Thoi Nay

Giải bài toán lao động nơi biên giới

Nhiều người Bạch Đích không những đủ sống, mà còn khá giả nhờ những buổi chợ. Nhưng kể từ khi biên giới đóng cửa, mọi chuyện đã khác.

- ■ Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI NAY

ÔThiếu tá Lê Tiến Đạt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bạch Đích, mở một video quay chợ phiên ở mốc 358 (xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Giang) cách đây 2 năm. Thời điểm ấy, người đi chợ kéo dài dọc đường vào, xe cộ xếp hàng vài cây số. Người dân cả hai nước qua lại nhộn nhịp không thua kém bất kỳ một khu chợ thành thị nào.

Hết chợ, tăng hộ nghèo

ng Phạm Xuân Phương, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích nói, bình quân lương thực đầu người của xã đạt gần 600kg/năm. Nếu xét 19 tiêu chí nông thôn mới thì Bạch Đích đạt 14.

Trước năm 2020, chợ Mốc 358 là điểm thu hút người dân của cả vùng cao nguyên đá. Những ngày chợ, người trong vùng mang nông sản, thịt bò tới bán. Theo ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đích, nếu không có dịch thì Bạch Đích đã tập trung tiến lên thị trấn loại V rồi. Ông Vàng Thìn Sín, thôn Đông Sao, chủ một hàng phở bò ở chợ mốc kể sức mua phía Trung Quốc lớn, mỗi một buổi chợ ông cũng lãi hơn một triệu đồng. Mỗi tháng, ông Sín có thêm 4-5 triệu đồng là chuyện dễ dàng.

Thiếu tá Lê Tiến Đạt cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phía Trung Quốc tiến hành xây dựng các công trình trên biên giới như: xây dựng hệ thống hàng rào dây thép gai, gắn camera quan sát và các thiết bị cảm ứng cảm biến nhiệt, .... nhằm siết chặt quản lý, bảo vệ biên giới; phát hiện, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19”. Trên đoạn biên giới, đơn vị phụ trách phía Trung Quốc đã rào thông tuyến, việc giao thương, trao đổi hàng hóa qua lối mở mốc 358 bị tạm dừng. “Người dân trên địa bàn sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp không xuất khẩu sang Trung Quốc, công dân ở khu vực biên giới không đi lao động, làm thuê được. Từ đó, thu nhập của nhân dân giảm sút, đời sống nhân dân gặp những khó khăn nhất định”, Thiếu tá Đạt nhận định.

Ông Trần Văn Thắng nói phần thu nhập tăng thêm của người dân phụ thuộc nhiều vào chợ mốc, “Sau khi trở lại cuộc sống bình thường thì thu nhập giảm đáng kể”. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của bốn xã biên giới Đồn Biên phòng Bạch Đích quản lý là 834 hộ/4.319 khẩu chiếm 32,39%. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 1.374 hộ/7.598 khẩu, chiếm 46,6%, so cùng kỳ năm 2019 tăng 14,22%.

Năm 2018, xã Bạch Đích kêu gọi người dân chung tay làm 200m đường, bà con hưởng ứng ngay lập tức. Sáu hộ dân chỉ một tuần là có đường mới. Bây giờ, đường vào ba thôn giáp biên Lùng Ngấn, Cốc Choóng, Na Coóng đã vận động mấy năm qua, nhưng chi phí tầm một tỷ đồng cho một km đường bê-tông thì ai cũng ngần ngừ.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Giang Phạm Hữu Trí cũng kể thêm, một huyện không phải sát biên như Bắc Quang, cũng có trang trại trâu bò đã phải giải thể vì vài chục con bò không thể xuất khẩu.

Trong khi đó, tại Lai Châu, những gia đình từng khá giả nhờ thảo quả, nhờ bán nông sản qua biên giới, bây giờ cũng đều ngưng trệ. Ông Phàn Phủ Mìn, người dân tộc Dao đỏ, thôn Lao Chải (xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu), đã từng có những năm thu nhập tới vài trăm triệu đồng nhờ bán thảo quả. Năm nay ông nghe nói bên kia biên giới người ta thu mua thảo quả giá cao một bao, nhưng ông cũng chẳng có cách nào bán được. Thảo quả trong nước ít người mua, nếu có cũng bị ép giá rất rẻ, nên ông vẫn để mấy chục bao thảo quả mốc góc nhà.

Cũng thôn Lao Chải có bà Tẩn Tả Mẩy, trước kia, bà vẫn làm những món hàng thổ cẩm để bán qua các phiên chợ. Mỗi lần chợ giáp biên mở, vừa bán thổ cẩm, vừa bán rau dớn rừng, mỗi bữa bà cũng thu nhập 200-300 nghìn đồng. Thu nhập của bà có giai đoạn lên tới gần 20 triệu đồng/tháng. Nhưng bây giờ, bà vẫn làm hàng thổ cẩm, chỉ khác là không còn ai hỏi mua nữa.

Những người không thể để dịch chuyển

Nằm giữa thôn Tà Chải (Sì Lờ Lầu, Phong Thổ, Lai Châu), một thôn từng khá giả là nhà Nhù Seo Lở. Ông bà Lở có tổng cộng 12 người con, trừ bốn người lập gia đình đã ra ở riêng, còn tám đứa con bé. Năm 2021, khu ruộng nhà ông Lở bị lũ quét trôi mất một nửa diện tích, kết quả là lương thực chỉ còn 10 bao lúa, nuôi 11 miệng ăn, trong đó có một đứa cháu con của người con cả. Con cả của ông hiện vẫn đang mắc kẹt ở Trung Quốc từ trước Covid. Anh đi làm thuê, rồi dịch nên không kịp về. Con trai anh, Nhù Chư Cà, năm nay học lớp 3, cứ thơ thẩn ra vào. Mẹ của cháu Cà cũng đã mất được mấy năm. Mọi gánh nặng nuôi con trẻ đổ lên hai vợ chồng ngoài 50. Ông Lở cũng chẳng thể học đám thanh niên trai tráng, về xuôi làm việc, khi mà ông còn chẳng thông thạo tiếng Việt. Những khu công nghiệp cũng không có việc cho người ở độ tuổi này. Gạo không đủ ăn, chợ không đi được, ông Lở cũng loay hoay với bài toán “đủ sống”.

Ông Tẩn Tấn Khoán (thôn Xả Ván, xã Phú Lũng, Yên Minh, Hà Giang), cũng nói đã quá già để được làm ở một công ty tốt. Khi biên giới chưa đóng, cơ hội việc làm với ông dễ dàng hơn. Phú Lũng là xã “giàu nhất” Yên Minh, xã biên giới đầu tiên của tỉnh hoàn thành tiêu chí nhà ở nông thôn mới. Giữa một không gian toàn nhà kiên cố, căn nhà của ông Khoán trông xập xệ nhất. Ông lý giải là vì mình mới đi làm thuê ở Trung Quốc hai năm, tiền mới chỉ kiếm được như thế: “Muốn xây nhà to như nhà kia (ông Khoán chỉ căn nhà đối diện), phải làm thêm hai năm nữa”. Nhưng việc biên giới đóng cửa khiến căn nhà của ông biến thành một giấc mơ. Ngoài 10 bao ngô mỗi năm, hiện ông chỉ có thể kiếm thêm thu nhập bằng vài con gà, con lợn. Nhưng ông cũng bảo năm nay chắc ông không nuôi lợn nữa, vì nuôi mà chẳng ai mua.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Giang Phạm Hữu Trí cũng thừa nhận, lực lượng lao động trung niên và những người không biết tiếng phổ thông đang gặp trở ngại lớn trong cuộc dịch chuyển lao động này: “Chỉ lượng lao động trẻ họ thay đổi kịp, còn lao động tầm hơn 35 tuổi gặp khó khăn khá lớn. Họ không muốn đi quá xa nhưng ở nhà lại không đủ việc cho họ làm”. “Đi làm ở Trung Quốc mặt tích cực thì nó cũng tạo được việc làm, thu nhập cho đối tượng hơn 35 tuổi đấy. Nhưng đi trái phép thì mặt tiêu cực là quyền lợi người lao động khó được bảo vệ. Ngoài ra còn về mặt an ninh quốc phòng nữa”, ông Trí bổ sung.

“Đa phần người ở đây không sang được Trung Quốc thì ở nhà thôi, vì họ không nói được tiếng Kinh”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sì Lờ Lầu Ly Dó Duy cho hay. Đó là nguyên nhân mà lượng lao động đi về xuôi ở Sì Lờ Lầu không nhiều. Đây cũng là lý do tương tự ở Sủng Trái (Yên Minh, Hà Giang). Chủ tịch UBND xã Ly Mí Pó nói có khoảng 40-50% trong độ tuổi lao động hiện chỉ ở nhà vì không biết tiếng Kinh. Sủng Trái còn không có đủ ruộng, nên hết mùa ngô, họ chỉ biết chờ gạo cứu trợ.

Năm 2014, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu khảo sát về thực trạng lao động tự do sang Trung Quốc làm thuê tại 101 xã ở bảy huyện biên giới cho thấy, có gần 80% số lao động có thu nhập tốt hơn, có đủ tiền xây nhà ở kiên cố, đầu tư mua con giống, cây trồng…

Khi biên giới đóng lại, đa phần đời sống bà con trở lại về trạng thái cũ do thiếu tích lũy. Chính xác hơn, họ chưa kịp tích lũy.

(Còn nữa)

 ?? ?? Chợ mốc 358 trước đây là điểm thu hút người dân của cả vùng cao nguyên đá.
Chợ mốc 358 trước đây là điểm thu hút người dân của cả vùng cao nguyên đá.
 ?? ?? Căn nhà xập xệ của ông Nhù Seo Lở (Sì Lờ Lầu, Phong Thổ, Lai Châu).
Căn nhà xập xệ của ông Nhù Seo Lở (Sì Lờ Lầu, Phong Thổ, Lai Châu).

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam