Thoi Nay

Giữ nguyên quy chế tuyển sinh

- ■ Bài và ảnh: BÍCH LIÊN

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế tuyển sinh năm 2023 sẽ không thay đổi, các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022. Các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng quy chế tuyển sinh cụ thể hóa quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công khai trên trang điện tử của mình.

Áp dụng điều chỉnh mức điểm ưu tiên

PGS , TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Tuyển sinh năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Theo điều 26, thông tư 08, từ năm 2023, các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công khai trên trang điện tử của cơ sở đào tạo. Tổ chức tuyển sinh theo đề án và quy chế tuyển sinh đã ban hành; tuân thủ các quy định của quy chế và các quy định của pháp luật hiện hành. Quy chế tuyển sinh ban hành năm 2022 quy định từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực hai lần, trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học. Việc tính mức điểm ưu tiên sẽ được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau”.

Hiện tại, Trường đại học Kinh tế quốc dân là đơn vị đầu tiên trên cả nước ban hành và công bố quy chế tuyển sinh đại học riêng của trường áp dụng từ ngày 1/1/2023.

Quy chế tuyển sinh đại học áp dụng từ năm 2023 của Trường đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố là sự tích hợp giữa các quy định chung trong quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022 và những yêu cầu đặc thù của trường (không áp dụng với các chương trình liên kết do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng). Theo đó, quy chế tuyển sinh của trường kế thừa toàn bộ quy định về đối tượng tuyển sinh, điểm cộng ưu tiên, quy định tuyển thẳng, phương thức xét tuyển... từ quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022. Quy chế này cũng quy định rõ chính sách ưu tiên trong tuyển sinh: “Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp”.

Về phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 và từ năm 2025, PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trong thời gian tới nhà trường sẽ giữ chỉ tiêu tuyển sinh ổn định ở mức như hiện nay với phương thức xét tuyển chủ yếu sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp, tinh giản theo hướng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hoặc của các trung tâm khảo thí độc lập (nếu có) kết hợp chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS…).

Thi đánh giá năng lực có nhiều điểm mới

Đến thời điểm này, các trường đại học đã có phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh năm 2023. Theo đại diện các trường, cách thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cơ bản giữ ổn định như năm trước, nhưng vẫn có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), trong năm 2023 và những năm tiếp theo, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Mỗi năm, kỳ thi được tổ chức định kỳ hai lần vào tháng 3 và tháng 5. Các địa điểm tổ chức thi được bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự.

Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá, xây dựng tiếp tục được triển khai để phát triển ngân hàng câu hỏi cả về lượng và chất. ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành đối sánh, công nhận kết quả thi đánh giá năng lực lẫn nhau để giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Đồng thời sẽ xem xét, cải tiến cấu trúc ma trận đề thi và chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực phù hợp với nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẵn sàng cho kỳ thi đánh giá năng lực theo phương thức mới vào năm 2025.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ chuẩn hóa hơn trong năm tới. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi được giữ ổn định. Thí sinh sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh gồm: Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 điểm); suy luận logic và xử lý số liệu (30 điểm); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 điểm). “Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Đề thi chính thức sẽ hoàn toàn tương đồng với đề thi mẫu về cấu trúc. Theo lộ trình của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, dự kiến chỉ tiêu xét tuyển đại học theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tăng trong những năm tới. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào kế hoạch tự chủ của trường/khoa thành viên và đặc biệt là quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, TS Chính cho biết.

Một trong những kỳ thi tuyển sinh riêng lớn nhất hiện nay là kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ năm 2018 đến nay.

Năm 2022, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hai đợt thi đã thu hút gần 120.000 lượt thí sinh tham gia; hơn 80 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả này để xét tuyển. Trong đó, các trường và đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dành từ 20-70% chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức này. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tăng dần chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực từ năm 2023. Về địa điểm, kỳ thi sẽ tổ chức tại 17 tỉnh, thành phố và dự kiến sẽ mở thêm điểm thi ở tỉnh Lâm Đồng và một số điểm thi ở khu vực ĐBSCL nhằm thuận tiện cho việc đi lại của thí sinh. Mặt khác, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội đang có kế hoạch sẽ công nhận kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực lẫn nhau để thuận lợi cho thí sinh không phải tham gia nhiều kỳ thi.

Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với 10 đợt thi, thu hút hơn 60.000 lượt thí sinh dự thi. Kỳ thi này có trên 60 trường đại học, học viện đã sử dụng kết quả để xét tuyển, chỉ tiêu mỗi trường 10%-20%. Sang năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 12 đợt thi (tăng 2 đợt), thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2023; quy mô khoảng 100.000 lượt thí sinh dự thi tại tám tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên. Thí sinh đăng ký dự thi từ tháng 2/2023, mỗi thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất hai lượt/năm; thời gian đăng ký giữa hai đợt cách nhau bốn đến sáu tuần.

Các trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng cũng dự kiến tăng quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh. Năm 2022, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (thu hút 2.000 thí sinh dự thi) kết hợp với kết quả học tập THPT để xét tuyển 20% tổng chỉ tiêu. Sang năm 2023, trường sẽ mở rộng quy mô tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và nâng chỉ tiêu xét tuyển lên 30%. Đồng thời, nhà trường sẽ có lộ trình thay thế hoàn toàn cho phương thức xét học bạ THPT… Tương tự, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến sẽ tăng số đợt thi kỳ thi đánh giá tư duy so với năm 2022 (tổ chức tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Tuyên Quang, Đà Nẵng).

PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho biết, kỳ thi đánh giá tư duy hướng tới lựa chọn thí sinh có năng lực học tập tốt nên các câu hỏi trong đề thi có tính phân loại cao với phổ điểm rộng. Bên cạnh đội ngũ ra đề thi giàu kinh nghiệm và giỏi nghiệp vụ, quy trình tổ chức nghiêm ngặt, trường sử dụng đơn vị độc lập với chuyên môn đo lường giáo dục để đánh giá, hiệu chỉnh đề thi bám sát chương trình THPT.

 ?? ?? Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022.
Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam