Thoi Nay

“Ngụp lặn” với dòng chảy

Theo dòng chảy sông Công (Thái Nguyên), có một huyền thoại hồ Núi Cốc và một thành phố công nghiệp Sông Công, nhưng vẫn còn đó bên dòng chảy là phận người chưa đổi thay.

- ■ Bài và ảnh: THOẠI LINH

Sông Công còn có tên sông Giã hoặc sông Mão, bắt nguồn từ vùng Đèo Khế thuộc huyện Đại Từ và huyện Định Hóa, dòng được chặn lại tại huyện Đại Từ, tạo nên một hồ nhân tạo Núi Cốc.

Ngày ấy là có thật

Cũng đã gần 30 năm rồi, chúng tôi đi đoàn đông lên nhà bạn chơi ở bên hồ Núi Cốc. Ngày đó, tỉnh nào, vùng nông thôn miền núi nào rồi cũng giống nhau ở cái khoản nhà vệ sinh, nên chúng tôi cứ ra đồi sim, đồi chè mà hát “một người đi” nước chảy thành sông, một người ngồi rồi “hóa núi”. Sau đó, trai gái cứ nhìn nhau, mặt đỏ bừng, cười tít.

Ngày đó, chúng tôi “phiên” lời hát để làm chuyện phàm, đến chơi nhà bạn có cơm ăn, có chỗ ngủ là tốt lắm rồi và điều nữa, chúng tôi biến đổi hoàn cảnh bằng cách thi vị hóa nó cho phù hợp và nhớ mãi những ngày đó theo năm tháng. Ngày đó, đường khó, cầu ít, đò thì đông khách đi qua. Nay trở lại bến đò Xuân Đãng thuộc xóm Xuân Đãng 1, xã Bình Sơn, thành phố Sông Công. Nay trở lại, gặp vợ chồng anh Phạm Hữu Luận - chị Trần Thị Mơ, họ sống với nhau còn tình hơn cả nàng Công - chàng Cốc huyền thoại, bởi họ là đời thực, chồng đi thả lưới, vợ ở nhà nấu cơm, yêu thương nhau như vầy: “Mình nhớ về sớm nhé, trời trở gió rồi. Tối còn đi họp thôn”.

Bến đò Xuân Đãng giờ vắng lặng như tờ. Dấu tích bến xưa chỉ còn lại vệt đất nhỏ xíu ngoằn ngoèo, xuyên giữa đám cỏ lau trổ bông trắng. Trên bờ sông, vẫn còn bụi tre đuôi cáo nghiêng bóng, rì rào trong gió heo may. Con bói cá lông xanh biếc đậu trên cành tre hướng chiếc mỏ xuống dòng nước, hòng đợi có chú cá nào xuất hiện đúng tầm là lao vút xuống.

Anh Luân gạt tay, lách người qua bụi cây um tùm, xuống sông, đã thấy người hàng xóm ở đấy tự bao giờ. Anh Luân gọi: “Ra sông sớm thế, ông ời”! Ông Lê Văn Nguyên không ngoảnh lại, tay giữ cần câu tre, chăm chú nhìn vào cái phao trắng bập bềnh trên mặt nước, nói vọng: “Ở nhà làm gì, buồn chết. Nhớ sông nhớ chèo thì xuống bến chơi thôi”. Trước kia, họ đều là dân lái đò sông Công, anh Luân đò ngang, ông Nguyên đò dọc. Từ khi có cây cầu Bình Sơn thì đò gác bến.

Xuôi ngược trên sông hơn nửa cuộc đời, ông Nguyên coi con đò, dòng sông như người bạn thân thiết. Ông bảo, trước kia đò một mạch từ thượng nguồn, qua vùng chè Tân Cương nổi tiếng xuống thị xã Sông Công, về Phổ Yên, rồi theo mạn Bắc Giang, đổ ra sông Cầu. Năm 1973, xây dựng công trình thủy lợi hồ Núi Cốc thì sông có thêm nhánh phụ, chảy từ địa phận huyện Đại Từ.

Mỗi khi đò từ bến Xuân Đãng ngược Đại Từ, bao giờ ông Nguyên cũng chuẩn bị một giỏ tích ủ nước chè xanh thay vì bầu rượu. Mặc các bạn nhạo, dân sông nước không biết uống rượu thì như cờ “vô phong”, ông vẫn trung thành với tích nước chè sánh đượm mầu tơ tằm, uống vào ngọt mãi trong cổ họng. Ông hay ngồi ở mũi đò ngắm núi non và đôi bờ cây xanh mướt, lướt lúc nhanh lúc chậm theo dòng nước lấp lánh, trong khi các bạn uống rượu, cười đùa, khiêng nhau ném ùm xuống nước, bơi như rái cá, rồi hát hò vang trên sông.

Đò càng ngược nguồn, đến vùng núi cao, thì nước càng sâu. Trên dòng sông Công suốt tháng năm, bất kể mưa nắng, những người lái đò đều thuộc luồng lạch như lòng bàn tay, nhưng hễ đến gần thượng nguồn, ai nấy đều chăm chú điều khiển đò tránh những tảng đá ngầm đen trũi. Sản vật địa phương là chè, mộc nhĩ, nấm hương, gỗ lạt, đồ mây tre… luôn chất đầy khoang. Nếu không cẩn thận, lúc sóng cả mà va phải đá, đắm đò thì quả là tai ương lớn.

Thủy nạn không chỉ xảy ra ở dòng chảy sông Công mà còn nhấn chìm cả tàu thuyền trong lòng hồ Núi Cốc. Dân lái đò luôn nằm lòng hai chữ cẩn trọng, bởi không ai là không biết vụ tai nạn đắm tàu năm 1986, làm 23 nghệ sĩ Đoàn kịch Bắc Thái và người thân tử nạn. Hồ Núi Cốc ngày đó còn hoang sơ, có vài chiếc thuyền đánh cá đến ứng cứu nhưng chỉ cứu được sáu người.

Không phải đối mặt với nguy nan như đi đò dọc, đời đò ngang của anh Luân thơ mộng và nhàn hạ hơn. Suốt bốn mùa mưa nắng, đò anh chở toàn người quen, nông dân đi làm đồng, trồng màu ở bãi soi bên bồi, học sinh đi học, sư sãi đi chùa… Ngày ngày đò sang sông đều đặn như chiếc đồng hồ, chỉ trừ lúc người làng có việc trọng hay đưa bệnh nhân đi cấp cứu, tiếng gọi đò vang trên sông, anh mới cảm thấy gấp gáp.

Đều làm bạn với sông nước từ nhỏ, cả ông Nguyên và anh Luân chả bao giờ nghĩ có ngày nhàn rỗi ngồi câu và đánh lưới trên sông giải sầu. Thế mà ngày ấy lại có thật.

Vẫn kỳ vọng vào ngày mới

Từ khi đò gác bến, dân chở đò quê anh Luân chuyển đủ thứ nghề. Nhưng chỉ quen sông nước, họ thấy làm gì cũng khó, làm nông thì vụng cấy cày, đi buôn thì toàn lỗ vốn. Cầu Bình Sơn thông, dự án mọc như nấm sau mưa, giá đất cũng thăng thiên. Thấy nhiều người làm cò đất đổi đời, anh Luân cũng ham, về tỉ tê với vợ: “Thôi chở đò thì tôi đi làm cò đất, thử vận may. Bây giờ không chỉ dân Bình Sơn mình mà cánh chở đò ở Bến Cả, Lợi Bến bên Tân Phú, rồi cánh Đông Cao tận Phổ Yên, làm cò đất trúng lắm”. Chị Mơ dửng dưng: “Mình quanh năm chở đò, biết đất cát thế nào mà đòi làm cò”. Anh vẫn cứng cỏi: “Giá đất đang lên ầm ầm, tranh thủ làm. Biết đâu lại... duyên”.

Nhờ giời, “cờ bạc đãi tay mới”, anh Luân cũng dắt ngay được vài mối, kiếm được gần trăm triệu đồng tiền tươi. Theo đà, thấy người ta bán đất qua tay lời dễ quá, anh gom tiền, cắm sổ đỏ vay thêm ngân hàng 100 triệu đồng, mua được 5 sào đất bãi soi, hòng chờ dự án để bán giá cao, nhưng chờ hai năm dự án vẫn im như thóc, anh bấm bụng chắt bóp vẫn không đủ trả lãi ngân hàng. Giờ còn nghe tin Luật Đất đai sửa đổi sẽ rất chặt chẽ, sẽ đánh thuế nặng vào đất dôi dư, anh như ngồi trên đống lửa.

Thế là anh làm chuyến lên hồ Núi Cốc, tính chở đò thuê. Ngồi trên thuyền lướt nhẹ qua những hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô, mặt hồ xanh biếc in trắng bóng mây trời, xa xa những dãy núi xanh lam trùng điệp, anh Luân thoáng nghĩ, sóng yên gió lặng thì thuyền bồng bềnh thơ mộng như ở bến đò ngang nhà mình, nhưng rồi có lúc thuyền chòng chành khi gặp gió to sóng cả.

Sau chuyến đi, anh Luân so sánh, chèo đò du lịch ở hồ Núi Cốc sẽ có tiền, nhưng mình chưa thông luồng lạch và vẫn là làm thuê. Về hồ Ghềnh Chè quê mình vẫn hơn, vừa gần nhà, đò sẵn, lại thông thuộc ngóc ngách lạch nước. Anh nhẩm tính, hồ Ghềnh Chè giờ mới manh nha du lịch, nên còn vắng khách, nhưng hồ rộng tới 50ha, có 45 đảo và bán đảo lớn nhỏ, lại còn cả rừng nguyên sinh, sau này du lịch phát triển thì dân chèo đò cũng rộng đường kiếm sống.

Chiều nhạt nắng, bãi soi trên bờ sông Công lộng gió đang vàng rực hoa cải, xen những luống xu hào mơn mởn, cải bắp đang cuộn bằng nắm tay, vạt ngô xanh mướt tít tắp. Xa xa, ngầm ngăn nước qua sông tung bọt trắng xóa trùm lên những tảng đá xám lớn. Nhìn bức tranh đồng quê giản dị thân thương đẹp như tranh vẽ, anh Luân vui lâng lâng và thấy quyết định của mình thật sáng suốt.

“Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng đèo Khế gió sang” (câu trong bài thơ “Phá đường” của Tố Hữu). Đèo Khế là nơi đầu nguồn của dòng sông Công. Mỗi lần đi qua đây để lên Tuyên Quang hoặc quay về, trong tôi lại ngân nga câu thơ trên và ngắm nhìn khung cảnh đèo Khế, cảm giác gợi lên rằng mình lạc vào một miền đất khác. Chỗ này dân cư thưa thớt và nhà ở có khoảng đất rộng, có cây cổ thụ phía sau nhà và vào dịp này sẽ thấy trong vườn nhà dân có nhiều cây bưởi, quả nhiều vít cành chạm đất nhưng hiếm khi nhìn thấy cây khế.

 ?? Đò chờ bến mới. ??
Đò chờ bến mới.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam