Thoi Nay

G7 và EU áp giá trần với dầu mỏ Nga

- ■ VŨ HÀ

Với mục tiêu hạn chế nguồn thu ngân sách của Nga, các nước thành viên Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất triển khai áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu của Moscow. Lập tức, Nga chỉ trích việc đặt giới hạn giá dầu vi phạm nguyên tắc thị trường và là động thái nguy hiểm.

Nhất trí đồng loạt triển khai

Trong tuyên bố chung ngày 2/12, các nước G7 cùng Australia thông báo triển khai áp giá trần đối với dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển, với mức 60 USD/thùng, bắt đầu từ hôm nay (5/12). Liên minh giữa G7 và Australia, được đặt tên là “Liên minh giá trần”, cho biết sẽ cân nhắc có thêm các hành động nhằm bảo đảm triển khai áp giá trần đạt hiệu quả. Tuy nhiên, liên minh này không nêu chi tiết.

Tuyên bố của G7 và Australia được đưa ra sau khi Ba Lan thông báo đồng ý với kế hoạch của EU áp giá trần với dầu thô nhập khẩu từ Nga, theo đó giá trần thấp hơn ít nhất 5% so giá thị trường. Trước đó, Ba Lan đề nghị áp giá trần mức thấp nhất có thể. Ngay sau khi Ba Lan “bật đèn xanh”, trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU,

CH Czech đã triển khai các thủ tục để các nước thành viên thông qua quyết định này.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 3/12 xác nhận, các chính phủ của toàn bộ 27 thành viên EU đã hoàn tất phê chuẩn bằng văn bản về quyết định áp giá trần với dầu mỏ của Nga, với mức 60 USD/thùng do G7 đề xuất. Mức trần này được các nước phương Tây cho là phù hợp, hạn chế được nguồn thu ngân sách của Nga nhưng vẫn bảo đảm dầu mỏ của Nga lưu thông trên thị trường quốc tế.

Theo EC, trần giá dầu của Nga được áp dụng từ ngày 5/12 và các sản phẩm dầu của Nga cũng được áp dụng cùng cơ chế với dầu thô. Từ ngày 5/12, các công ty vận tải biển của EU sẽ chỉ được phép chở dầu thô của Nga nếu mặt hàng này được bán với giá bằng hoặc thấp hơn 60 USD/ thùng.

Quy định về “giai đoạn chuyển tiếp 45 ngày” được áp dụng với những tàu chở dầu của Nga trước ngày 5/12/2022 và được giao tại điểm cuối trước ngày 19/11/2023. Dự kiến, các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023, sau đó tiến hành đánh giá định kỳ hai tháng một lần.

Nguy cơ gây bất ổn thị trường

Theo giới quan sát, việc đưa ra mức trần giá đồng nghĩa các nước G7, EU và Australia, cũng như các nước tiếp tục tham gia, sẽ chỉ được phép mua dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga vận chuyển qua đường biển được bán với giá bằng hoặc dưới mức trần. Phần lớn các công ty vận chuyển và bảo hiểm lớn đều có trụ sở tại các nước G7, vì thế quy định trần giá sẽ dễ dàng được áp dụng và Nga sẽ khó bán dầu thô với giá cao hơn.

Hoan nghênh G7 và EU áp giá trần với dầu mỏ của Nga, song Ukraine vẫn cho rằng mức 60 USD/thùng là “không đáng kể”, ước tính mỗi năm vẫn mang lại cho ngân sách của Moscow thêm 100 tỷ USD. Một quan chức Văn phòng Tổng thống Ukraine cho rằng, trần giá áp với dầu thô của Nga chỉ nên ở mức 30 USD/thùng.

Trong khi đó, dù được miễn trừ áp dụng giới hạn giá dầu, Hungary tiếp tục cảnh báo việc áp trần giá dầu và các biện pháp tương tự sẽ gây hại cho nền kinh tế EU. Trên tài khoản mạng xã hội, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto viết: Đã đến lúc EU nhận ra rằng việc làm này làm tổn hại nhiều nhất cho nền kinh tế của khối.

Nga đã phản đối mạnh mẽ động thái của các nước G7 và EU. Một thành viên Quốc hội Nga nhấn mạnh: Việc áp giá trần với dầu mỏ Nga là hành vi vi phạm nguyên tắc thị trường, là hành động nguy hiểm, gây bất ổn thị trường dầu thế giới. Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng chỉ trích động thái của các nước phương Tây là “định hình lại” các nguyên tắc thị trường tự do, không tránh khỏi hậu quả làm gia tăng bất ổn thị trường và khiến khách hàng phải trả chi phí cao hơn. Moscow khẳng định thế giới vẫn có nhu cầu đối với dầu mỏ của Nga bất chấp các biện pháp hạn chế của phương Tây. Nga vẫn có và tiếp tục tìm được các khách hàng mua dầu.

 ?? Ảnh: HUNGARY TODAY* ?? Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto bày tỏ lo ngại về giá trần áp với dầu mỏ Nga.
Ảnh: HUNGARY TODAY* Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto bày tỏ lo ngại về giá trần áp với dầu mỏ Nga.
 ?? Ảnh: THE CONVERSATI­ON ??
Ảnh: THE CONVERSATI­ON

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam