Thoi Nay

Vượt khó để dạy học

- ■ Bài và ảnh: TUỆ TÂM

Gắn bó với nơi đây từ khi còn là những đứa trẻ, nhiều giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng đã nỗ lực vượt qua những rào cản để trở thành giáo viên rồi quay về dạy học cho những em không may bị khuyết tật. Trung tâm hiện đang có hai giáo viên và bốn nhân viên hỗ trợ, đều là những trẻ khuyết tật từng theo học tại đây từ nhỏ. Tất cả đều nỗ lực, khắc phục những trở ngại để cống hiến, cùng Trung tâm dạy dỗ cho những em nhỏ bị thiệt thòi.

1

/Thầy Võ Công Lực (1992) vẫn nhớ thời gian nhiều năm trước, khi còn đang là một cậu thiếu niên khỏe mạnh, lành lặn, vui đùa học hành cùng bạn bè thì bất ngờ bị tai nạn. Sau lần đó, bàn tay bị mất một phần, đôi mắt của Lực yếu đi, khó khăn trong việc nhìn và vận động. Gia đình đã gửi Lực ra Đà Nẵng để tiếp tục theo học văn hóa tại Trường chuyên biệt Tương lai (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng). Tại đây, Lực được học văn hóa, sinh hoạt cùng mọi người, bạn bè đều là người khiếm thị hoặc khuyết tật nên dễ hòa nhập, lấy lại tinh thần trong cuộc sống cũng như nỗ lực học tập. Từ những năm là học sinh trung học phổ thông, Lực đã đặt mục tiêu sẽ thi vào ngành sư phạm để trở thành giáo viên giúp đỡ các em khuyết tật.

Sau bốn năm học ngành sư phạm Toán tin tại Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, Công Lực đã về lại Trung tâm để xin giảng dạy các em nhỏ. Vậy nhưng, thời gian đầu Lực vẫn gặp khó khăn khi Trung tâm có thêm nhiều em nhỏ bị khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động… khiến việc giảng dạy tương đối vất vả. Vì vậy, bên cạnh kiến thức giảng dạy, anh còn học thêm chữ nổi, ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp. Mỗi trẻ, mỗi dạng khuyết tật sẽ có những cái khó riêng, nên Lực đã học thêm nhiều phương pháp dạy và kỹ năng mềm khác nhau từ các giáo viên khác để có cách truyền đạt phù hợp giúp các em có thể tiếp thu được.

Em Trần Minh Hưng (12 tuổi), đang là học sinh lớp 3 của Trung tâm, được thầy Lực dạy môn Toán và Tin học. Hưng bị khiếm thị khiến việc nhìn của em gặp khó khăn nhưng em rất cố gắng học. “Em thích được học cùng thầy Lực, thầy dạy em học tính toán, nghiêm khắc khi em làm sai nhưng rất thương cả lớp”, Minh Hưng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Lực cũng tham gia Chi hội Người mù của Trung tâm, cùng tổ chức các hoạt động vui chơi ngoại khóa, giao lưu để giúp học trò mạnh dạn hơn, phát triển thêm nhiều kỹ năng mềm của bản thân. Nói đến tương lai, Lực tâm sự: “Mình xác định sẽ gắn bó với nơi này, cùng học tập, giúp học trò vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Sáu năm giảng dạy, nhiều em có kết quả học tập tốt, nhiều em tiến bộ, đó là động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục với nghề và ở lại nơi đây”.

2

/ Bị khiếm thị từ nhỏ nên cô giáo Nguyễn Thị Hằng (1994) theo học 12 năm văn hóa tại Trung tâm. Được sự động viên, cùng với môi trường học tập có bạn bè đồng cảnh ngộ nên Hằng đã nỗ lực để vượt qua nghịch cảnh. Sau khi thi đỗ vào ngành Giáo dục mầm non, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô gái đã trở về Trung tâm xin giảng dạy. Tại đây Hằng dạy hỗ trợ về nhận thức, vận động, dạy kỹ năng sống, giúp các em phân biệt mầu sắc, hình khối. Việc chăm sóc, dạy dỗ các em cũng khó hơn, đa số các em lúc mới đến đây đều chưa kiểm soát được bản thân, như vệ sinh cá nhân, các hoạt động, hành động cơ bản… Vì vậy, Hằng đã tìm học thêm các khóa học về những phương pháp dạy, học thêm từ đồng nghiệp để nâng cao khả năng cho bản thân.

Cô giáo vẫn nhớ những ngày đầu về dạy học, có em học sinh mỗi khi vào lớp đều không tiết chế được cảm xúc, la hét kéo dài trong nhiều tháng làm Hằng khá lo lắng. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, mỗi ngày cô và trò đều tiếp xúc bằng những cái ôm, vỗ về, dần dần em học sinh bắt đầu có những thay đổi tiến bộ. Một thời gian sau, khi đã quen với công việc, Hằng cảm thấy gắn bó hơn với nơi này. “Vì đã ở đây học tập từ nhỏ nên mình dễ gắn kết với mọi người và học trò hơn. Các em học sinh tuy có những khiếm khuyết nhưng sống rất tình cảm, bởi vậy mình cũng thương, chỉ mong các em mỗi ngày nhớ được thêm một điều mà mình đã dạy, biết được thêm một chút kỹ năng cơ bản để phục vụ bản thân là mình cảm thấy vui rồi”, cô Hằng bộc bạch.

 ?? ?? Thầy Lực đang dạy học trò môn Tin học.
Thầy Lực đang dạy học trò môn Tin học.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam