Thoi Nay

Quyết liệt hơn với hàng giả, hàng nhái

- ■ Bài và ảnh: KHOA THÀNH

Theo Liên minh Chống hàng giả quốc tế (IACC), việc tham gia hoạt động mua, bán và sử dụng hàng giả có những tác hại không phải ai cũng ý thức được. Ngoài việc đây là một hoạt động phi pháp, người sử dụng hàng giả đang vô tình ủng hộ hoạt động sử dụng lao động trẻ em, trốn thuế, các tổ chức tội phạm. Đồng thời, lấy đi cơ hội xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một người bạn của tôi có cuộc sống khá giả giữa Thủ đô. Có lần tôi khen chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Rolex (Thụy Sĩ) của anh rất đẹp, anh đã không ngại tháo ra tặng lại tôi. Hóa ra bởi nó là hàng “fake”. Anh cười nói: “Anh đi ô-tô, tay đeo Rolex mọi người sẽ nghĩ là hàng thật, còn cậu đi xe máy thì có đeo đồ thật mọi người cũng nghĩ là giả”.

“Văn hóa” tiêu dùng cần bài trừ

Câu chuyện có thật trên đã phần nào thể hiện thói quen dùng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam, thậm chí là một phần của “văn hóa” tiêu dùng. Về với vùng quê, nông thôn, tình trạng này càng dễ thấy hơn nữa với cảnh tượng người nông dân đang cày bừa, tay cuốc tay xẻng nhưng đeo đồng hồ nhãn hiệu Thụy Sĩ. Hay những chiếc ba-lô nhái các thương hiệu nổi tiếng của các học sinh, sinh viên.

Dạo quanh vài cửa hàng đồng hồ tại Hà Nội, đều có thể dễ dàng mua được những đồng hồ thương hiệu đẳng cấp thế giới được ưa chuộng như Hublot, Omega, Rolex, Longines… hay bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào khác. Chỉ cần là thương hiệu nổi tiếng thì sẽ dễ bán vì mức giá của nó quá rẻ so hàng chính hãng. Người dân đang dễ dàng chi trả từ 500 nghìn đồng đến cả vài triệu đồng chỉ để sở hữu một chiếc đồng hồ nhái, mà giá trị chính hãng của chúng có thể cả chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.

Hiện xã hội vẫn đang tồn tại tâm lý “dễ dãi” đối với hàng giả, hàng nhái. Muốn xài đồ hiệu nhưng không có nhiều tiền, bạn có thể dùng hàng nhái, hay thậm chí một số người có tiền vẫn có thói quen mua hàng nhái. Giới trẻ hiện nay dùng từ tiếng Anh “fake” hay “pha-ke” để chỉ chung cho hàng giả, hàng nhái. Trong suốt một thời gian dài, hàng “fake” đã nghiễm nhiên trở thành một thị phần trong văn hóa tiêu dùng người Việt. Dạo quanh trên các trang mạng bán hàng lớn của Việt Nam, có thể dễ dàng bắt gặp các quảng cáo bán hàng nhái công khai. Họ “khoe” chú thích cho sản phẩm của mình là hàng “fake” loại 1, loại 2… hay “super fake” đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng với mọi túi tiền, mọi lứa tuổi.

Cần mạnh tay hơn

Thực tế hiện nay, hàng giả, hàng nhái trên thị trường không chỉ riêng với các thương hiệu nước ngoài mà chính các sản phẩm của Việt Nam cũng bị làm giả. Thí dụ như gạo ST24, ST25 hồi cuối năm 2021. Trước đây, hàng loạt sản phẩm thương hiệu tên tuổi của Việt Nam như cà-phê Trung Nguyên, mì ăn liền Vifon… cũng phát hiện bị đăng ký ở nhiều quốc gia khác bởi các công ty khác. Cà-phê Buôn Mê Thuật của tỉnh Đắk Lắk đã bị Công ty Guangzhou tại tỉnh Quảng Đông đăng ký bảo hộ độc quyền 10 năm trong thị trường Trung Quốc. Thương hiệu cà-phê Đắk Lắk cũng bị một công ty của Pháp đăng ký bảo hộ tại hơn 10 quốc gia khác nhau. Những thiệt hại về mặt kinh tế là không có thể đong đếm, đặc biệt là thiệt hại về thương hiệu. Thậm chí có những thương hiệu của Việt Nam đã vĩnh viễn không thể lấy lại.

Việc sản phẩm bị làm giả, làm nhái trước hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thương hiệu doanh nghiệp bị làm giả, chất lượng sản phẩm kém khiến lượng tiêu thụ hàng hóa bị sụt giảm, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của doanh nghiệp.

Phát biểu trên nghị trường Quốc hội sáng 2/11, tại buổi thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) khẳng định việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán. Người bán hàng giả khi bị phát hiện hiện đã có luật để xử lý. Tuy nhiên còn với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm hay không? “Thực tế có nhiều thương hiệu nổi tiếng được bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư nhưng trong pháp luật chưa nói rõ vấn đề này. Do đó để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững, cần công bằng trong vấn đề với cả người bán lẫn người mua”, đại biểu Hạnh nhấn mạnh.

Có thể thấy, để hàng giả, hàng nhái phát triển, bên cạnh tâm lý người tiêu dùng, còn đến từ sự quản lý của các cơ quan chức năng như hải quan, biên phòng hay cơ quan quản lý thị trường. Với các chế tài hiện có, nếu thực hiện nghiêm thì hàng giả, hàng nhái rất khó để xuất hiện trên thị trường. Một số thương hiệu lớn tại Việt Nam thường phàn nàn, đôi khi họ cho người theo dõi về tận nơi sản xuất hàng giả rồi báo các cơ quan chức năng. Nhưng việc xử lý diễn ra rất chậm chạp. Đôi khi vụ việc bị trôi vào thinh không. Những trở ngại đó khiến cho việc phát triển thị trường của họ tại Việt Nam rất khó khăn. Niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam bị suy giảm đi rất nhiều.

Một thị trường lành mạnh sẽ không có chỗ cho hàng giả, hàng nhái. Đến một lúc nào đó mọi hoạt động liên quan đến mua, bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cho đến thời điểm đó, nếu làm tốt trong khâu quản lý, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tự tin đẩy lùi tình trạng này.

 ?? ?? Giày, dép nhái thương hiệu bày bán công khai tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Giày, dép nhái thương hiệu bày bán công khai tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam