Tuan Tin Tuc

“Mong manh” thưởng Tết

- XUÂN MINH

DỊCH COVID-19 VẪN ĐANG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP VÀ ẢNH HƯỞNG LỚN ĐẾN HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP. DÙ VẬY, VÀO THỜI ĐIỂM CUỐI NĂM, VẤN ĐỀ THƯỞNG TẾT VẪN ĐƯỢC NGƯỜI LAO ĐỘNG QUAN TÂM.

TÙY VÀO “SỨC KHỎE” CỦA DOANH NGHIỆP

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng của năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52.100 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, gần 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%. Bình quân một tháng có gần 9.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí kiệt quệ. Do đó, tâm lý chung của nhiều người lao động đang lo ngại sẽ không có thưởng Tết hoặc thưởng rất thấp do kinh tế khó khăn.

Anh Lại Văn Huy (quê Vĩnh Phúc) làm nghề môi giới bất động sản ở Hà Nội cho biết: Trong thời gian thực hiện giãn cách, công ty không hỗ trợ tiền lương vì gần như không có giao dịch. Chúng tôi chủ yếu hưởng theo doanh thu nên thị trường “im ắng” thu nhập giảm, thu nhập chỉ bằng một nửa so với trước, nên việc thưởng gần như không có.

Chị Nguyễn Thị Thương làm việc tại một doanh nghiệp may mặc tại Hải Dương cho biết, công ty chị

làm việc thông báo sẽ cố gắng thưởng Tết cho người lao động, nhưng dự kiến, mức thưởng Tết Dương dịch và Tết Âm lịch năm nay sẽ thấp hơn năm trước.

“Năm ngoái Tết Dương lịch, mỗi lao động được thưởng 500.000 đồng, tết Nguyên đán được thưởng 2 triệu đồng cùng quà Tết là sản phẩm của công ty. Năm nay dịch bệnh kéo dài, nhiều thời điểm không có đơn hàng, công ty phải tổ chức làm việc luân phiên, lương thưởng hàng tháng của công nhân đều bị cắt giảm, nên mức thưởng Tết năm nay có lẽ sẽ giảm mạnh”, chị Thương chia sẻ.

Còn theo ông Lê Tuấn Anh, trưởng phòng nhân sự Công ty trà Cozy, giống như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, đơn vị này cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

“Khu vực miền Nam là thị trường lớn của công ty, nhưng khi dịch căng thẳng, các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16, lượng hàng hóa tiêu thụ giảm đi rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Tuy nhiên lượng hàng xuất khẩu vẫn duy trì tốt. Thời điểm này, ban giám đốc công ty dự kiến vẫn giữ nguyên tháng lương thứ 13 thưởng Tết cho người lao động, ngoài ra việc thưởng thêm cho các công ty thành viên sẽ dựa vào kết quả kinh doanh cụ thể. Mức thưởng không tăng nhưng cũng không giảm, vẫn giữ ổn định so với năm ngoái’, ông Lê Tuấn Anh cho biết.

Theo ông Lê Tuấn Anh, trước đó Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, công nhân trong các nhà máy chế biến của công ty được thưởng từ 7-10 triệu đồng, nhân viên bộ phận văn phòng được thưởng từ 15-25 triệu đồng, tùy từng vị trí làm việc.

MANG TÍNH ĐỘNG VIÊN

Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Chánh văn phòng Liên hiệp hợp tác xã Ocop Việt Nam dự kiến các doanh nghiệp thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Ocop Việt Nam năm nay vẫn sẽ có thưởng Tết, mức thưởng tùy thuộc vào tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.

Theo bà Thúy, thưởng Tết là hình thức động viên, khuyến khích người lao động để tăng sự gắn kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dưới tác động của dịch bệnh, khó khăn là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp, bởi vậy người lao động cũng nên có sự chia sẻ với người sử dụng lao động. Đơn vị vẫn đang cố gắng cân đối các khoản thu chi để lo thưởng Tết cho người lao động.

Nói về mức thưởng Tết năm nay, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, thời điểm này rất khó để đưa ra nhận định về dự kiến mức thưởng Tết so với các năm trước.

Song đánh giá chung dựa vào tình hình sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay, ông Vũ Quang Thành cho rằng, người lao động cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp, mục tiêu trước mắt cần cùng với doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giữ được việc làm bền vững.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, mức thưởng Tết không quy định trong luật, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động đã có thỏa thuận về mức lương này và ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì doanh nghiệp sẽ buộc phải chi trả. Thông thường khoản thưởng được đưa ra căn cứ theo kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự kiến nhiều ngành nghề có thể không có thưởng Tết. Trong bối cảnh này, người lao động và doanh nghiệp cùng chia sẻ với nhau. Dịch bệnh còn việc làm là điều quý giá nhất”, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.

Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết năm 2022 dự kiến chỉ dao động trong khoảng 1 tháng lương. Với các doanh nghiệp khó khăn, nhiều khả năng không có thưởng, hoặc chỉ thưởng bằng hiện vật.

 ?? ?? Lao động vẫn trông chờ vào thưởng Tết
Lao động vẫn trông chờ vào thưởng Tết

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam