Thoi Nay

Đổi mới để vươn tầm nhiếp ảnh

- ■ MINH TRANG

Nhiếp ảnh Việt có sự vươn lên bằng số lượng lẫn chất lượng tác giả, tác phẩm, qua các cuộc thi trong nước và quốc tế. Nhưng đang có những thách thức đòi hỏi các nhiếp ảnh gia trong thời hiện đại nâng cao tính nghệ thuật, kỹ thuật để cho ra đời những bộ ảnh rung động lòng người cũng như lan tỏa đến bạn bè quốc tế.

Nhiều tín hiệu vui nhưng cần tỉnh táo

Thời gian qua, nhiếp ảnh Việt Nam khởi sắc, nhận nhiều tin vui khi bộ ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam từ trên cao” của tác giả Cao Kỳ Nhân đoạt Giải khuyến khích thể loại Ảnh bộ của cuộc thi quốc tế Drone Photo Awards công bố năm 2022. Cao Kỳ Nhân cũng là người Việt duy nhất đoạt giải ở hạng mục này. Mới đây tác giả còn có hai tấm ảnh lọt vào top 50 của hai hạng mục Open của cuộc thi The Epson Internatio­nal Pano Awards 2022 - “Ripe rice valley” và đạt được Huy chương vàng, “City in the fog” top và đạt được Huy chương bạc.

Trong sáu năm gần đây, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông giành hơn 40 giải thưởng trong nước và quốc tế, gây ấn tượng với ảnh đời sống, chân dung vùng cao. Bên cạnh đó, nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan với những hình ảnh Việt Nam đã giành được các giải thưởng tầm cỡ như “Children dancing with gongs” - bức ảnh đẹp nhất thế giới tại giải Golden Hour 2020; “Incensing work” - top 50 bức ảnh đẹp nhất thế giới Agora Awards 2019... Đây là những nỗ lực lớn của các nhiếp ảnh gia trong hành trình nắm bắt những khoảnh khắc đẹp của quê hương, đất nước để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.

Giảng viên Nguyễn Long Hưng, Khoa nhiếp ảnh Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội cho rằng, nhiếp ảnh Việt đạt được nhiều giải thưởng quốc tế là điều đáng mừng, thể hiện tư duy thẩm mỹ, trình độ kỹ thuật của nhiếp ảnh gia Việt Nam đang nâng lên, góp phần quảng bá cho hình ảnh và du lịch đất nước. Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì chưa đủ. Không ít nhiếp ảnh gia hiện nay hay chọn các đề tài khá dễ thực hiện như chụp ảnh phong cảnh, chụp ảnh đời thường có sự chuẩn bị trước. Nhiều tác phẩm mặc dù rất đẹp nhưng không mới, các thế hệ nghệ sĩ đi trước đã thể hiện rồi.

Thay đổi là cần thiết

Có một xu hướng đáng chú ý, nhiều nhiếp ảnh gia trẻ lại không chọn những khung hình hùng vĩ, sang trọng mà chú trọng khắc họa những hình ảnh thiên nhiên, khung cảnh sinh hoạt đời thường của đồng bào các vùng miền dân tộc Việt Nam, cùng các làng nghề, những người dân lao động. Qua những góc ảnh độc đáo của các nhiếp ảnh gia, đất Việt hiện lên đầy sức sống. Bên cạnh đó, nhiếp ảnh còn truyền tải những thông điệp tạo ra ảnh hưởng tích cực cho xã hội, góp phần quảng bá và bảo tồn các di sản quý báu của dân tộc.

Trong những năm gần đây, nhiếp ảnh phát triển rất mạnh về mảng công nghệ. Việc sử dụng các kỹ thuật như chạy sáng, cắt ghép đòi hỏi các nghệ sĩ nhiếp ảnh phải thực hiện cẩn trọng, cầu kỳ thì nay lại làm khá dễ dàng bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh. Đặc biệt, công nghệ chụp ảnh hàng không bằng Flycam (drone) hiện nay đang được ứng dụng rất rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Các cuộc thi quốc tế được tổ chức dành riêng cho việc chụp ảnh bằng Flycam cũng ngày càng được phổ biến và quan tâm. Điều này chứng tỏ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật ngày càng khắt khe và buộc nhiếp ảnh gia Việt Nam phải luôn đổi mới, đầu tư hơn nữa kỹ thuật xử lý hình ảnh cũng như tìm ra được góc tiếp cận mới, đề tài hấp dẫn. Nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân nhận xét, trong những năm gần đây, nhiếp ảnh phát triển rất mạnh về mảng công nghệ. Điều này buộc lòng nhiếp ảnh gia Việt phải luôn đầu tư và học hỏi để theo kịp. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có những kiến thức riêng. Mình tự bó buộc mình thì chính mình đang kìm hãm sự phát triển của bản thân. Tư duy mới sẽ tạo nên giá trị mới.

Để làm được điều này, ngoài tình yêu nghề và tài năng của người cầm máy rất cần vai trò “bà đỡ” của tổ chức Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của các ban, ngành liên quan. Như nhận định của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông thì nhiều nhiếp ảnh gia ở những nước tiên tiến có nền tảng tốt, được hậu thuẫn từ các hãng thông tấn, tờ báo, tạp chí, hoặc nhận được các nguồn tài trợ để theo đuổi những dự án ảnh tầm cỡ (chiến tranh, di cư, buôn người, biến đổi khí hậu…). Họ xác định rất rõ những mục tiêu đề tài và dành đến hàng chục năm để theo đuổi, nhiều dự án ảnh mà họ công bố luôn khiến thế giới phải thán phục và ca ngợi. Thế nhưng, như Nguyễn Hữu Thông so sánh thì các nhiếp ảnh gia Việt rất khó hoặc hầu như không có được điều kiện như vậy. Ngoài ra, bản quyền hình ảnh cũng chưa được coi trọng, giá trị tác phẩm ở Việt Nam chưa cao… Chung quy lại thì chúng ta thiếu một quy hoạch dài hạn và tầm cỡ cho nền nhiếp ảnh nước nhà. Cũng như vậy, nền tảng lý luận và triết lý nhiếp ảnh nên đi trước để định hướng, thay vì lý luận và phê bình chủ yếu đi sau.

 ?? ?? “Bữa ăn sáng ở chợ phiên” của tác giả Nguyễn Hữu Thông đoạt Giải đặc biệt tại cuộc thi thường niên của Tạp chí Mỹ Smithsonia­n năm 2018.
“Bữa ăn sáng ở chợ phiên” của tác giả Nguyễn Hữu Thông đoạt Giải đặc biệt tại cuộc thi thường niên của Tạp chí Mỹ Smithsonia­n năm 2018.
 ?? ?? Bộ ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam từ trên cao” của nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân đoạt Giải khuyến khích của cuộc thi Drone Photo Awards vừa công bố kết quả năm 2022.
Bộ ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam từ trên cao” của nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân đoạt Giải khuyến khích của cuộc thi Drone Photo Awards vừa công bố kết quả năm 2022.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam