Thoi Nay

Gom rác giữ sạch biển

- ■ Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Xuất phát từ thực trạng báo động về ô nhiễm môi trường biển hiện nay, một số cơ quan, đơn vị tại Quảng Bình đã phát động phong trào “Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ” để đưa vào bờ xử lý. Từ đó, các đội tàu cá ở tỉnh Quảng Bình khi trở về cập bến không chỉ đầy khoang cá, mực mà còn mang theo rác.

Từ thói quen xả rác xuống biển…

Quảng Bình hiện có gần 7.800 tàu cá, trong đó hơn 1.500 tàu khai thác xa bờ. Trong mỗi chuyến biển, ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết để đi dài ngày trên biển với nhiều đồ dùng, túi đựng bằng nylon, nhựa và các vật liệu khó phân hủy khác. Vì vậy, lượng rác thải trên các tàu rất nhiều và theo thói quen, ngư dân thường xả trực tiếp xuống biển. Đây là một nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường biển, hủy hoại hệ sinh thái thủy sinh.

Ngư dân Nguyễn Trung ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cho biết, trên tàu có 7-10 người, mỗi chuyến biển thường phải mang theo khoảng năm thùng mì ăn liền, hai thùng nước ngọt, hai thùng nước tăng lực hoặc nước yến, một thùng bánh kẹo khoảng 10 gói, một thùng sữa, muối, mì chính và nhiều vật dụng đựng, bao gói bằng nylon. Lượng rác thải ra 4-6kg. Mỗi năm, ngư dân đi khoảng 17, 18 chuyến đi biển thì lượng rác thải xuống biển của một tàu cá lên tới cả tạ.

Hiện, chưa có cơ quan, tổ chức nào thống kê hoặc biết được lượng rác thải của tàu cá trong cả nước xả xuống biển bao nhiêu, nhưng nếu riêng đội tàu xa bờ hơn 1.500 chiếc của tỉnh Quảng Bình thì số rác thải trên trong cả năm có thể lên cả trăm tấn. Năm này qua chuyến khác, số rác thải xả xuống mặt biển sẽ dày thêm, nặng lên và mức độ ô nhiễm tăng theo. Rồi rác trên đội tàu vùng lộng và nghề cá ven bờ của Quảng Bình nữa thì con số sẽ rất lớn.

Gom rác về, thêm sạch biển

Xã Cảnh Dương được chọn làm điểm thực hiện mô hình “Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ”. Chi cục Thủy sản Quảng Bình và Hội Nông dân xã phối hợp tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia. Những ngư dân tổ trưởng các tổ đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất trên biển được chọn làm nòng cốt để triển khai thực hiện. Ngư dân được hướng dẫn làm túi thu gom, đựng rác thải với vật liệu tận dụng lưới đánh cá hỏng.

Ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, khi chưa phát động, ngư dân làm theo thói quen là vứt rác xuống biển nhưng khi được tuyên truyền, anh em bắt đầu tự giác thực hiện. Thay bằng ném thẳng rác xuống biển thì nay họ gom lại rồi cho vào túi rác buộc sau đuôi tàu để mang về bờ.

Tại cửa lạch Roòn xã Cảnh Dương, các tàu cá xa bờ cập bến, ngoài khoang thuyền đầy hải sản thì sau đuôi tàu còn có những chiếc túi đựng đầy rác sinh hoạt sau những ngày lênh đênh trên biển. Ngư dân Nguyễn Văn Ba nói: “Thường thì rác trên tàu đều là túi nylon, vỏ chai các loại, sử dụng xong, anh em gom lại một chỗ, rồi cuối ngày cho vào túi đựng rác sau tàu. Thỉnh thoảng, khi không bận tay, anh em thấy rác trôi nổi trên biển cũng vớt lên cho vào túi đựng rác tàu mình. Anh em nhắc nhở cùng nhau làm việc nhỏ đó để bảo vệ môi trường biển được sạch”.

Ở xã biển Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Hội Phụ nữ xã phối hợp Trung tâm nghiên cứu phát triển kinh tế và môi trường bền vững thực hiện mô hình tương tự. Đồng thời, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho người dân xã Bảo Ninh tái sử dụng lưới hỏng, rách đan thành các túi đựng thực phẩm cho người đi chợ, túi đựng rác cho các tàu thuyền ra khơi nhằm giảm rác thải nhựa. Hội đã vận động 100 chủ tàu, thuyền ký cam kết mang rác thải nhựa và lưới hỏng về bờ cho chị em thu gom để tái chế, bán phế liệu đóng góp xây dựng quỹ tình thương; gắn bảng nội quy thu gom rác thải nhựa trên các tàu thuyền; thành lập tổ hợp tác đan vá lưới, hướng dẫn kỹ thuật đan túi lưới từ các loại lưới hỏng cho hội viên phụ nữ để tái sử dụng. Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Nguyễn Quang Vũ nhận xét, từ khi triển khai mô hình, ngư dân trong xã đã tự nguyện đưa rác về bờ. Theo bà Trần Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, bước đầu mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân, hạn chế việc xả rác thải trực tiếp ra biển.

Tin vui là từ mô hình điểm ở xã Cảnh Dương, đến nay cách làm này đã được nhân rộng ra các địa phương khác ở tỉnh Quảng Bình với hơn 500 tàu cá tham gia.

Đặc biệt, số lon, chai nhựa thu gom sau các chuyến tàu đi biển về được các chi hội phụ nữ ở xã Bảo Ninh bán thu được hàng chục triệu đồng gây quỹ hỗ trợ trẻ em và phụ nữ nghèo ở xã.

 ?? ?? Túi đựng rác được ngư dân Cảnh Dương gắn sau đuôi tàu.
Túi đựng rác được ngư dân Cảnh Dương gắn sau đuôi tàu.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam