Thoi Nay

Hương Trà bóng ngả ba sông

- ■ Bài và ảnh: TRƯỜNG MAI

Ngôi làng Hương Trà tưởng như của xứ Huế, nhưng nó lại là của xứ Quảng (Tam Kỳ, Quảng Nam). Làng rợp bóng cây sưa hàng trăm năm qua ôm lấy cái ngã ba của ba con sông: sông Tam Kỳ, sông Trường Giang và sông Bàn Thạch tạo nên hồn đất, bóng làng.

Dấu xưa còn lưu giữ

Vùng phủ Tam Kỳ xưa, dân gian có lưu truyền một bài thơ về cảnh sắc vùng đất này. Đến bây giờ cụ Trần Văn Tuyền, 98 tuổi, người làng Hương Trà vẫn nhớ như in từng câu chữ “Huyện mới Hà Đông đặt ở đây/ Có đồn đại lý, có lầu Tây?/Nước sông Bàn Thạch quanh quanh chảy/Ngọn núi Tùng Lâm lớp lớp xây/Kim Đái đai vàng đâu chẳng thấy?/Thạch Kiều cầu đá hãy còn đây!/Sông Tiên nào thấy ông Tiên tới?/Bủa lưới giăng câu mấy chú chài!”.

Ngày cụ Tuyền còn nhỏ, con sông Tam Kỳ chảy vòng quanh sát mép nhà của làng. Ngôi làng Hương Trà ngày trước nằm trên một vùng cồn cát. Khu vực này đã từng có một số vũng nước chảy ra sông. Qua thời gian, dân cư mở rộng đất canh tác, số vũng nước tự nhiên dần biến mất. “Thời cha chú tôi kể lại, vùng ni hồi đó cứ chiều chiều hay có vài đàn khỉ trên rừng cây bổi sau làng thường kéo cả bầy ra sông Tam Kỳ uống nước. Rồi câu chuyện có một người đàn ông dân làng Hương Trà bị cọp tấn công trên núi. Tới chừ vẫn còn di tích cái mộ của người đó”, cụ Tuyền nhớ lại.

Ngã ba sông Tam Kỳ, một vùng cây cỏ đôi bờ xanh um. Ngược thời gian trở về mấy trăm năm trước, khu ngã ba sông trước làng Hương Trà, thực chất mới là một dòng suối nhỏ, thường khô cạn. Đó là lối đi duy nhất của dân trong vùng khi qua lại giữa đôi bờ. Chỉ tay về phía giữa sông, cụ Tuyền cho biết ngay chỗ giữa dòng Tam Kỳ, ông bà đời trước thấy có thể qua lại nên kêu gọi dân làng ra sức đắp đất. Tuy nhiên, sức người không thể chống lại được tự nhiên nên con đường đất bị xé toạc ngay. Làng thấy vậy nên không làm đường nữa, đành lội bộ qua suối. Đoạn nào sâu thì đi đò cho an toàn.

Trời chớm trưa, trước đình làng Hương Trà, dấu vết văn hóa làng quê, xóm vạn chài như quay về khi tiếng mái dầm đập trên mặt sông. Chính từ những xoáy nước khi ba dòng sông nhập vào đã mang lại nguồn thủy sản dồi dào cho làng Hương Trà. Ngày còn nghèo, cứ độ mươi ghe chài thì lập nên thành một đội cùng làm ăn chung, gọi là xóm vạn. Sớm tối đều đặn, xóm vạn chài Hương Trà luôn vang tiếng đập nước lùa đàn cá bằng chiếc dầm chèo ghe. Ba bến đò Tam Phú, Tam Xuân, Tam Kỳ một thuở kết hợp xóm vạn

Hương Trà tạo nên không gian miền quê đậm nét xứ Quảng.

Cụ Tuyền cho biết: “Hồi làng Hương Trà mới được lập, những vị trưởng làng quyết định làm một căn nhà làng bằng tre. Sau này, từ tranh tre, nứa lá được tu sửa, xây nên ngôi đình như hiện tại. Hằng năm, dân làng Hương Trà thành kính thờ tam vị tiền hiền của làng, trong đó một người mang họ Nguyễn, hai người mang họ Trần”.

Từng cây gỗ nguyên khối to, dài từ thượng nguồn xuôi theo bè trên dòng sông Tam Kỳ về đến Hương Trà mấy trăm năm trước để xây ngôi đình đến nay vẫn còn vững chắc. Dù vậy, một điều dân làng luôn trăn trở là những câu chữ, lời dạy xưa của tiền nhân được điêu khắc trên cột gỗ đã bị mai một hết. Đó như một hoài niệm buồn về giá trị mang tính lưu truyền của làng Hương Trà, nay đã mất.

Đời sống văn hóa của dân làng Hương Trà ngày nay được thế hệ con cháu tiếp nối theo các lời dạy của tiền nhân. Ngày mồng 1 tháng Tư, dù làm ăn, sinh sống ở đâu, dân làng vẫn quy tụ về làm lễ cầu an; mồng 1 tháng Bảy, lễ cầu mưa thuận gió hòa được tổ chức. Dòng Tam Kỳ chảy qua vùng đất Hương Trà đã để lại giá trị của bài học cộng đồng gắn kết nhân dân. Ngày hội làng diễn ra, tất cả con cháu các gia đình, tộc, nhánh đều về cúng lễ. Không cầu kỳ, linh đình, mỗi gia đình cùng đóng góp một mâm lễ nhỏ. Con đường rợp bóng cây sưa trước sân đình Hương Trà là kỷ niệm, là bức tranh ký ức của từng người con sinh ra từ làng.

Duyên lành con sông

Những năm gần đây, làng Hương Trà tổ chức lễ hội làng trong nhiều ngày liên tục. Vẻ đẹp tự nhiên của những tán cây sưa đổ bóng xuống dòng Tam Kỳ xanh thẫm đã thu hút khách khứa ghé làng liên miên. Từ ngày về làm dâu làng Hương Trà tới nay gần 30 năm, bà Nguyễn Thị Tình, 57 tuổi nhận thấy cuộc sống vùng quê này ngày càng phát triển. Niềm tự hào khiến gương mặt bà luôn rạng rỡ khi kể về làng mình.

“Không gian sống làng xã chỗ khu Vườn Cừa ni hằng ngày đông vui lắm. Ngày mưa gió thì ít người chứ nắng hanh lên, học sinh với bà con ra tụ tập, dọn dẹp cỏ rác sạch bong”, bà Tình hứng khởi.

Nằm ngay vị trí ngã ba sông, những tháng mùa mưa, dù lượng nước nguồn đổ về nhiều nhưng khu dân cư làng Hương Trà rất ít khi bị ngập úng. Mực nước lũ cao nhất dân làng đánh dấu chỉ ngang mặt đường trước đình Hương Trà. Vùng quê ngã ba sông hàng đời qua chỉ gắn với nghề nông. Cây lúa, cây sắn, con cá sông là nguồn kinh tế chủ yếu của bà con. Tuy nhiên, với lợi thế vẻ đẹp đặc biệt của loài cây sưa trổ hoa vàng, những cồn đất ven sông đã tạo địa thế du lịch cho ngã ba sông Tam Kỳ. Vào độ tháng 3 hằng năm, vài chục cây sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi bung hoa vàng ươm một góc làng. Sắc vàng đổ bóng xuống mặt nước trong xanh của dòng sông.

“Chiều chiều, hoa sưa hay đổ rụng bay giữa gió mùa hè. Bản thân tôi quê ở huyện Núi Thành lấy chồng về đây mà cũng mê vẻ đẹp của hoa ni mà. Già trẻ, gái trai đã đến Hương Trà dịp hoa nở là muốn ở lại cả ngày”, bà Tình tự hào.

Bà Tình nhớ lại giai đoạn gần 30 năm trước, ngày bà mới đặt chân về làm dâu ở ngôi làng Hương Trà, cuộc sống thuở đó chỉ được diễn tả với cụm từ “nghèo khó quanh năm”. Chung quanh ngôi đình Hương Trà khi đó, những căn nhà nhỏ, thấp ngang đầu chen chúc cả gia đình đông người. Gia đình khá giả nhất làng cũng chỉ dám xây nhà bằng “gạch táp lô”, loại gạch đúc bằng xi-măng. Đến bây giờ, dấu vết những căn nhà xưa cũ đó đều đã mục nát; căn nào còn thì phải chắp vá chống đổ sụp như chứng tích gợi nhắc cái thời nghèo khó.

Khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống ở làng Hương Trà có sự thay đổi, đi lên rất nhanh. Từ ngày lớp thanh niên làng rủ nhau rời xa ruộng đồng vào nhà máy Thaco Chu Lai làm công nhân, kỹ sư cũng là lúc nhà cửa kiên cố, xe cộ hiện đại xuất hiện ở làng ngày càng nhiều.

Bà Tình giãi bày: “Chừ ngồi ngó lại quá trình đổi thay cuộc sống, thật sự tôi không dám tin. Tôi cứ hay nghĩ trong bụng có lẽ trời đất ở vùng làng Hương Trà ni che chở con cháu. Mình sinh sống, làm ăn ở đâu mà phát triển cũng ít nhiều là bởi cái duyên với con đất. Hay một cái là con đất ở Hương Trà rất hiền. Quanh năm mưa thuận gió hòa cũng đỡ bớt”.

Thời điểm này đang là cuối mùa mưa ở miền trung nhưng nơi giao dòng ba con sông Tam Kỳ - Trường Giang - Bàn Thạch vẫn giữ nét hiền hòa, xanh ngắt. Dưới làn nước đó, con sìa được xem là món ăn dân dã của làng Hương Trà. Những ngày đứa con trai đi làm tăng ca ở lại nhà máy, ở nhà một mình, bà Tình gọi vài chị em trong xóm đem rổ ra sông mò sìa về chế biến bữa ăn đạm bạc qua ngày. “Cuộc sống làng quê nếu nói quá giàu thì không thể nhưng đủ sống qua ngày thì rất đơn giản. Sông nước có con gì mình bắt nấy, ngắt vài cây rau sau hè nữa là đủ rồi”, bà Tình cười xòa.

Dọc con đường ven làng Hương Trà, những gốc cây sưa to cao đan lấy nhau mà đa số dân làng cũng không thể biết rõ xưa kia ai đã mang loài cây độc đáo này về làng để trồng. Trân trọng vẻ đẹp của loài cây hoa vàng này, từ đứa trẻ cho đến các cụ già đều chung tay gìn giữ, chăm sóc hàng cây. Họ quý cây như quý dòng sông, quý vùng đất…

 ?? ?? Đời ngư phủ nơi ngã ba sông.
Đời ngư phủ nơi ngã ba sông.
 ?? ?? Hàng sưa cổ thụ bên dòng Tam Kỳ.
Hàng sưa cổ thụ bên dòng Tam Kỳ.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam