Thoi Nay

Ấn tượng đẹp ngày hội văn hóa dân tộc Dao

Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II vừa diễn ra tại tỉnh Thái Nguyên như bản nhạc thật đẹp, mang nhiều âm hưởng độc đáo của một dân tộc đa sắc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

- ■ Bài và ảnh: KHIẾU MINH

Đa sắc hội tụ

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, ngày hội tề tựu hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng thuộc các nhóm Dao: quần chẹt, đỏ, lô gang, tiền, thanh y, tuyển... đến từ 14 tỉnh.

Đây là dịp hiếm có để người dân Thái Nguyên được thưởng thức dân ca, dân vũ, chiêm ngưỡng sắc mầu thổ cẩm rực rỡ và cùng hòa mình vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Dao qua các phần trình diễn trang phục dân tộc, trích đoạn các nghi lễ tiêu biểu như cúng Bàn Vương, Cấp sắc, Tết nhảy…

Có thể nhận thấy nhiều điểm chung và khác biệt của các nhóm dân tộc Dao trong ngày hội. Tuy cùng thờ cúng Bàn Vương (thủy tổ người Dao) và cùng sử dụng chữ nôm Dao, nhưng mỗi nhóm đều có sắc thái văn hóa riêng từ trang phục cho đến ngôn ngữ tùy địa phương. Nhóm Dao quần chẹt (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) có điệu múa bát độc đáo, trang phục toát lên hai mầu chàm, trắng… Trang phục nhóm Dao lô gang (Bắc Giang) lại là tông vàng chủ đạo trên trang phục với bốn thân bổ tà thêu kín họa tiết bằng chỉ vàng, xanh lá. Còn nhóm Dao đỏ (Yên Bái), các họa tiết lại được thêu tinh tế, nổi bật trên nền quần, áo chàm…

TS Trần Hữu Sơn (Viện trưởng Văn hóa dân gian ứng dụng) nhận xét, đây là ngày hội của đoàn kết và đa dạng văn hóa, phản ánh nét đặc sắc, đa dạng văn hóa tộc người. Điều đó không chỉ có trên trang phục, văn nghệ quần chúng, triển lãm, trích đoạn lễ hội hay ẩm thực mà còn toát lên trên nụ cười, cử chỉ hòa ái, niềm tự hào của con cháu Bàn Vương thắm tình đoàn kết.

Khi các chủ thể cùng giữ bản sắc

Chị Triệu Thị Thu Mai thuộc nhóm Dao quần chẹt hồ hởi, rất vui cùng cả đoàn về Thái Nguyên giao lưu, học hỏi rất nhiều về bản sắc của các nhóm Dao khác trên toàn quốc. Để chuẩn bị các tiết mục tham gia ngày hội, nhóm diễn viên quần chúng tại địa phương đã tập luyện trong hơn một tháng. Những điệu múa bát, múa rùa, thi trang phục, trích đoạn lễ cấp sắc và biểu diễn dân ca dân vũ… mà nhóm trình diễn đều xuất phát từ các sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng người Dao quần chẹt ở Cẩm Thủy.

Chị Mai cho biết, giờ đây, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc khôi phục tất cả các nghi lễ của người Dao, mở lớp dạy chữ nôm Dao cho thế hệ trẻ, hay cách thêu các chi tiết, hoa văn dân tộc của mình lên trang phục. Các nghệ nhân, già làng tại địa phương cũng nhiệt tình truyền dạy các bài hát, điệu múa dân tộc mình trong các nghi lễ. Bà con đã ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì bản sắc văn hóa bản làng mình nên đã rất ủng hộ và tham gia nhiệt tình để chuẩn bị cho đoàn đi tham dự ngày hội lần này. “Mong rằng lần liên hoan tới, chúng tôi được đi tham dự đông hơn nữa bởi ai cũng háo hức và mong muốn một lần đến với ngày hội”, chị Mai nói.

Trong nhóm Dao đỏ tỉnh Yên Bái, Nghệ nhân Ưu tú loại hình trình diễn dân gian Đặng Nho Vượng (xã Đại

Sơn, huyện Văn Yên) tham gia tới bốn tiết mục như lễ qua tang, bắt rùa, hát đám cưới, Tết nhảy. Ông có tài thổi sáo bằng mũi rất hay, có thể thổi cả được bằng một mũi rồi cả hai mũi cùng lúc, rồi vừa thổi vừa hát. Ông là một trong những nghệ nhân tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, lễ hội, cầu cúng…, là nhân tố quan trọng truyền dạy và giữ gìn bản sắc văn hóa người Dao đỏ ở Yên Bái. Ông đã tham mưu cho chính quyền địa phương mở lớp học dạy chữ nôm Dao cho thế hệ trẻ. Bản thân ông mỗi năm đều đi truyền dạy cho một đội văn nghệ tại địa phương các điệu múa như qua tang, cấp sắc, Tết nhảy, rồi cách thổi sáo, kèn. “Phải giữ được, phải có người thực hiện được các nghi lễ truyền thống. Mong địa phương mình tạo điều kiện hơn nữa giúp chúng tôi truyền dạy tốt hơn nữa cho con cháu để bản sắc văn hóa dân tộc Dao không bị mai một”, nghệ nhân tâm niệm.

Được biết, ban tổ chức đã tham vấn nhiều nhà nghiên cứu hiểu biết sâu về phong tục tập quán người Dao. Từ đó, xây dựng chương trình giúp các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng là đồng bào dân tộc Dao thể hiện chính xác, khoa học các hoạt động với nội dung, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Văn hóa dân tộc, Phó Trưởng Ban tổ chức đánh giá, các chương trình tham gia ngày hội được chọn lọc từ những nét đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào Dao trên cả nước. Qua đó, không chỉ nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của đồng bào, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.

 ?? ?? Trình diễn nghi lễ Tết nhảy.
Trình diễn nghi lễ Tết nhảy.
 ?? ?? Thiếu nữ Dao đỏ (Yên Bái) tại Ngày hội.
Thiếu nữ Dao đỏ (Yên Bái) tại Ngày hội.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam