Thoi Nay

Khắc khoải mong tíu tít, sum vầy

- ■ DUYÊN DUYỀN

Đang trong những ngày cuối thu, nhiều cụ già trong các làng quê, thị trấn đã khấp khởi chờ đoàn tụ con cháu trong những ngày xuân về, Tết đến. Tuy nhiên điều mừng vui chưa đến thì đã có tiếng thở dài đâu đó vì cảnh con cái không mấy mặn mà sinh thêm đứa thứ hai, thứ... ba cho ông bà vui.

Chỉ cần cháu khỏe, cháu ngoan

Cụ ông Lê Đình Thứ, 82 tuổi, ở khu phố Bắc Giang, thị trấn Chuối (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) có bảy đứa con, bốn trai, ba gái, có 12 đứa cháu nội ngoại. Cụ Thứ bấm đốt ngón tay tính đếm, nếu quy định của Nhà nước là mỗi gia đình chỉ được sinh hai con thì lý ra ông bà phải có 14 đứa cháu. Nhưng rồi, có hai người con chỉ sinh có một nên ông bà đã thiếu hụt so quy định, không vui.

Nhiều cụ già ở làng quê cho biết, trong những năm gần đây các phương tiện thông tin ít nói đến chuyện sinh đẻ có kế hoạch, chỉ được đẻ hai con. Nhiều tấm biển, pa-nô, thậm chí là bức tường trường học hoặc tường nhà dân... trước kia luôn tuyên truyền rằng “gái hay trai sinh hai là đủ”. Nay, việc đó không còn trong đời sống nông thôn, khiến cho nhiều cụ già mong cháu con cưới xong là “bầu bí” để ông bà được nghe trẻ khóc. Lại tằn tiện nuôi con gà, quả trứng mang sang cho con, cho cháu bồi dưỡng và được ẵm bé thơ, dù chỉ ẵm một chút thôi nhưng cũng ấm hơi tay, thơm hơi sữa.

Cũng tâm lý thương con, cũng tuổi cụ Thứ, mong có nhiều cháu, gia đình sum vầy, dẫu một miếng có phải chia nhiều phần thì lòng vẫn thấy vui, ông bà Hoàng Văn Nhựng-Phạm Thị Có ở thôn Hà My Đông (Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết: “Trước kia chiến tranh, mất mùa, hỗ trợ của nhà nước và các cấp chính quyền không có. Nhưng rồi nhà mô cũng đông con, lo đứa ni sơ sảy còn có đứa khác. Nay, cuộc sống không khó, mà nói chuyện sinh thêm cho ông bà vui thì hết con rồi cháu đều kêu không có tiền”.

Sau những ngày bão lũ vừa qua, gặp ông Nhựng, bà Có đi lặt củi dạt vào bờ biển về phơi khô, chậm bếp, ấm nhà mùa đông. Ông Nhựng nói: “Các anh chị vợ chồng trẻ nhà tui cứ mơ ước con khỏe, đẹp, giỏi, ngoan, nhiều tài lẻ hát hay, nhảy đẹp. Ở bên cạnh nhà tui có một cháu bé không được khỏe nên thấy họ cơ cực đủ bề. Ông bà nhà tôi thì nghĩ vầy, cứ khỏe và lớn lên ngoan là đủ lắm rồi”.

Áp lực gia đình trẻ

Ởnhiều vùng nông thôn cũng như trong nhiều thị trấn, nếu ngồi lân la trò chuyện với các cụ già, tâm lý chung của các cụ vẫn thích đông con, nhiều cháu với một sự so sánh rất đỗi thân thương, ngày xưa nhà nhỏ, bữa ăn chỉ cá còi khoai cọc mà con cái vẫn cứ lớn lên, vẫn khỏe mạnh. Theo các cụ, nhà đông con, con ngoan, nhà ít con theo cái cách nuông chiều rồi đua đòi ăn chơi. Với ý nghĩ của các cụ, không cần xáng láng quần áo, không cần danh hiệu học hành mà đầu tiên là khỏe mạnh, sau đó là ngoan, còn làm việc gì mà chả kiếm được đủ sống!

Hiện nay nước ta vẫn đang có tỷ lệ dân số trẻ nhất trong lịch sử, “cửa sổ dân số” vẫn còn mở nhưng áp lực nào khiến cho nhiều gia đình trẻ ngại sinh con? Bà Nguyễn Thị Nguyện, 67 tuổi, ngụ tại thị trấn Tam Phước, Long Thành (Đồng Nai), là giáo viên về hưu, cho biết: “Tôi có hai con trai và hiện tại có hai cháu nội, một cháu đã 12 tuổi, một cháu bốn tuổi. Nhưng nói các con sinh thêm cháu để ông bà vui thì tụi nó đều lắc đầu”.

Đúng là áp lực nuôi con cho bằng người ta, áp lực về các khoản đóng góp trong trường học, áp lực đưa đón con đang “đè” lên nhiều gia đình trẻ... Để tránh việc bận bịu đưa đón đi học, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã chọn cách sinh con gần nhau hơn, tránh tình trạng đứa lớn học cuối cấp hai, đứa nhỏ vào mẫu giáo, cảm giác trong nhà lúc nào cũng có trẻ con là điều hơi mệt.

“Nếu như các gia đình trẻ khác từ tỉnh, thành phố khác về đây làm việc, thuê nhà, lo con đi học nhiều áp lực, riêng gia đình tôi thì khác. Nhà rộng, thậm chí còn có nhà cho thuê nhưng bàn đến chuyện có thêm cháu trong nhà là hai anh con trai chỉ cười, hai cô con dâu thì kêu không có tiền. Tôi nghe mà chán ngắt”, bà Nguyện cho biết. Ước muốn một gia đình đông vui, sum vầy, đang trở lại với nhiều người cao tuổi cũng là một kỳ vọng quốc gia về cơ cấu dân số không già hóa quá nhanh.

“Ảnh hưởng của già hóa dân số đến phát triển kinh tế”, là vấn đề hết sức đáng lo ngại theo đánh giá trong hội thảo do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức tháng 9/2022. Năm 2019, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở nước ta là 11,9% và theo đó, tốc độ già hóa sẽ tăng nhanh dần, dự báo năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già.

 ?? Vui cùng con, cháu.
Ảnh: SONG ANH ??
Vui cùng con, cháu. Ảnh: SONG ANH

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam