Thoi Nay

Trang văn đằng đẵng cuộc đời

- ■ VÕ HÀ

Ngay sau khi được tin nhà văn Vũ Hùng qua đời, nhiều độc giả, nhà văn viết cho thiếu nhi, đặc biệt là các biên tập viên đã từng và đang công tác tại NXB Kim Đồng đã bày tỏ niềm tiếc thương tới một nhà văn được xem là cây bút viết truyện thiếu nhi hàng đầu nước ta.

1 /Tính đến năm 2018, NXB Kim Đồng đã in lại tổng cộng 18 tác phẩm viết về núi rừng, muông thú của nhà văn Vũ Hùng. Bộ sách được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Sự nghiệp văn học tại lễ trao giải thưởng năm 2017.

Nhà văn Vũ Hùng bắt đầu cầm bút sáng tác và được in ấn tác phẩm từ những năm 1960, như vậy phải mất gần 60 năm, thế hệ trẻ mới được tiếp cận cơ bản sáng tác của ông. Nhưng với những người mê văn chương ở độ tuổi 5X, 6X, văn xuôi Vũ Hùng đã ghi đậm dấu ấn trong ký ức. Nói như nhà thơ Cao Xuân Sơn: Nhà văn Vũ Hùng là “một trong những nhà văn thân thiết nhất của tuổi thơ tôi”. Và có lẽ nhiều người có cùng băn khoăn với nhà văn Trần Đức Tiến: “Sao một người viết hay thế mà bẵng đi thời gian dài không thấy đâu?”.

“Ai cũng muốn viết một tác phẩm có đời sống lâu dài, được người đọc nhớ lâu”, đó là tâm sự của nhà văn Vũ Hùng trong lần chúng tôi gặp ông tại tư gia vào năm 2016. Trong cảm xúc vui mừng ấy, ông thẳng thắn: “Người viết phải có người đọc nếu không những gì mình viết ra rất lãng phí”. Lúc bấy giờ, bộ sách 12 tập “Mùa xuân trên núi” của ông được tôn vinh ở hạng mục “Sách hay” tại Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016. Ở tuổi 85, người lính thông tin liên lạc một thời phục vụ cho trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào đã tóc bạc da mồi. Ông kể về quãng thời gian những năm 1950, là “chân chạy” khắp Trường Sơn, quãng nghỉ trên đường hành quân, bộ phận điện đài cũng phải căng ăng-ten để làm việc.

Không có thì giờ để viết lấy một trang nhật ký, tất cả những ấn tượng, câu chuyện, cảnh sắc - chất liệu của những trang văn về núi rừng, muông thú ngày ấy được nhà văn Vũ Hùng thu lại trong trí nhớ và những ngẫm ngợi đầy chiều sâu. Quan niệm phải có trải nghiệm mới viết được chứ không thể hoàn toàn dựa vào hư cấu - viết từ trải nghiệm, những trang viết của ông có giọng văn, sức hấp dẫn riêng là vì thế.

2/Đọc trọn vẹn 18 tác phẩm được in lại của nhà văn Vũ Hùng, nhiều độc giả khẳng định, ông là người viết truyện về núi rừng, muông thú hay nhất Việt Nam. Đó là chưa kể đến hơn 12 tác phẩm chưa được in ấn lại, nhưng nhà văn cho rằng, tác phẩm của ông không đơn thuần viết về thiên nhiên mà sâu xa hơn là mối quan hệ giữa con người với nhau. Khi nói về điều đó, ánh mắt ông trở nên xa xăm như hồi tưởng lại thời quá vãng. Và ngày hôm nay, đồng thời với việc gây dựng, bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên thì cũng phải gây dựng lại tư thế, lòng tử tế của con người. Ông kể lại câu chuyện ứng xử giữa người quản tượng với loài voi thời phụ trách điện đài trong trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào như một minh chứng. Khi người quản tượng đối xử tử tế với con voi, nó sẽ tử tế, biết điều. Ngược lại, với những người quản tượng tàn ác, con voi cũng có những phản ứng ghê gớm đáp trả.

Nhà văn Vũ Hùng từng tâm sự rằng, bản thân không chỉ viết cho thiếu nhi mà còn có những tác phẩm dành cho người lớn. Những năm đầu cầm bút, giai đoạn năm 1960 tới những năm 90 của thế kỷ trước, ông cho rằng, nếu công bố những tác phẩm viết cho người lớn e không hợp thời, thành ra mảng sáng tác này vẫn chưa được in ấn và công bố. Thời điểm năm 2016, nhà văn Vũ Hùng có hé lộ về một tác phẩm mà ông tạm đặt tên là “Cuối đời nhìn lại”. Chẳng gì ông cũng đã có những 25 năm định cư tại Pháp, một cuộc ra đi và ở lại ít ai ngờ đến. Nhìn lại không phải để dằn sâu thêm đằng đẵng suy tư mà ông mong mỏi buông bỏ bao vấn vít để có những trang viết thật đẹp. Tác phẩm nhan đề “Mây trôi” được tượng hình từ rất lâu, nhà văn tự in, tự trình bày với dòng đề từ “in riêng cho tủ sách Song An của họ Vũ làng Láng (Hà Nội)”. Sách đã đến tay một số độc giả đặc biệt mấy năm trước khi nhà văn Vũ Hùng từ giã cõi đời vào những ngày đầu tháng 11 ở Hà Nội, quê hương ông… Xin mượn lời nhà thơ Cao Xuân Sơn “Kính tiễn ông theo “Mây trôi”, “Đò trăng” về với “Mái nhà xưa” bình yên, ấm áp của tuổi thơ vĩnh cửu!”.

Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 ở làng Láng, Hà Nội. Thời kháng chiến chống Pháp, ông có nhiều năm làm công tác thông tin liên lạc ở Trung Lào. Kể từ cuốn sách đầu tay “Mùa săn trên núi” ra đời năm 1961, ông đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ông cũng đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho cuốn “Sao Sao” (1982) và cuốn “Sống giữa bầy voi” (1986). Nhiều tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng từng là sách gối đầu giường của bao lớp thế hệ thiếu nhi. Ông định cư ở Pháp từ năm 1989. Năm 2014, ông trở về Việt Nam và qua đời vào ngày 2/11 vừa qua ở Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

 ?? Nhà văn Vũ Hùng.
Ảnh: CAO XUÂN SƠN ??
Nhà văn Vũ Hùng. Ảnh: CAO XUÂN SƠN

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam