Thoi Nay

Một mái tranh yêu

- ■ NGUYỄN TOÀN THẮNG

Đó là cái mái tranh, mà nói theo giọng quê là mái gianh, của nhà bà nội tôi. Lần đầu tiên nhìn thấy cái mái tranh ấy, tôi thiếu điều đã òa lên vì sung sướng mà nói với cha mẹ rằng, bao lâu nay con cứ tưởng tượng nhà chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn”, bây giờ mới thấy có ngôi nhà giống y hệt. Là bởi hồi nhỏ, tôi ở quê ngoại nhiều hơn, chỉ là do quê ngoại có điều kiện hơn, mãi mới được sang quê nội ở. Thế nên, nhìn cái mái tranh ấy, tôi lấy làm phấn khích lắm.

Mái tranh của bà nội tôi ngày ấy dày cộp, là bởi cứ hai, ba năm bà lại nhờ con cháu, họ hàng trải thêm cho dày. Thành thử, cái mái tranh ấy ấm về mùa đông, mà mát về mùa hạ. Nhớ những lúc lợp tranh, nhà bà lại đông như hội. Từng nắm cỏ tranh khô cứ thế được trải lên, như thể người ta khoác thêm tấm áo mới ra ngoài tấm áo cũ. Từng nắm tranh không hiểu bằng cách nào mà đều đặn cứ như làm bằng máy, để sau này khi tôi biết có nơi gọi nắm tranh là vắt tranh, thì mới hiểu tại sao người ta lại có thành ngữ “đều như vắt tranh”. Phải vậy mới có nghĩa, chứ còn việc vắt quả chanh thì liên quan gì đến việc đều đặn đâu, trừ phi người ta vắt từng giọt một.

Những khi mưa xuống, ngồi nhìn giọt mưa chảy qua từng sợi tranh lơ thơ, tôi chỉ sợ nhà bị dột. Nhưng không, tịnh không một giọt mưa nào có thể xuyên qua cái mái tranh dày có lẽ phải đến cả mét. Bà tôi bảo, nếu biết lợp tranh, thì chẳng bao giờ phải lo mưa gió. Trong cái tiết mưa lạnh, ngồi dưới mái nhà tranh, sưởi ấm bằng bếp củi, lại chờ củ khoai vùi tro, chờ bà rang ngô, đứa trẻ ngày đó là tôi cảm thấy, cuộc sống cũng chỉ cần đến thế là đủ vui rồi. Ngồi dưới mái tranh, lại nghe bà tôi kể những câu chuyện cổ tích khác hẳn với sách. Nếu bà kể chuyện Thạch Sanh thì còn kể thêm về ông Thạch Nghĩa đã nuôi nấng cậu con mình ra sao, dạy dỗ con mình thế nào để sau này có một chàng dũng sĩ đã đi vào huyền thoại.

Những khi hè về, đi từ ngoài đường nắng gắt, vào đến trong nhà, tự nhiên tôi thấy mát hẳn. Lại là do công dụng của cái mái tranh. Nó dày thế cơ mà, làm sao mà tia nắng xuyên qua được. Nó lại từng lớp từng lớp, ở giữa có không khí, thành thử lại cách nhiệt rất tốt. Cộng với vách đất đan liếp, ngôi nhà bà tôi chẳng khác gì một cái hang lộ thiên. Buổi trưa hè, gió nhè nhẹ đưa qua vách, cộng thêm tiếng ru hời của bà, đứa trẻ là tôi chưa bao giờ chiến thắng được cơn buồn ngủ.

Và đến khi mái nhà tranh ấy bị dỡ đi, thay bằng mái ngói. Tôi đã khóc. Cả nhà tưởng tôi khóc vì vui mừng, vì từ nay bà nội sẽ được ở khang trang hơn. Chỉ bà nội là biết vì sao tôi khóc. Bà ôm lấy tôi rồi bảo, cái gì cũng phải thay đổi con ạ, đến bà rồi cũng sẽ phải xa con. Nhưng nếu trong lòng con còn cái mái tranh ấy, nó sẽ không bao giờ mất đi.

Tôi luôn tin bà. Bởi vì đến lúc này, cái mái tranh ấy vẫn còn trong tôi.

 ?? K.MINH
Ảnh: ??
K.MINH Ảnh:

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam