Thoi Nay

Khi “nỗi buồn” dịch thành “niềm vui”

Chỉ muốn gọi “má ơi”, cũng khó quá. Khó chứ con, gọi thành “ma”, người Việt sẽ hiểu ra một loài quỷ. Nếu kêu “mả”, người ta nghĩ ai đó qua đời vừa được chôn cất. Má ơi, điều gì sẽ xảy ra nếu con gọi sai?!!!

- ■ KIỀU BÍCH HƯƠNG

Đó là đoạn hội thoại khá ám ảnh giữa cô con gái lai và người mẹ gốc Việt trong phim ngắn “Motherwoun­d” (tạm dịch “Nỗi đau của mẹ”) lọt vòng tranh giải hạng mục Phim truyện ngắn ở Liên hoan phim (LHP) ngắn Leuven 2022 của Bỉ.

Buồn

Liên hoan phim ngắn Leuven 2022 là một trong những LHP quan trọng và đã có 28 năm tuổi ở quê hương của những tài danh như JeanClaude Van Damme - mệnh danh “gã cơ bắp đến từ Brussels” cho đến những diện mạo ngày nay diễn xuất nghiêng về đầu óc hơn như Erik Van Looy, Matthias Schoenaert­s, Veerle Baetens... Nhắc vậy để hiểu thêm rằng việc một sinh viên 22 tuổi còn đang học làm phim như Bảo Van Hoe có tác phẩm được chọn dự LHP cùng các đạo diễn đã nhiều kinh nghiệm, là một thành tích đáng ghi nhận.

Nhưng hơn thế, sự hiện diện “Nỗi đau của mẹ” còn là niềm tự hào không hề nhỏ đối với cộng đồng người Việt ở Bỉ vốn không có nhiều dịp được bước lên thảm đỏ của những sự kiện văn hóa đẳng cấp như LHP. Hai diễn viên chính và cả chục diễn viên phụ huy động cho một cảnh phim đều là người gốc Việt trong nhiều ngành nghề, cũng đủ gây xôn xao đời sống sinh hoạt tinh thần nơi tiết trời lành lạnh xam xám đặc trưng ở Bỉ.

Bảo Van Hoe tinh tế nhìn ra được màu đời sống đó. Nó khác xa bầu trời nhiệt đới cao bổng xanh ngắt và nắng bỏng da cháy thịt nơi quê nhà Việt Nam của mẹ cô. Bảo đã để nhân vật chính người mẹ (do chị Huỳnh Thảo - mẹ đẻ của cô đóng) ôm trọn khoảnh khắc cô độc đau đớn đó trong bóng chiều xám lạnh ngả dần về tối.

Và khác

Có thể những khán giả người bản địa xem cảnh bữa ăn ồn ào của người gốc Việt trong nhà hàng sẽ không tìm đâu ra sự kết nối cảnh này với phim. Hộp dầu gió nhét túi cho con gái phòng khi trái gió trở trời. Và cảnh người mẹ hát ru nữa, cũng cần dịch lời đưa nghĩa cho dễ hiểu. Tóm lại, họ, người xem bản xứ cần nhiều giải thích - dịch ra bằng ngôn ngữ hơn. Nhưng đó lại là cái ẩn ý của người làm phim. Như Bảo nói: “Làm phim này để đi tìm chính mình, hiểu chính mình bởi tôi cũng lớn lên giữa hai nền văn hóa Việt-Bỉ”. Mà tìm, chắc gì đã thấy ngay, hiểu ngay được.

Thú thực, người viết bài này có một chút hả hê khi hiểu ngay cái không khí trên bàn ăn ấy: cả nhóm người Việt nói chuyện ào ào trong khi cô con gái (thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài) cảm thấy mình lạc lõng, không hiểu và không nhập vào được nền văn hóa ấy. Mùa tiệc tùng cuối năm và năm mới lại sắp đến. Biết bao người phụ nữ Việt/ gốc Việt đã từng hoặc thường xuyên có cảm giác lạc lõng, cô độc trên bàn tiệc của người bản địa?

Và phản ứng trong trường hợp này thường là ngồi im, nói ít, mong bữa ăn qua mau. Gương mặt toát mồ hôi của cô con gái tên Mai (Marie Nguyễn De Buck đang học diễn viên sân khấu đảm nhận vai này) trong phim “Nỗi đau của mẹ” thì xi-nê hơn. Biết nói gì đây với bạn bè của mẹ? Biết nói gì dài hơn và khác hơn câu “Cháu chào bà” trong cuộc gọi Facetime khi mà ngay cả khi gọi “má ơi” cô gái ấy còn sợ sai! Đây chỉ là hoàn cảnh điển hình trong một chuỗi va chạm, xung đột ngầm hiểu xảy ra có hệ thống, thậm chí mang tính lan truyền thế hệ.

Từ nội dung đến không khí phim ngắn chỉ khoảng 20 phút này rất gần gũi “Moon Palace” của Paul Auster bởi cùng trên hành trình nhọc nhằn kiếm tìm nhân dạng của nhân vật chính thông qua những con người anh ta/ cô ta gặp gỡ. “Nỗi đau của mẹ”, cuối cùng mẹ-con, bà-cháu ai nấy ở riêng thế giới của mình, không còn kết nối được bằng lời, bằng mặt. Nhưng họ tự tìm thấy sự kết nối và chữa lành khác từ nước. Bà ngoại ở quê cho con gái xa xứ ngắm cảnh biển quê nhà. Đứa con xa quê co người lại đúng tư thế của một bào thai trong bụng mẹ. Còn Mai đang mang một bào thai trong bụng cũng đã trò chuyện được với con mình bằng vọng âm qua nước ối. Họ gặp được nhau ở điểm cội rễ đó.

Dù dễ xoay xở hơn về mặt kinh phí, làm phim ngắn không dễ. Thời lượng vài chục phút hạn hẹp khiến đạo diễn phải kể được câu chuyện một cách cô đọng nhất, lời lẽ gọn nhất có thể. Muốn như vậy, chuyện phải hay hoặc độc lạ. Diễn xuất phải vững hoặc cực kỳ tự nhiên bẩm sinh. Có thể chưa đạt tất cả các yếu tố này, nhưng “Nỗi đau của mẹ” hay niềm vinh dự của Bảo Van Hoe là mang đến màu sắc KHÁC cho Liên hoan phim ngắn Leuven 2022. “Nỗi buồn” đã chuyển hóa thành “niềm vui” đối với những khán giả Việt xem phim này.

 ?? NGUYỄN CHUNG THỦY ?? Đạo diễn Bảo Van Hoe và mẹ Huỳnh Thảo - diễn viên chính trong phim “Motherwoun­d”. Ảnh:
NGUYỄN CHUNG THỦY Đạo diễn Bảo Van Hoe và mẹ Huỳnh Thảo - diễn viên chính trong phim “Motherwoun­d”. Ảnh:

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam