Thoi Nay

Hỗ trợ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn thấp

- ■ MAI QUÝ

Tính đến cuối năm 2022, theo báo cáo của Cục An toàn lao động, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn kết dư khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, quy định về mức hưởng lại khá thấp, điều kiện được hưởng của chế độ bảo hiểm này lại khó tiếp cận…

1/ Theo báo cáo thu chi năm 2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người hưởng trợ cấp ốm đau cho đến 30/6/2022 là khoảng 5,2 triệu người, ước tính trong năm 2022 sẽ quyết toán khoảng 9 triệu người hưởng ốm đau, bệnh nghề nghiệp tai nạn lao động. Con số này tăng là số ca ốm đau do Covid-19 từ năm 2021 chuyển sang. Còn nhìn về số ca tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2022 cũng sẽ dự toán chi khoảng 54 nghìn trường hợp người lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trong giai đoạn 2016-2020, theo thống kê, hằng năm có khoảng 200-300 nghìn người lao động đi khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp. Trong đó có khoảng từ 3.000-5.000 trường hợp được phát hiện có bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong số này thì chỉ có 10% người lao động được đi giám định thương tật để hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đây là một con số cho thấy rằng, tình trạng ốm đau, bệnh nghề nghiệp cũng đang tăng lên. Nhưng số người được hưởng chế độ lại không tăng lên.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thực tế, người lao động hiện nay rất ngại đi khám để phát hiện ra bệnh nghề nghiệp vì khi người lao động tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh nghề nghiệp nhưng bản thân họ lại không biết hoặc rất sợ nếu phát hiện ra bệnh nghề nghiệp thì có thể bị thôi việc hoặc nghỉ việc hoặc không ai muốn tuyển người bị bệnh. Còn phía chủ sử dụng lao động do chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật như khám sức khỏe định kỳ cho người lao động rồi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm và gây bệnh nghề nghiệp hoặc những trường hợp như giới thiệu người lao động đi giám định để làm các hồ sơ, thủ tục để người lao động có thể được hưởng các quyền lợi về bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định, hằng năm người lao động, doanh nghiệp phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hơn 6.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm quỹ này chỉ chi ra khoảng 1.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm nay, theo báo cáo của Cục An toàn lao động, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn kết dư khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Nhưng mức chi trả tính theo lương cơ sở đến nay vẫn chưa thay đổi. Thí dụ, mức lương thực tế của công nhân vệ sinh môi trường khoảng 7 triệu đồng/người/ tháng. Còn mức lương cơ sở theo quy định nhà nước là khoảng 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, cũng theo quy định, thu bảo hiểm tai nạn lao động lại đang dựa trên thu nhập thực tế và khi chi lại dựa vào mức lương cơ sở. Nếu tính theo quy định mức bảo hiểm được hưởng nếu người đó bị giảm trên 50% sức lao động (nằm một chỗ) thì mức bảo hiểm được hưởng chỉ trên dưới 1 triệu/tháng mà thôi.

2 /Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định về cách chi và mức hưởng của người bị tai nạn lao động: Người bị tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp sẽ dựa trên hai yếu tố, một là thời gian họ đóng bảo hiểm xã hội (đóng càng dài thì mức hưởng cũng cao hơn) và mức độ thương tật của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (nếu tỷ lệ thương tật cao thì mức hưởng trợ cấp cũng cao hơn).

“Với số lượng 54 nghìn người lao động hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trung bình một năm và mức chi từ quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thì chúng ta thấy, mức người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hưởng hằng tháng là 1 triệu đồng/tháng. Mức này có thể nói là không đủ để mà bù đắp hay góp phần hỗ trợ cho người lao động”, bà Hồ Thị Kim Ngân nói.

Đối với cả những trợ cấp khác như trợ cấp phục vụ hay hỗ trợ về các dụng cụ chỉnh hình, các dưỡng sức phục hồi sức khỏe thì mức hưởng cũng khá thấp, khoảng 1,5 triệu đồng/người. Như vậy, những con số, những mức hưởng của người lao động hiện nay nếu bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn gây khó khăn cho người lao động. Trong khi họ vừa phải chăm lo cho gia đình, con cái thì không đủ trang trải các chi phí.

Khi người lao động là trụ cột của gia đình, họ bị tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp, họ phải nằm viện hay ở nhà đều mất toàn bộ thu nhập. Lúc này người lao động không đủ trang trải các chi phí tối thiểu về sinh hoạt với chính người đó chứ chưa nói đến các thành viên khác trong gia đình. Các chi phí điều trị thuốc men, nằm viện, sinh hoạt hằng ngày đều tăng. Do đó, cần tăng mức hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp để giảm gánh nặng tài chính với chính gia đình của họ để họ sớm phục hồi sức khỏe, tái hòa nhập thị trường lao động. Nếu không sửa đổi thì chính sách hoàn toàn không phù hợp điều kiện bối cảnh kinh tế-xã hội cũng như hoàn cảnh lao động hiện nay.

 ?? Ảnh: HUY HOÀNG ?? Người lao động cần được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.
Ảnh: HUY HOÀNG Người lao động cần được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam