Thoi Nay

Bản nhỏ Chẳm Puông

- ■ Bài và ảnh: VŨ TOÀN

Chẳm Puông là một bản nhỏ “neo” giữa vùng rừng cuối xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đây là bản đầu tiên của Nghệ An bị dịch Covid-19 xâm nhập, biến thành tâm dịch hồi đầu tháng 7/2021 trên dọc dài biên giới giáp Lào. Mới đây, chúng tôi quay lại Chẳm Puông và chứng kiến những câu chuyện không nhỏ của Chẳm Puông.

Bản nhỏ giữ rừng

Anh Lữ Khăm Xi, trưởng bản Chẳm Puông mô tả cái nghèo khó của bản mình bằng một hình ảnh gần gũi: “Bản ta không có gì để đưa ra chợ huyện buôn bán, kể cả ngọn măng tươi hoặc miếng măng khô”.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, trưởng bản Xi giải thích: “Không có măng để bán là do bản ta ít măng giang, măng nứa. Đặc biệt, từ năm 2010 bản không cho phép người dân trong và ngoài bản săn bắt động vật hoang dã, nghiêm cấm chặt phá rừng, trong đó có cả măng non”.

Trưởng bản Xi nhắc lại chuyện cũ từ kinh nghiệm chống dịch Covid-19 đến việc giữ rừng khá thú vị. Ngày 13/7/2021 tâm dịch Covid-19 ở Chẳm Puông khiến 23 người bị F0 phải đi bệnh viện điều trị, 280 người F1 phải cách ly ở ba cơ sở y tế của huyện. Hơn 600 người còn lại giãn cách ở bản giống như làng xã, phố xá dưới xuôi. “Nhưng có một kinh nghiệm hay của quá trình chống dịch này được áp dụng tại bản ngay sau dịch là từ kinh nghiệm cách dùng loa phóng thanh tuyên truyền cho dân bản hiểu biết về tác hại và cách phòng, chống dịch Covid-19 nay phát huy tính năng của bộ loa phóng thanh này để tuyên truyền việc bảo vệ rừng. Rất có tác dụng. Không thua gì hồi chống dịch như chống giặc”, trưởng bản Xi nói.

Ông Xèo Văn Tiến, Bí thư bản Chẳm Puông dõi theo câu chuyện, gật gật mái đầu rồi ngước nhìn chiếc loa phóng thanh trên cành cây đinh hương, nói vẻ tâm đắc: “Chẳm Puông có bốn cái loa được bố trí tỏa về bốn hướng để dân bản gần, xa ai ai cũng nghe được những nội dung mà chúng tôi truyền đi. Riêng về việc bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện soạn nội dung cần thông báo rồi chuyển file vào máy vi tính của trưởng bản, chúng tôi chỉ cần đọc lên loa. Có đầy đủ thứ tiếng các dân tộc nên khi thông báo dân bản tiếp thu nhanh lắm”. Mỗi ngày bản phát hai lần. Việc làm này được thực hiện đều đặn, kể cả ngày lễ, Tết. Nội dung đơn giản, gọn gàng, dễ hiểu là “nghiêm cấm người dân chặt phá rừng; không được đốt rừng làm rẫy; không được săn bắt động vật hoang dã…”.

Ông Lữ Tân Chức, nguyên cán bộ xã, nguyên già làng lâu năm của bản nêu nhận xét, từ năm 2014 về trước, Chẳm Puông từng để rừng bị cháy do làm rẫy nhiều, nay việc làm rẫy giảm, giảm luôn các vụ cháy rừng. Còn gỗ lậu, buôn bán động vật hoang dã hoàn toàn không có ở Chẳm Puông. “Mấy cái loa phóng thanh này hay lắm. Trước đây, bản cũng dùng loa tuyên truyền nhưng vì chưa có điện lưới nên tay cầm loa đi thông báo khắp bản hiệu quả không cao, thua xa bây giờ. Có điện lưới thì một ngày hai lần loa cứ thế mà “phóng” đi”, ông Chức vui nói.

Riêng tên bản Chẳm Puông, ông Chức giải nghĩa như sau: Puông là cái khe Puông chảy từ thượng nguồn biên giới Việt-Lào, qua rừng Kỳ Sơn rồi qua bản này. Còn từ “Chẳm”, nguyên gốc của nó là từ “chăm”, lâu dần người Khơ Mú gọi là “chẳm”. Nhiều đời nay, dân bản ở đây đã biết chăm sóc, giữ gìn rừng núi nên mới có cây làm nên rừng như bây giờ. Điều hệ trọng nữa là chăm, giữ cây rừng để làm ranh giới của bản mình, không để ai xâm lấn, phá rừng. Trong số cây cổ thụ nêu trên có cây gạo trên đồi Kẻo Ka, phía đầu bản, tiếp giáp với bản Lưu Thắng thuộc xã Lưu Kiền, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). “Cây gạo có đường kính gần 2m, được dân bản Chẳm Puông ví như cái cột mốc lâu đời, mọc lên từ đất rừng của bản. Chính cây gạo này đã góp phần “vẽ” nên bản đồ và ranh giới bản Chẳm Puông”, ông Chức nhấn mạnh.

Lớn dậy giữa bản nghèo

Chúng tôi đi sâu vào các xóm của Chẳm Puông, bốn bề rừng núi yên ắng lạ. Chỉ có tiếng xe ô-tô bán tải vào bản bán gạo và tiếng rao bán hàng tạp hóa trong băng cassetes phát ra từ chiếc xe máy chất đầy hàng rộ lên từng hồi.

Hóa ra, Chẳm Puông không có một quán hàng nào. Trưởng bản Xi cho hay, người dân nào có tiền thì ra chợ huyện sắm đồ dùng cần thiết. Người không sẵn đồng tiền thì mua hàng rong ngày nào cũng rao bán trước nhà. Anh đưa chiếc điện thoại cũ kỹ ra bảo: “Chiếc điện thoại này cạn tiền rồi. Phải chờ dịp ra chợ huyện mới nạp được tiền vô sim. Căng thế, nên ở trên bản này muốn liên lạc với người dưới xuôi thì chỉ có cách “nháy” máy để họ gọi lại. Người thân quen họ hiểu chuyện này lắm”.

Vừa lúc, chúng tôi dừng lại, né sang bên đường xóm khe Puông để cho tốp dân bản kéo xe cát đầy từ dưới thung lũng lên. Trưởng bản Xi cười vui với tốp dân bản, khoe: “Bà con đang làm đường đấy. Con đường chính từ xã vào đã được rải nhựa từ năm 2020. Hiện đường đi, lối lại của các xóm trong bản đã được bê-tông hóa bằng cách nhà nước hỗ trợ xi-măng, bản huy động sức dân cùng làm”. Qua xóm khe Puông đến xóm Na Puông, trưởng bản Xi chỉ tay vào ngôi nhà sàn, mái ngói của ông bà Lữ Văn Xuân-Moong Thị Hòa, kể câu chuyện cảm động: “Đây là nhà của bố mẹ tôi. Mấy năm trước tôi xuống TP Vinh học đại học tại chức, do hai ông bà đã già yếu nên được dân bản giúp sức cày ruộng, cấy lúa”. Theo trưởng bản Xi, tình nghĩa xóm bản như thế này có từ thời xưa ở Chẳm Puông. Bà con thấy nhà nào neo người thì giúp, không lấy một đồng tiền công. Cũng như việc trồng lúa. Cả bản 190 hộ/987 nhân khẩu nhưng chỉ có 3,5ha ruộng lúa nước. Vậy là các hộ luân phiên nhau trồng lúa. Cứ 5 mùa luân phiên một lần. Làm ruộng không đủ gạo ăn thì dân bản dồn sức mở rộng diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng, chăn nuôi bò cộng với nguồn kinh tế của con em đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp trong nam, ngoài bắc.

Người thứ hai ở Chẳm Puông cũng đi học đại học tại chức là anh Lữ Văn Vinh. Sau tốt nghiệp, anh Vinh vào ngành công an, vừa hoàn thành nghĩa vụ, trở về bản cách đây 15 ngày.

Nhưng câu chuyện “lớn dậy từ bản nghèo” chưa dừng lại ở đây. Dưới trời mưa, trưởng bản Xi dẫn chúng tôi men theo bờ mương thủy lợi, đi qua ruộng lúa đến nhà ông Lữ Khắc Tân ở xóm Na Puông để nhìn thấy chiếc máy cày duy nhất của bản. Chiếc máy cày do anh Lữ May Môn, con trai ông Tân đi xuất khẩu lao động, gửi tiền về mua. Chỉ vào chiếc máy cày lấm bùn, trưởng bản Xi hồi hộp kể câu chuyện ngắn nhưng khiến chúng tôi bất ngờ mãi: “Anh Môn là một trong 12 người trong bản nghiện ma túy. Sau khi đi cai cộng đồng về, bảy người cai tốt nhất được UBND xã tạo điều kiện cho đi xuất khẩu lao động. Đi được vài năm đã tiết kiệm, gửi tiền về cho bố mẹ mua máy cày”. Chỉ tay vào đầu máy mới để cạnh máy cày cũ, trưởng bản Xi cho hay, khi biết cái máy cày bị hỏng, anh Môn gửi tiếp tiền về cho bố mẹ mua đầu máy mới.

Bạn cùng cai nghiện thành công, cùng đi xuất khẩu lao động với anh Môn là Ngân Văn Ỏn, con ông Ngân Văn Lâm, trú tại xóm Khe Mạt cũng gửi tiền về cho bố mẹ dựng nhà sàn mới.

Chúng tôi trao đổi với ông Vi Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh về sự quan tâm của UBND xã, tạo điều kiện cho bảy người cai nghiện thành công đi xuất khẩu lao động là rất đặc biệt, hiếm thấy. Ông Phúc nói: “Nếu sau cai, không thay đổi môi trường sống cho người cai thì họ rất dễ tái nghiện. Bản Chẳm Puông ở gần bản Đửa thuộc xã Lượng Minh đang nhức nhối vấn nạn buôn bán lẻ ma túy. Vì thế, phần nhiều người sau cai về lại môi trường này của bản sẽ tái nghiện. Đi xuất khẩu lao động, ra ngoài biển đánh cá là môi trường lao động rất tốt đối với người sau cai”.

CỐT CÁCH BẢN NHỎ

“Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo ở bản Chẳm Puông cao nhất 10 bản trong xã Lượng Minh. Mười tháng của năm 2022, rà soát lại cho thấy tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống nhiều, hiện ở mức 60%. Bản nghèo nhưng có nhiều lão thành cách mạng. Ông Ngân Văn Hoa, nguyên Chủ tịch MTTQ huyện, là Bí thư đảng ủy đầu tiên của xã Lượng Minh (1965). Ông Lữ Tân Chức, nguyên cán bộ xã, là trưởng bản Chẳm Puông nhiều năm. Hiện có bảy học sinh theo học nghề tại Trường Cao đẳng Việt-Hàn. 37 học sinh học Trường PTDT bán trú THCS Lượng Minh. Một trường tiểu học, 190 học sinh. Một lớp mầm non 40 cháu. Đây là cơ sở để Chẳm Puông tiếp tục “lột xác”, vượt khó nhưng vẫn giữ được cốt cách của một bản từng đạt danh hiệu “Bản văn hóa”, năm 2017” (Ông Vi Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh).

 ?? ?? Chị Ngân Thị Hợi bên đầu máy cày mới do cháu Lữ May Môn gửi tiền về mua.
Chị Ngân Thị Hợi bên đầu máy cày mới do cháu Lữ May Môn gửi tiền về mua.
 ?? ?? Dân bản khe Puông đang làm đường liên xóm.
Dân bản khe Puông đang làm đường liên xóm.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam