Thoi Nay

Lan tỏa văn hóa đọc sách hiệu quả

- ■ DƯƠNG XUÂN

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam đã có nhiều sự kiện diễn ra sôi nổi trên cả nước như trao giải sách quốc gia, tôn vinh người làm xuất bản tiêu biểu. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư, biểu dương và chúc mừng những thành tựu của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam trong 70 năm qua. Tổng Bí thư mong Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, luôn luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc…

Những kỳ vọng đó, cùng không khí sôi động, hào hứng trong lòng nhiều người trong ngành, trong cuộc, lại như nhắc thêm một điều: Làm sao phát huy, tăng cường mạnh mẽ hơn hiệu quả của việc đọc sách, phổ biến sách.

Thật vậy, những năm qua, lượng sách, số đầu sách được xuất bản rất lớn. Và càng theo thời gian, các mô hình đọc sách, việc xây dựng các tủ sách, hoạt động thiện nguyện sách diễn ra rộng rãi, đa dạng, khá thường xuyên. Có điều, việc thống kê, phân tích, đánh giá về tình hình bồi bổ, phát triển văn hóa đọc vẫn rất cần những tìm hiểu, công bố tương đối cụ thể ở các địa phương, kể cả ở cấp xã, phường, hay các cơ quan, đơn vị như trường học, công ty, UBND các địa bàn cơ sở… Việc này không chỉ thông qua các báo cáo tổng hợp ở tầm vĩ mô, ở cấp bộ, ngành, của cả nền xuất bản, mà nên được đưa ra ngay cho đội ngũ lãnh đạo địa phương, cán bộ, nhân viên cơ sở, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp… để nắm bắt được thực tế tình hình sách vở quanh mình. Đó là cách để nhận biết để tiếp tục có các giải pháp để đẩy mạnh việc đưa sách đi vào cuộc sống hằng ngày, lan tỏa trong đời sống xã hội.

Cũng từ đây, có thể có nhiều ý tưởng, sáng kiến cho việc tiếp tục trang bị sách, phát huy hoạt động đọc sách như thế nào ở từng đơn vị, địa bàn cụ thể. Và sẽ có nhiều sáng kiến, nguyện vọng, đề xuất từ chính người dân, học sinh, công nhân, cán bộ cơ sở một cách thiết thực.

Đặc biệt, trong định hướng mang tính vĩ mô để lan tỏa sách đến xã hội, ngành xuất bản, các nhà xuất bản, đội ngũ người làm sách cần nắm bắt rõ hơn thực tế để có các hoạt động phát hành, trao tặng, tổ chức sự kiện về sách cho các nơi, các đối tượng theo nhiều cách phù hợp, đem lại nguồn lợi vật chất, tinh thần, nguồn thông tin, tri thức, vốn liếng văn hóa, thẩm mỹ cho các thành phần tham gia.

Người ta hay ví von khi đưa ra hình ảnh ở nước ngoài lên tàu điện ngầm hay chờ xe bus thấy người đọc sách, người nước ngoài sang du lịch ở ta cũng cầm cuốn sách, trong nhà nhiều gia đình có tủ sách… Muốn để người dân ta có cuốn sách mang theo ở nhiều lúc, nhiều nơi thì rất cần khảo sát, thông tin thường xuyên về việc người dân ở nhiều nơi đang đến với sách như thế nào.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam