranh đã vợi bớt gian truân… thì những tác phẩm vẫn như chấp chới từng tia nắng, từng cơn gió khoan thai, dìu dặt.

Nguyễn Đăng Phú thừa nhận, tuy cuộc sống chẳng dư dả gì, nhưng có giai đoạn, suốt thời gian dài ông không màng tới việc bán tranh. Khách tìm tận nhà hỏi mua ông vẫn cứ “khủng khỉnh”. Bây giờ, thỉnh thoảng ông lại “gả” đi một bức. Không hẳn vì thuốc thang hay trang trải cuộc sống, mà có lẽ ở tuổi này, khi đã kinh qua những lũy thành cảm xúc, ông càng thấu suốt hơn giá trị của sự sẻ chia và lan tỏa.

Những lũy xanh cứ thấp thoáng bóng người. Khi là trẻ thơ tung tăng đùa nghịch. Khi là đàn bà gồng gánh sớm hôm. Và cả những người già, đàn trâu, đàn cò, ruộng vườn, bờ bãi… Nguyễn Đăng Phú vẽ về vùng miền nào, góc độ ra sao thì nét vui nét buồn đều quyện lại một cách ấm nồng, trong trẻo, lành hiền. Cứ hình dung, sau mỗi bức tranh là một câu chuyện và ông luôn nâng niu, lập thành một “hồ sơ cảm xúc” trong ngăn hồi ức. Để một lúc nào đó, chạm vào đâu cũng gặp, cũng tin yêu. Ngắm tranh, biết ông yêu thương đến cả bờ rào bờ giậu, từng khóm cây bụi vô danh, từng mảnh bọt bèo trôi dạt… Trong tâm hồn họa sĩ, những cảm xúc ông đã chắp nối, tạo tác và trao đi, bây giờ đã hồn hậu trở về làm nên một lũy thành êm ái.

“Tranh ở nhà mình, quý đến mấy có khi cũng xếp chồng, xếp đống. Tranh về với mọi người, được đóng khung, được trưng bày và ngắm nghía, với họa sĩ hạnh phúc nào bằng. Bởi thế, dù là của mình nhưng cái gì cũng cứ bằng mọi giá giữ lại, chưa hẳn đã tốt”, ông chậm rãi chia sẻ.

 ?? Tranh bột mầu: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ ?? Tác phẩm “Khóm tre sau làng”.
Tranh bột mầu: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ Tác phẩm “Khóm tre sau làng”.
 ?? Tác phẩm “Chiều nắng”.
Tranh sơn dầu: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ ??
Tác phẩm “Chiều nắng”. Tranh sơn dầu: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam