Tuan Tin Tuc

Khai thác tài nguyên văn hóa truyền thống

- MINH THY

TRƯỚC NHỮNG LO NGẠI VỀ SỰ MAI MỘT VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ, NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ KHÔI PHỤC BẢN SẮC, TẠO RA GIÁ TRỊ KHÁC BIỆT VÀ LÂU BỀN, "ĐỊNH VỊ" VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CHUNG.

“ĐỊNH VỊ” VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Bá Thước là huyện miền núi ở xứ Thanh vẫn còn gìn giữ nhiều nét đặc trưng bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, người Mường. Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình, một số hộ gia đình dân tộc Thái, Mường ở huyện Bá Thước đã tìm tòi, sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà Hà Thị Tâm, người dân tộc Thái, ở thôn Tân Thành (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước) luôn cần mẫn với nghề truyền thống từ lâu đời của cha ông để lại. Những tấm vải thổ cẩm được bà khéo léo dệt thành những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình như váy, áo, khăn, đệm ngồi, chăn, gối, khăn trải bàn, rèm cửa... Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình, sản phẩm thổ cẩm của bà Tâm còn được nhiều homestay và khách du lịch biết đến với tính đa dạng và màu sắc bắt mắt, tiện dụng.

Tại Thanh Hóa, từ thực tế và đặc thù của các địa phương như Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Như Thanh, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã xây dựng chương trình tổ chức các lớp tập huấn bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, trang phục của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Thổ, Dao, xem đó như là một sản phẩm nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.

Tại nhà của nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao tại làng Kép, phường Đống Đa, TP Pleiku

(Gia Lai), hàng chục nghệ nhân miệt mài tạc những bức tượng gỗ mang hồn cốt văn hóa xưa nhưng được thu nhỏ lại thành các sản phẩm du lịch “bỏ túi” độc đáo. Họ là những “học trò” được nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao truyền nghề và cả tình yêu văn hóa dân tộc thông qua những bức tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai.

Trao đổi về dự án “Phát huy giá trị tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai tại Gia Lai”, nhà văn Thu Loan, đồng chủ nhiệm dự án cho biết: “Đồng bào Bahnar, Jrai có nền văn hóa dân gian phong phú, độc đáo, thể hiện trong phương thức sản xuất, phong tục tập quán, lễ hội, văn học nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo… Đặc biệt, việc làm tượng gỗ dân gian đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, để phù hợp với cuộc sống hiện đại và tạo thêm thu nhập cho nghệ nhân, tượng gỗ cần

được cải tiến, có nhiều kích thước khác nhau, giá cả hợp lý để có thể trở thành hàng hóa”.

Với quan điểm đó, mục tiêu của lớp bồi dưỡng của dự án là giúp nghệ nhân có thể tạc được tượng với các kích cỡ khác nhau, bằng những loại gỗ sẵn có trong vườn, quanh nhà. Sau khi hoàn thành các lớp bồi dưỡng, toàn bộ mẫu tượng thu nhỏ sẽ được trưng bày tại một số điểm du lịch, các cơ sở lưu trú rồi từ đó được quảng bá, kết nối và tiêu thụ.

“Định vị” rõ giá trị của văn hóa dân gian và tính cả “đầu ra” cho sản phẩm là hướng khôi phục, gìn giữ và quảng bá bản sắc văn hóa mà các địa phương đang mạnh dạn thực hiện.

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG BẰNG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Chia sẻ về công tác phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng

bào các dân tộc thiểu số, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: “Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đều là những tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Trong 2 năm gần đây, đoàn nghệ nhân dân gian của tỉnh Thanh Hóa luôn giành giải cao với những tiết mục, phần thi đặc sắc, ấn tượng tại các liên hoan toàn quốc”.

Từ phía cơ quan quản lý, nhằm tạo căn cứ để các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đề ra giải pháp, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực công tác dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Chương trình hành động nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương cần xây dựng các chương trình, đề án, dự án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong đó tập trung rà soát, lồng ghép, sửa đổi, bổ sung các chính sách và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, tự hào về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình hành động cũng nhấn mạnh việc thu hút đầu tư và đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm để phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng, miền khác trong cả nước; khuyến khích, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.

Sau 2 năm các hoạt động văn hóa bị đình trệ do dịch COVID-19, sự trở lại của các sự kiện, hội thao, hội thi, liên hoan gần đây tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã “hồi sinh”, thổi bùng tình yêu với văn hóa dân tộc. Bên cạnh việc khẳng định sức sống bền bỉ của văn hóa truyền thống, có thể thấy, vẫn có những chương trình, những hành động quyết liệt để nuôi dưỡng tình yêu với bản sắc văn hóa ngay trong lòng các dân tộc thiểu số.

 ?? ?? Các ngày hội, liên hoan văn hoá các dân tộc thiểu số giúp nuôi dưỡng tình yêu bản sắc văn hóa truyền thống.
Các ngày hội, liên hoan văn hoá các dân tộc thiểu số giúp nuôi dưỡng tình yêu bản sắc văn hóa truyền thống.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam