Thoi Nay

Hồ núi mờ sương

- ■ Truyện ngắn của ĐINH THÀNH TRUNG

Hồ bên cạnh núi. Đúng ra, núi bao quanh hồ. Ở đây, quý khách có thể ngủ lại.

“Này, hướng dẫn viên ai lại nói như thế?”.

Giọng phía sau tôi mỉa mai ra trò, nhưng tôi biết anh không có ý gì. Cái hồ này xưa nay vẫn thế phải không? Giang ngập ngừng rồi nhích đầu, lắc qua lắc lại. Anh muốn dùng điệu bộ pha trò để làm tôi quên đi những gì đang phải trải qua.

Hồ đẫm sương giăng. Ở nơi núi không cao lắm, con mắt của người dân vẫn không thể nhìn thấy đỉnh. Giống như hy vọng của mình bây giờ đó hả anh?

Anh đưa tay xoa đầu tôi. Điệu bộ quen thuộc từng khiến tôi nghĩ ngợi. Người dân ở đây, tất cả chúng ta không còn cách nào khác phải kiên cường sống. Thế thôi. Như đám hoa kìa.

Tôi phì cười. “Anh là hướng dẫn viên du lịch mà lại dùng từ sai”. “Không, anh chỉ là một người dân bản địa như các du khách các em gọi mà thôi”.

Hồ vẫn lăn tăn gờn gợn như thế. Kể cả trong cuộc sống bình thường lẫn khi toàn thế giới đang chìm trong đại dịch. Đã ai bảo cái hồ này giống con chưa? Mẹ tôi hay hỏi những câu buồn cười. Ngô nghê lắm. Ngây thơ quá. Nhưng chính cái vẻ ngây ngô tự nhiên đó lại thu hút khách du lịch đến không ngờ. Và tôi, lại vẫn bị mẹ trêu là mối tình “bùng phát”. Tôi đỏ cả mặt khi mẹ kể lại chuyện xưa, từ một người nước ngoài đến chơi, lại vướng vào tình yêu với cô gái bản địa, là mẹ.

“Vậy mới gọi anh là du khách đấy”.

Hiện giờ, nhà nghỉ của chúng tôi chưa thể đón khách. Tôi đã tập biết bao ngày rồi. Đã đứng trước gương số lần không thể đếm được. Anh chỉ động viên và khích lệ. Anh biết, không nên để mặc và cũng không thể bao bọc tôi mãi. Được chưa? Mặc bộ truyền thống này mà thuyết minh cho du khách thì họ sẽ thích lắm đấy. Tôi quay một vòng như anh bảo. Má tôi ửng hồng. Chân díu lại với nhau suýt ngã. Y như phim, có điều tôi không diễn.

“Biết sao được, ai cũng nghỉ mà”. Câu an ủi của tôi xem ra không có nghĩa lý gì với anh, người không phải trong gia đình.

Những ngày tưởng như vỡ nát. Anh mỉm cười. Một nụ cười tưởng như có thể cướp đi trái tim ai đó. Không, đó chỉ là điệu cười của sự thất vọng nơi con người. Anh đi dạo với tôi. Con đường quanh hồ vẫn được quét dọn. Ít dần. Bây giờ một tuần chúng tôi mới lại ra đây. Nhìn đi. Hoa quanh hồ cũng chằng còn được như trước.

“Vẫn chưa phải mùa hoa mà?”.

Lại cười. Mẹ vẫn cười. Mẹ đúng là ngây thơ thật. Hồi đó mãi mẹ mới dạy được ba bập bẹ mấy câu tiếng Việt. Cứ thế. Một, hai, ba. Người lớn gì mà bập bẹ như đứa trẻ. Một người nước ngoài lại chịu ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, liệu ông ấy có thật lòng không? Với lại ông ấy cũng già rồi, biết đâu… Mẹ chặn ngay họng tôi lại. Bóng người to đùng lù lù ngoài cửa. Liệu ông có nghe thấy không? Mẹ chỉ lắc đầu thay cho câu trả lời. Chắc không, vì lão chưa biết nhiều tiếng Việt đâu. Cái bữa lão đi ra đường, lớ nga lớ ngớ. Nghe một đoạn nhạc, lão lầm rầm hát theo, vậy mà người ta cười rần rần cho đó.

Mẹ dừng lại. “Mẹ không nên nói đến ba con nữa”.

Tôi bỏ cây chổi đang quét dở rồi chầm chậm đi vào trong nhà. Đó là một ngôi nhà hai gian chúng tôi xây vội để làm nơi ở. Bên kia là khu nhà của khách. Ba đã bỏ công dựng lên. Đúng ra, không ai có thể làm việc đó nếu không có tiền, cần nhiều tiền là đằng khác. Ngay như việc thuê thiết kế cũng đã tốn chừng kha khá rồi. Du lịch là nơi ở phải đẹp. Ba ngập ngừng rồi nói từng từ bằng tiếng Việt. Xem ra ông ấy cũng bỏ công ra học không ít. Thảo nào đêm đêm cứ nghe thấy tiếng ai đó. Giọng ba sang sảng. Rồi ông có học một ít từ người ngoài bắc nên khi học giọng miền nam lại thấy vui vui.

Cuối cùng cũng có lúc ngồi nói chuyện với nhau cỡ này. Gì thì nói, ông là người tài năng. Ông lo tất cả từ thiết kế đến xây dựng mới ra hình hài khu du lịch này. Gọi chơi chơi thế thôi chứ thật ra khu đất này cũng chỉ có hai cái nhà nghỉ, tất cả đều do công ba. Tự nhiên ông đi mất.

Cái bàn thờ vẫn còn nằm trong gian. Bàn thờ mẹ sắp cho ba, thoáng cái đã cháy hết cây hương mẹ thắp. Mỗi lần mẹ thắp hương đều không nói gì nhiều, mẹ chỉ nói một hai câu, nào là tôi có lỗi với ông, tôi sẽ chăm sóc con bé. Thế thôi và chẳng có gì nữa. Rồi đến một năm sau khi ba mất, có một người tự xưng là họ hàng xa ở bên Tây đến chơi. Tôi ghét người nước ngoài đến rồi đi. Kiểu yêu của họ không thể nào giải thích được. Lúc thì tỏ ra rất chân thành, lúc lại thờ ơ và hờ hững.

“Gọi thằng Giang ra ăn đi con”.

Nhờ tên của anh ta, tôi cũng đã đặt cho anh một cái tên Việt Nam: Giang. Anh ta nhanh nhẹn, học có hơn một năm đã nói khá sõi bản ngữ. Đó là anh ta tự nhận như thế trong mấy cái clip vớ vẩn anh ta làm trên mạng. Tôi hét to thành tiếng trong bếp để Giang không nghe thấy. Giờ này có lẽ anh ta đang đi dựng lại mấy tấm biển bị gió lay.

“Em thật sự nghĩ anh như thế à?”.

Giang đã đứng đó từ lúc nào. Trận gió đêm qua không to như anh tưởng. Và coi như anh chưa nghe thấy gì. Giang không thay đổi sắc mặt. Chỉ đưa tôi một gói giấy to. Mở ra thì toàn là khoai lang.

“Đói thì ăn đi”.

Tự nhiên tôi thấy một cảm xúc khác lạ. Rõ ràng là anh giận, nhưng lại cố làm ra vẻ bình thường.

Mùa này, những người như chúng tôi không có thu nhập nên hầu như không biết làm gì. Được cái những homestay như nhà tôi có trồng trọt và cả chăn nuôi nữa nên vẫn miễn cưỡng duy trì được cuộc sống. Tạm bợ. Đến bao giờ? Câu hỏi dường như mới chỉ bắt đầu. “Đó là một cuộc sống mới, kể từ khi chú Đông đến với mảnh đất này”, mẹ nói với Giang.

Đông là tên ba. Mẹ đặt tên này cho ông ấy khi nhận ra ông cứ cố nán lại, không chịu về nước Anh quê hương của ông. Tôi nhớ lại có một lần ông kể cho tôi về sương mù. Con người không nhìn thấy mặt nhau dù đứng cách nhau rất gần. Chỉ nghe thấy tiếng. Trong các ga tàu điện, thỉnh thoảng con sẽ gặp một người nào đó đang cố bán đồ đạc của mình.

Họ là ai?

“Ta có thể gọi họ là những người đánh mất quá khứ”.

“Thì ra là vậy”.

Tôi trả lời bâng quơ, mong sao nhanh chóng kết thúc câu chuyện. vốn tiếng Việt của ba khi đó còn ít lắm, mà tôi cũng dốt tiếng Anh nữa nên chẳng bao giờ nói với nhau được một câu chuyện tử tế. “Làm du lịch, ít ra cũng phải biết một chút ngoại ngữ chứ?”. Giang cũng đã nói với tôi như thế. Chẳng cần, rồi cũng biết thôi. Tôi tự hỏi rồi tự trả lời, tỏ vẻ không quan tâm lắm. Đến một lúc nào đó, khi con người xích lại gần với nhau, dù không biết tiếng nói của nhau nhưng chỉ cần cử chỉ cũng có thể hiểu được rồi. Vậy ra đó là cách mà một người thích làm nhật ký mạng như anh lại mặc đi mặc lại mấy cái áo có logo du lịch. Em nhìn xem, chỉ vào nút này là ý nói tôi muốn đi tìm quán ăn, chỉ vào đây là tôi muốn đi tìm khách sạn. Nó là ngôn ngữ ký hiệu, rất đơn giản, làm cho mọi người trên thế giới này hiểu nhau đó.

Anh luôn khám phá ra những ý tưởng kỳ lạ, nhưng cũng rất hiệu quả. “Số mày gắn với trai Tây rồi, thôi yêu quách nó đi con ạ. Người ta vẫn bảo trai Tây ga lăng lắm, lấy nó mày cũng sướng, nó giỏi thế cơ mà. Tao nghe mấy bà nói trình độ như nó thừa sức làm trong công ty của nước ngoài, kiếm thu nhập rất cao. Thế mà nó cứ ở lại đây như thế, không phải muốn cưa mày hay sao?”, mẹ bảo tôi.

“Con cũng có phải ngốc đâu mà không hiểu điều đó. Con chỉ sợ…”.

“Không sao hết. Ba mày do kém may mắn thôi”.

Tự nhiên mẹ khóc. Làm tôi cũng khóc theo. Giang đứng đó không biết làm gì. Hình như anh chưa biết vì sao ba mất. Anh cũng chỉ được ba nhờ vả đến Việt Nam để giúp đỡ hai mẹ con. Rồi run rủi thế nào mà anh lại hứng thú với công việc làm du lịch ở vùng núi này. Ba mất vì chiều em. Em muốn ngắm sương giăng trên hồ, mặc cho trời sắp chuyển. Ai bảo ba cảm thấy nhớ nhà. Đã ở xa như thế mà còn đến đây làm gì? Em hỏi anh đến đây làm gì, cứ ở lại nước Anh của anh đi chẳng phải tốt hơn sao?

“Anh chỉ ở đây đến khi nào việc kinh doanh du lịch thuận lợi trở lại thôi”, tôi nói, giọng như hờn trách.

“Anh cũng không biết đến bao giờ nữa. Anh thấy cuộc sống ở đây cũng vui và cũng không muốn xa em”.

“Vậy mà nói trai người Anh tỏ tình lãng mạn lắm!”.

Mẹ đã ngừng khóc, nói ra câu trêu đùa xua đi không khí buồn thương.

 ?? Minh họa: NGUYỄN MINH ??
Minh họa: NGUYỄN MINH

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam