Thoi Nay

Men mạch sông tìm kỷ niệm

Nhắc đến rẻo cao Mù Cang Chải (Yên Bái), hẳn ai cũng ấn tượng với kỳ quan ruộng bậc thang lộng lẫy hai mùa lúa chín và nước đổ. Con sông Nậm Kim thì chỉ được nhắc nhớ khi mùa lũ về, bởi mùa cạn, nước sông trong vắt hiền hòa và thân thương quá đỗi.

- ■ Bài và ảnh: HOÀNG LONG

Đi theo mạch đá núi sông

Về hưu hơn chục năm, kỹ sư Vũ Trung Thành mới quay lại Mù Cang Chải. Chen chân trong phiên chợ rẻo cao nhộn nhịp, ông bỗng sững người thảng thốt, kêu thầm: “Mẩy Ly”?! Cô gái H’Mông bán hàng lưu niệm nhanh nhảu: “Mời ông mua thổ cẩm làm quà”. Nhưng thấy gương mặt ông khách có gì lạ lắm, cô hỏi: “Ông có điều gì thắc mắc a? Cháu từ bản Hán Tàu Dê xuống chợ”. Ông Thành giật mình lần nữa. “Cháu biết nhà bà Vàng Mẩy Ly chứ?”. Cô gái đáp: “Ôi dô! Bà ngoại cháu đấy”.

Ký ức của ông bỗng ngập tràn. Tốt nghiệp Trường đại học Mỏ đi làm, lần đầu lên Yên Bái công tác, chàng kỹ sư trẻ khoác ba-lô con cóc cẩn thận xếp hai bộ quần áo bảo hộ, khoan, kính lúp, compa ba chân, bản đồ, búa, phấn chấn lên đường. Các cựu kỹ sư trêu, nghề địa chất khô khan, buồn như chấu cắn, xem cậu hăm hở được bao lâu. “Đi thám hiểm sông suối, núi non, hang động kỳ thú, tìm di tích hóa thạch động thực vật cổ... thú vị mới đúng chứ”, Thành hồn nhiên đáp lời.

Kế hoạch khảo sát bắt đầu từ lưu vực sông Nậm Kim. Bình minh chưa lên, anh em trèo đèo lội suối, đi lấy mẫu đất đá, tối lặn mặt trời đem về đánh dấu, phân loại… Cứ thế mải miết tháng ngày.

Bắt nguồn từ đỉnh đèo Khau Phạ, sông Nậm Kim như con rồng xanh uốn khúc qua núi non, bản làng, chia đôi huyện lỵ Mù Cang Chải. Tả ngạn sông, mùa lúa chín, lúa vàng như đang bước từng bậc, vòng quanh ruộng, lên tận đỉnh núi. Mùa nước đổ, mây trắng từ trên trời nhịp bước theo ruộng bậc thang xuống chân núi. Bên hữu ngạn, vách đá xám ngắt ẩn hiện rừng nguyên sinh trên dãy Hoàng Liên Sơn cao ngất mù sương.

Sông Nậm Kim mùa nước cạn trong vắt hiền hòa, lô nhô những tảng đá xám sẫm, xen lẫn những viên cuội nhỏ, long lanh trong nắng. Dân bản chả cần dò cũng lội được qua sông, lên rẫy, xuống chợ. Đoàn địa chất cũng lội sông đào mẫu. Xa xa, những chiếc cọn nước kẽo kẹt cần mẫn guồng nước vào hệ thống ống bương tưới tắm lúa ngô đôi bờ.

Những tháng ngày tươi đẹp ấy chỉ hiện hình vào mùa nước cạn. Mùa lũ, sông bỗng ngoắt biến hình thành con rồng nước khổng lồ. Khi lũ quét từ trên núi hung hãn cuốn phăng cây cối, nhà cửa, gỗ tre, trâu bò lợn gà và cả người xấu số, con rồng nước ngoác miệng hứng trọn, nuốt chửng tất cả, phình to, điên cuồng, gầm thét, cuồn cuộn sóng, rồi há miệng nhả nước tận vùng hạ du. Dân các bản ven sông Hán Tàu Dê, Thào Chua Chải, Dề Thàng... bao đời đã chứng kiến lũ quét nhưng vẫn luôn kinh hãi con sông khi mùa lũ về.

Kỹ sư Thành cũng quay quắt kỷ niệm mùa lũ ở đây. Hôm ấy, cả nhóm ngược suối Hán Tàu Dê đi khảo sát mẫu trên triền núi tây Hoàng Liên. Gặp mạch đá cổ, mải đào mẫu tận tối. Bất ngờ lũ ập tới. Lũ miền núi thì quá đột ngột và khủng khiếp. Đêm đen như hũ nút, cả nhóm bị kẹt lại, phải chặt cây dựng tạm lều, đốt lửa sưởi.

Hai ngày thì lũ rút, đường về bị cắt nát tan, phải dò dẫm phát cây. Thành bị ngã, văng mất đôi dép nhựa Tiền Phong xuống sông (đôi dép ăn diện của thanh niên thập kỷ 70 thế kỷ trước). Đau một nhưng tiếc mười. Đã không còn dép diện, lấy gì đi rừng, mang giày thì không thể lội khe nước, đi chân đất thì đá, gai cào toạc chân. Các anh trong đoàn bèn góp tiền mua cho đôi dép mới, Thành mới nhẹ cả lòng.

Lúc đó chân bong gân vẫn đau, cứ ngây ngấy sốt mãi. Uống thuốc tây mệt choáng váng như đi trên dây, bảo bó bột thì xa trạm xá. May sao nguời ta mách trên bản Hán Tàu Dê có nhà bà lang chữa bong gân bằng lá rừng hay lắm. Khập khiễng nén đau tìm nhà, cứ tưởng ra đón là bà mế già, nhưng Thành sững người trước cô gái H’Mông má hồng, mắt nâu biếc, xúng xính váy hoa, khăn thêu.

- Cán bộ không đi núi a? - Tôi bị ngã, chân đau quá, đến nhờ mế bó thuốc.

Chẳng để ý đến gương mặt ngây ra của anh, cô nhanh nhẹn vào nhà, giúp mẹ chọn trong đống lá cây xanh tím ra bó lá hăng hắc, ra đầu hồi giã cụp cum. Bà mẹ nắn chỗ bong gân xong gọi: “Mẩy Ly, băng chân cho cán bộ”. Băng ngắn, cô lấy chiếc thắt lưng buộc thêm cho chặt. - Khi nào cán bộ khỏi cái chân đau thì trả em - cô cười phô hàm răng trắng điểm chiếc răng vàng.

Đồng bào ở thượng du sống chân chất thật thà và quý cán bộ địa chất lắm. Mẩy Ly cũng thế, cô mang thuốc cho anh và còn đem theo cành hoa “tớ dày” (mai anh đào) tím hồng, lán tạm tươi sáng hẳn. Thành thấy tim mình nở hoa. Cô cứ hồn nhiên như đứa trẻ, thay thuốc, tròn mắt nghe anh kể chuyện miền xuôi.

Chân khỏi, Thành lại đi khảo sát mà lòng lâng lâng như đi trên mây. Niềm vui chưa kịp thỏa thì đoàn được lệnh tiếp tục đến địa điểm mới. Đi đột xuất cho kịp chuyến xe sáng sớm, không tạm biệt được Mẩy Ly. Thành mang theo niềm vui và chiếc thắt lưng thổ cẩm. Con đường quốc lộ 32, men dọc sông qua các xã Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, đến Mồ Dề, xã Mường Kim thì sông đổi dòng, đổ vào bờ trái sông Nậm Mu ở Than Uyên. Cuộc đời kỹ sư địa chất nay đây mai đó. Cứ thế các anh đi theo mạch đá của sông suối, núi rừng.

Giấc mơ hoa đôi bờ

Chợ tan, Thào Mẩy Phan, cháu ngoại bà Vàng Mẩy Ly mời cựu kỹ sư về thăm nhà cũ. Con đường hẹp ngoằn ngoèo ngược bản đã được tráng bê-tông. Xen lẫn nhà gỗ cổ kính là những ngôi nhà lợp phibro xi-măng, đều dựa lưng vào vách núi, mái hiên treo bắp ngô vàng óng, vườn nhà ai cũng trồng vài cây hoa “tớ dày” tím hồng. Từ chợ ồn ào về bản làng vắng vẻ tĩnh mịch, ông Thành bâng khuâng mãi kỷ niệm xưa.

Mẩy Phan bảo, huyện phát động bản làng trồng hoa, làm du lịch. Cháu cũng muốn tu sửa nhà bà ngoại làm homestay. Nhà thưng ván còn tốt, mái gỗ pơ-mu phủ lớp rêu xanh sẫm thời gian, vẫn còn cối giã thuốc, bếp lửa, hẳn du khách sẽ dễ hình dung cuộc sống người H’Mông xưa.

Nước vẫn chảy qua cầu, nhưng không là dòng cũ. Nậm Kim, nơi một phần tuổi trẻ của ông, nơi rung động đầu đời vừa được nhen lên với cô gái H’Mông. Ký ức xa xăm dần hiện về, ông tự hỏi - có phải tình yêu không? Tiếng Mẩy Phan nghèn nghẹn ngắt dòng ký ức: “Bà ngoại “đi mãi” với sông rồi ông ơi! Bà cùng hai người trong bản bị lũ ống cuốn khi hái thuốc trên núi”.

Sợi thời gian vắt qua hai thế kỷ, kỹ sư Thành cũng kết thúc những chuyến công du núi rừng. Kỷ niệm xưa chìm trong quên lãng. Quá khứ đã lùi xa. Cuộc sống hưu trí, những cuộc chuyển nhà đã loại đi nhiều đồ vật cũ. Nhưng ông không nỡ bỏ đi chiếc thắt lưng và cứ đinh ninh rằng vào dịp nào đó, ông sẽ trao lại cho chủ nhân.

Mẩy Phan vẫn nghẹn ngào kể, bà ngoại ngày trẻ đẹp lắm, bà là thầy lang giỏi, bà mơ bản làng đôi bờ sông sẽ biến thành rừng hoa “tớ dày”… Ông bối rối, không biết nên làm gì với chiếc thắt lưng. Đột nhiên, ông nghĩ ra một cách, lén lấy gói nhỏ trong ba-lô, đặt nhẹ xuống sàn. Tối nay, Mẩy Phan sẽ thấy kỷ vật của bà. Ra khỏi cửa, ông đi như chạy.

Mù Cang Chải vẫn lộng lẫy hai mùa lúa chín và nước đổ, rực rỡ rừng hoa “tớ dày”, hoa ban. Con rồng nước Nậm Kim ngưng dòng làm thủy điện nên bớt hung dữ hơn vào mùa lũ. Guồng nước vẫn kẽo kẹt nhưng chỉ để làm cảnh. Ánh sáng điện đã thay thế đèn dầu tù mù. Kỹ sư Thành mang theo ký ức tươi đẹp của thời trai trẻ cùng nỗi xót xa, men dòng Nậm Kim, về xuôi.

 ?? Thôn bản bên dòng chảy. ??
Thôn bản bên dòng chảy.
 ?? ?? Lúa chín “nhuộm vàng” dòng sông.
Lúa chín “nhuộm vàng” dòng sông.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam