Thoi Nay

Lớp vẽ trong bệnh viện

- ■ Bài và ảnh: MỸ DUNG

Lớp học của… bệnh nhân

NLớp vẽ ấy đặt tại khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình (quận 5, TP Hồ Chí Minh), nơi vào thứ sáu hằng tuần, bệnh nhân sau tai biến, người chịu tổn thương não từ nhiều nơi tìm đến tô mầu, vẽ tranh. Người dùng xe lăn, người ngồi ghế, người nói chuyện rôm rả, người lặng im, gương mặt ai cũng hiện rõ niềm vui khi được làm bạn cùng cọ vẽ, bút mầu.

gày nghe lớp vẽ hoạt động trở lại sau hai năm tạm đóng cửa do dịch Covid-19, ông Lê Cao Nguyên khấp khởi đặt xe từ TP Vũng Tàu lên TP Hồ Chí Minh hoàn thành nốt phần tô mầu cho bức tranh còn dang dở. Lớp vẽ mở hơn 5 năm là chừng đó thời gian ông đi xe đò mỗi tuần đến đây. Rất nhiều tranh ông vẽ được bệnh viện chọn treo ngay trước sảnh khoa vì mầu sắc tươi vui, đường nét mềm mại. Nhìn những bức họa sống động ấy, ít ai tin người vẽ ra chúng là bệnh nhân tóc râm gần 15 năm nay phải chịu hàng loạt di chứng dai dẳng của cơn tai biến. Hôm nay, ông Nguyên chọn vẽ tranh gia đình. Đưa mắt nhìn tấm hình chụp đầy đủ các anh chị em trong nhà trên điện thoại rồi liếc qua bức tranh gần hoàn thành trên tờ giấy vẽ, ông cười tươi, mắt ngập tràn hạnh phúc.

Cơn tai biến vào năm 2008 khiến ông Nguyên bị liệt tay và một phần thân phải. Thế nhưng đó chưa hẳn là trở ngại lớn nhất. Chính việc không thể nói rõ khiến ông mệt mỏi vô cùng và rất ngại giao tiếp. Ban đầu, ông hụt hẫng, thu mình lại, chẳng muốn trò chuyện cùng ai. Rồi một ngày nọ, nghe nói Bệnh viện An Bình có lớp vẽ đặc biệt, ông thu xếp lên tham gia từ ngày đầu, đến nay gần sáu năm chưa vắng buổi nào. Thời gian lớp tạm nghỉ do dịch, ông buồn và nhớ mọi người nên tranh thủ nhắn tin hỏi thăm. Chính việc tập trung vẽ tranh và gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ giúp ông Nguyên tự tin, thoải mái hơn mỗi ngày. Ở lớp, ông kiệm lời nhưng lại rất hào phóng nụ cười. “Đến đây, tôi quên hết muộn phiền, tập trung vào từng nét vẽ và ngắm nhìn các anh chị khác vẽ tranh. Những lúc như vậy tôi thấy nhẹ nhàng, bình yên lắm. Tôi vẽ được nhiều tranh rồi, cứ hoàn thành một bức là niềm vui lại được nhân lên”, ông Nguyên bập bẹ ghép từng chữ trên khuôn miệng cứng đơ.

“Tuần này anh vẽ chủ đề gì mà mầu sắc sống động vậy anh Nguyên?”. Nghe giọng nói quen thuộc và cảm nhận rõ hơi ấm tỏa ra từ đôi tay đang đặt nhẹ trên vai mình, ông Nguyên ngước lên thấy TS Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng đang nhìn mình trìu mến. Từ những lần đi học và công tác nước ngoài, thấy rõ hiệu quả của mô hình hội họa giao tiếp trong nhiều bệnh viện lớn, năm 2013, TS Điền đề xuất bệnh viện tổ chức lớp vẽ mỹ thuật miễn phí dành cho bệnh nhân tai biến, tổn thương não, đặt ngay khu vực tập vật lý trị liệu của bệnh viện để bất kỳ ai thích cũng có thể ghé qua trải nghiệm. Lớp mở mỗi tuần một buổi nhằm giúp bệnh nhân cải thiện khả năng vận động, giao tiếp và thêm nhiều niềm vui. Tại đây luôn có chuyên viên về ngôn ngữ trị liệu của bệnh viện và các sinh viên tình nguyện Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Sài Gòn tương tác, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh.

Phòng làm việc của TS Điền cũng sát lớp vẽ nên như một thói quen, cứ sáng thứ sáu anh lại ghé hỏi thăm, động viên các bệnh nhân. Hôm nào lớp đông người, ngồi san sát, mấy tình nguyện viên bận túi bụi, anh thấy lòng rất vui. Trúng bữa, lớp vắng hoe, chỉ hai, ba người ngồi vẽ, mặt buồn thiu, lòng anh thấp thỏm. Anh biết chắc ai đó lại bệnh phải đi điều trị hay vì gia đình bận không thu xếp đưa đến được. Có người vào lớp vài phút đã phải trở về vì mệt. “Phải chấp nhận thôi, bệnh nhân ở lớp này nhiều bệnh nền lắm, an toàn cho mọi người là trên hết. Mình mở lớp ra thì luôn mong nhiều người biết tới, tham gia, duy trì nhưng người bệnh lúc khỏe, lúc yếu, miễn sao khi tới đây họ vui vẻ, có thêm bạn đồng hành là được. Vui nhất là thấy bệnh nhân tiến bộ mỗi ngày. Nhiều người lúc mới vào không chịu tương tác, nói chuyện với ai nhưng sau vài tuần đã tự tin thuyết trình về tranh của mình. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ thấy ấm lòng rồi”, TS Điền chia sẻ.

Tìm lại nụ cười

“C hú ơi, muốn có mầu xanh lá cây thì con phải pha mầu gì với mầu gì?”. Ngồi trên chiếc xe lăn với nửa thân liệt, cánh tay trái run run do không thuận, anh Phạm Xuân Sang (39 tuổi, quận 8) hỏi với sang người đàn ông tên Thắng ngồi đối diện trên chiếc bàn lớn. “Xanh dương với vàng nha. Nhưng nếu chưa quen, con lấy mầu xanh lá tô luôn cho khỏe”, ông Thắng nhiệt tình hướng dẫn. Nhận hộp bút sáp từ tay sinh viên tình nguyện, anh Sang hơi bối rối khi nhìn vào bức tranh đang tô mầu lem nhem của mình, nói khẽ: “Đừng chê anh nha! Mai mốt quen tay anh sẽ tô đẹp hơn”. “Đâu có, anh tô vầy là đẹp rồi. Tự tin lên anh. Cần giúp gì luôn có tụi em đây”. Nghe tình nguyện viên động viên, anh Sang cười tít mắt, tay mân mê mấy cánh hoa phủ sáp mầu rực rỡ. Hôm nay, anh rất vui.

Mấy tuần rồi, đây là lần đầu tiên ông Thắng và các tình nguyện viên thấy anh Sang chủ động trò chuyện cùng mọi người. Hồi mới tới lớp vẽ này, anh cứ ngồi im, đăm chiêu nhìn bức tường, chẳng mở miệng. Bị xuất huyết não mấy tháng trước, đến nay, cơ thể anh vẫn yếu, tâm lý chưa ổn định hẳn, lắm lúc thấy bí bách. Anh Sang kể lại: “Khi bác sĩ rủ tham gia lớp này, ban đầu tôi còn cáu gắt, nói không biết vẽ thì tới làm gì. Nhưng bác sĩ thuyết phục, nói cứ thử tới đi, rồi sẽ thấy vui hơn. Mà đúng thiệt, mấy tuần liên tiếp tôi đến đây tô mầu như trẻ con lên ba, về khoe tranh với mấy đứa cháu trong nhà, tụi nhỏ cười, tôi cũng cười theo. Từ lúc bị bệnh, đây là thời gian tôi cười nhiều nhất. Tuy chỉ mới nguệch ngoạc tô mầu nhưng mỗi lần từ lớp vẽ này về, tôi thấy lòng nhẹ nhàng hơn, chân tay cũng mềm mại hơn”.

Đâu riêng gì các bệnh nhân mà bản thân từng tình nguyện viên cũng tìm thấy niềm vui ở lớp học đặc biệt này. Lần đầu đến phụ bệnh nhân soạn giấy, bày biện mầu vẽ và thu dọn đồ đạc sau khi mọi người ra về, Đào Nguyên Khánh An (sinh viên Trường đại học Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh) trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ bối rối đến ngạc nhiên rồi khép lại bằng những nụ cười thật tươi. An xúc động khi có dịp trò chuyện với nhiều bệnh nhân “ruột” của lớp và nghe họ kể về ước mơ đời mình. Lúc đó, An như cô cháu nhỏ, ngồi cạnh ông bà mình, nghe đủ chuyện từ xưa đến nay, thấy mọi người sao gần gũi, thân thương đến vậy. “Mới lần đầu mà mọi người xem em như con cháu, trò chuyện rất vui. Nhiều bác không qua trường lớp mà vẽ đẹp lắm. Tới đây mấy tiếng nhưng em đã học được tính nhẫn nại và lạc quan của nhiều người. Các bác đa phần bị liệt, khó trò chuyện nhưng chẳng bao giờ than thở. Ở đây, mọi người dành tặng nhau rất nhiều năng lượng tích cực. Em sẽ tiếp tục quay lại để được đồng hành cùng mọi người”, Khánh An vui vẻ cho hay.

Tranh của bệnh nhân vẽ xong đều được ghi rõ họ tên, ngày thực hiện, chủ đề và lưu trữ vào kho. Cách đây khá lâu, bệnh viện đã tổ chức một buổi triển lãm và bán tranh do bệnh nhân sáng tác. Cầm số tiền mình có thể tạo ra trong thời gian vừa chữa bệnh, vừa thư giãn, nhiều người cứ ngỡ là mơ. Trước đó mấy tháng, họ chưa thể đi lại, vệ sinh cá nhân chứ nói gì tô mầu, vẽ tranh. Số tranh trong kho ngày càng nhiều, bệnh viện đang lên kế hoạch phân loại, tổ chức thêm một triển lãm nữa để giới thiệu các tác phẩm ấn tượng của người bệnh nhằm lan tỏa mô hình này trong cộng đồng. Hay tin, ông Nguyên cùng nhiều người bạn tại lớp vẽ phấn khởi lắm. Với họ, đó hẳn là một sự kiện quan trọng đầy ắp niềm vui.

Khi sáng lập lớp vẽ “0 đồng” này, TS Điền cùng cộng sự lo rằng vài tháng sau bệnh nhân sẽ thưa thớt dần, khó duy trì dài lâu. Vậy mà, gần sáu năm trôi qua, số người tìm đến ngày càng nhiều thêm, ai nấy đều quyết tâm ở lại. Sau lớp vẽ, Bệnh viện An Bình đang nghiên cứu mô hình âm nhạc trị liệu cùng các loại hình giải trí lành mạnh như đọc sách, đánh cờ… giúp bệnh nhân tai biến, tổn thương não tăng khả năng ghi nhớ, giao tiếp linh hoạt hơn. Điều bệnh viện này mong đợi là có thêm nhiều không gian trị liệu, chữa lành, giúp người bệnh phục hồi tốt nhất, sớm hòa nhập cộng đồng, bỏ lại sau lưng những mặc cảm, tự ti do các di chứng gây nên.

 ?? ?? Ông Lê Cao Nguyên đã gắn bó với lớp vẽ đặc biệt này gần sáu năm nay.
Ông Lê Cao Nguyên đã gắn bó với lớp vẽ đặc biệt này gần sáu năm nay.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam