Thoi Nay

Tăng trưởng sản xuất giảm do đơn hàng suy yếu

- ■ TIỆP NGUYỄN

Các dữ liệu về chỉ số quản trị mua hàng đã cho thấy những dấu hiệu đầu tiên về tác động của sự suy yếu kinh tế toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất của Việt Nam, với các đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều chỉ tăng ở mức thấp nhất trong 13 tháng.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây đã xếp hạng nhà phát hành nợ ngoại tệ dài hạn (IDR) của Việt Nam ở mức BB với triển vọng tích cực, với dự kiến tăng trưởng 7,4% trong năm nay, dẫn đầu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ và một phần từ các hiệu ứng cơ bản; đồng thời dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm xuống 6,2% vào năm 2023.

Xếp hạng trên được hình thành bởi các yếu tố là triển vọng tăng trưởng mạnh, tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, dự trữ ngoại hối giảm, khả năng dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài, áp lực lạm phát tăng, rủi ro nợ tiềm tàng và các chỉ số cơ cấu yếu hơn. Xếp hạng phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn mạnh mẽ, nợ chính phủ thấp hơn so với các nước ngang hàng và hồ sơ nợ nước ngoài tốt.

Tuy nhiên, rủi ro suy giảm vẫn còn, liên quan đến tác động kinh tế của cuộc xung đột Nga - Ukraine và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Dù điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vào đầu quý IV/2022, nhưng đã có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh tăng trưởng của các đơn hàng mới yếu hơn. Theo báo cáo từ bộ phận thông tin thị trường của S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 50,6 vào tháng 10/2022 từ mức 52,5 của tháng 9. Những hoạt động kinh doanh mới tăng ở mức độ thấp nhất trong hơn một năm, khiến sản lượng sản xuất, việc làm và hoạt động mua hàng tăng nhẹ hơn.

Nhưng áp lực chi phí vẫn chưa tăng cao, các doanh nghiệp mới chỉ tăng nhẹ giá bán. Mặc dù PMI vẫn duy trì trên mốc 50,0 và điều đó báo hiệu sự tăng cường tổng thể của các điều kiện hoạt động kinh doanh trong tháng, nhưng đây là kết quả thấp nhất trong chuỗi tăng trưởng 13 tháng qua.

Trung tâm của sự giảm tốc tăng trưởng chung trong tháng 10 là sự suy giảm của các đơn đặt hàng mới. Tổng số hoạt động kinh doanh mới chỉ tăng nhẹ và ở mức độ thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Khi các đơn đặt hàng mới tăng có nghĩa là nhu cầu đang mạnh hơn, giá cả cạnh tranh hơn và doanh nghiệp tìm được khách hàng mới. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang giảm dần, bao gồm cả xuất khẩu cũng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn.

Các nhà sản xuất tiếp tục mở rộng sản xuất vào đầu quý IV/2022, quý cuối cùng của năm để đáp ứng các đơn đặt hàng mới. Sản lượng hàng hóa đang tăng ở các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, hàng trung gian và hàng đầu tư.

Sản lượng tăng nhẹ hơn và các đơn đặt hàng mới phản ánh sự tăng trưởng yếu hơn của hoạt động mua hàng và tuyển dụng vào tháng 10/2022. Hoạt động mua đầu vào cũng tăng ở mức thấp nhất trong bảy tháng, trong khi tốc độ tạo việc làm đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7. Tuy nhiên, trình độ nhân sự vẫn tăng ổn định trong tháng, góp phần giảm lượng công việc tồn đọng. Do đơn hàng mới trong giai đoạn này tăng ít, nên chưa có nhiều áp lực về năng lực sản xuất.

Dự trữ của cả hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm trong tháng 10, ngược với xu hướng trong các kỳ khảo sát trước. Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm lượng hàng tồn kho trước khi sản xuất, giữa bối cảnh lượng đơn đặt hàng và mua mới tăng trưởng nhẹ hơn, trong khi kho thành phẩm thường cạn kiệt do tốc độ mở rộng sản xuất chậm hơn.

Tỷ lệ lạm phát chi phí đầu vào tăng nhưng vẫn ở mức khiêm tốn và nhẹ hơn nhiều so với hồi đầu năm. Giá cả đầu vào tăng liên quan đến chi phí nhiên liệu, nguyên liệu thô và vận chuyển cao hơn. Lạm phát giá đầu ra không thay đổi và giảm nhẹ từ tháng 9. Trong tháng thứ ba liên tiếp, thời gian giao hàng của các nhà cung cấp đã rút ngắn hơn trong tháng 10, thể hiện sự ổn định liên tục của chuỗi cung ứng sau một thời gian gián đoạn kéo dài. Tăng trưởng của hoạt động mua nguyên liệu đầu vào đã giúp giảm áp lực lên các nhà cung cấp, mặc dù vẫn có một số sự cố chậm trễ do thiếu nguyên liệu và các vấn đề vận chuyển.

Dự kiến sẽ có sự cải thiện về số lượng đơn đặt hàng mới, đồng thời các nhà sản xuất tin tưởng rằng, sản lượng hàng hóa sẽ gia tăng trong năm tới, nhưng đang có một số lo ngại về dấu hiệu nhu cầu suy yếu. Các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục mở rộng sản lượng và gia tăng việc làm cùng với áp lực về giá và nguồn cung giảm có thể giúp lĩnh vực sản xuất tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khi thời điểm cuối năm đến gần.

 ?? Ảnh: SONG ANH ?? Sản lượng hàng hóa đang tăng ở các nhà sản xuất hàng tiêu dùng.
Ảnh: SONG ANH Sản lượng hàng hóa đang tăng ở các nhà sản xuất hàng tiêu dùng.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam