Thoi Nay

Giúp người trầm cảm “trở về”

Từng bị trầm cảm hơn 20 năm, anh Huỳnh Công Thành (33 tuổi, ngụ Sơn Trà, Đà Nẵng) sống lặng trong đó, không ai biết. Rồi chính anh đã phải tự “vớt” mình ra khỏi quá khứ ấy. Và đến nay, anh còn giúp đỡ nhiều người khác.

- ■ Bài và ảnh: TRƯỜNG AN

Mở nút thắt cho mình

Huỳnh Công Thành không có mẹ từ nhỏ. “Biết tựa vào đâu? Buộc tôi phải tự nương tựa vào chính mình. Để điều trị căn bệnh tâm lý, cần những người đã sống trong đúng hoàn cảnh đó chứ không chỉ trên sách vở. Người trầm cảm họ cần cái gì, khi nào họ cần, mình phải biết rõ”, anh tâm sự.

Chọn nghề vẽ để giải thoát nội tâm, anh Thành từng nhặt nhạnh từng khung tranh của sinh viên kiến trúc bỏ đi để tái sử dụng. Qua những năm tháng vẽ miệt mài bên góc đường phố nhưng không có khách hàng, anh Thành tự hỏi, tại sao người ta có việc làm mà mình lại không? Tất cả chỉ để nhìn nhận bản thân và tự đứng dậy tiến đến mục tiêu cao hơn. Đã qua hơn 10 năm, những bức tranh trở thành tài sản vô giá của anh Thành. Đến bây giờ, làm việc với các bạn ở xưởng vẽ, anh Thành đi song song cùng suy nghĩ của họ. Nỗi đau đã biến đổi thành thứ năng lượng, sức mạnh mới để hành trình hướng thiện được đi nhanh hơn. Anh đang hoàn thiện cho bộ sưu tập riêng của mình. Những bức tranh hướng người xem nhìn thấy chính họ trong đó.

Nuôi dưỡng mầm xanh

Hành trình dạy vẽ miễn phí cho những trường hợp khiếm khuyết của anh Thành đã trải qua 5 năm. Chứng kiến nhiều phụ huynh từ Quảng Nam và những vùng quê khác lặn lội ra thành phố tìm một nơi cho đứa con bị câm điếc học nghề, anh Thành dành thời gian chăm sóc, đồng hành với quá trình học nghề vẽ của các bạn. “Các em đến đây tâm sự về cuộc sống rất mủi lòng. Điều tôi mong muốn nhất là tài năng của các em khuyết tật được nhiều người biết, được xã hội công nhận. Tôi đã tâm sự với cha mẹ của các em để họ nhận ra cái sai trong quan niệm về đứa con khiếm khuyết suốt mười mấy năm qua. Cha mẹ không thể lo cho con mãi nên tôi mong các em có được chiếc cần câu cuộc đời”, anh Thành cho biết.

Việc truyền cảm hứng cho các bạn ở xưởng vẽ tranh đặc biệt diễn ra bằng… tay. Các bộ từ điển ngôn ngữ ký hiệu xếp chồng ngày càng nhiều, cách thức riêng của anh Thành luôn đi kèm tính thực hành hiệu quả. Bạn Nguyễn Đình Ngọc Hân, ngụ quận Thanh Khê, Đà Nẵng mạnh dạn cho biết, các bài học của anh Thành đều dễ hiểu, đi ra từ thực tế. Hân mong sau này có thể vững đôi tay để theo đuổi đam mê với nghề vẽ. Bà Nguyễn Thị Giang Linh, mẹ Ngọc Hân xúc động: “Từ khi cháu đi học vẽ, hành động, suy nghĩ của cháu ngày càng trưởng thành, tiến bộ hơn. Từ nhỏ, Ngọc Hân rất thụ động. Bây giờ, ở nhà cháu dần tự giác làm hết mọi công việc vừa sức”.

Anh Thành bộc bạch, bản thân anh nếu muốn giúp những người khiếm khuyết, trầm cảm lâu năm thì phải hiểu được họ trước. Tất cả mọi thứ đều có mối liên quan với nhau. Mỗi chúng ta đều là người học trò của cuộc đời. Điều anh may mắn có được là gặp gỡ các bạn mang khiếm khuyết trên bản thân, bởi họ cho anh sự cầu tiến, niềm tin và nghị lực sống.

Đồng hành cùng các học viên, anh Thành thấu hiểu, muốn phá bỏ “lớp song sắt” tâm lý, chính bản thân anh hằng ngày luôn dung nạp thêm kiến thức liên quan đến con người đó gồm: sức khỏe, những yếu tố ngoại cảnh, tôn giáo, triết học, cách trị liệu không cần thuốc… Một phần quan trọng trong cuộc sống của anh Thành chính là sách.

 ?? ?? Lớp học vẽ miễn phí của anh Thành.
Lớp học vẽ miễn phí của anh Thành.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam