Tuan Tin Tuc

Cần giảm chi phí trung gian cho hàng hóa

- BÀI, ẢNH: MINH PHƯƠNG

MẶC DÙ GIÁ XĂNG DẦU GIẢM 5 LẦN LIÊN TIẾP, NHƯNG GIÁ NHIỀU LOẠI HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ Ở HÀ NỘI VẪN CAO, DO ĐÓ, THEO CÁC CHUYÊN GIA KINH TẾ, ĐỂ KÉO GIẢM GIÁ HÀNG HOÁ CẦN PHẢI GIẢM CHI PHÍ KHÂU TRUNG GIAN.

NHIỀU MẶT HÀNG THIẾT YẾU GIỮ GIÁ CAO

Chị Vũ Thanh Hương, tiểu thương bán hải sản ở chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: “Giá các mặt hàng đều không giảm, thậm chí tăng, đặc biệt các loại rau xanh. Sức mua chậm, nhiều quầy ế hàng, nên tâm lý tiểu thương nản lòng. Giá tôm sú hiện vẫn giữ mức 500.000 đồng/ kg (25 con); giá ghẹ xanh, đỏ 500.000 đồng/kg; giá cua từ 350.000 - 450.000 đồng/ kg tuỳ kích cỡ; giá ngao vẫn duy trì 25.000 đồng/kg... Sau hơn 2 năm dịch bệnh, thu nhập giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, nên các tiểu thương bán hải sản bị giảm 50% doanh thu mỗi tháng”.

Tại chợ Hôm, giá thịt dọi dao động từ 130.000 140.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với trước; giá gà ta không giảm, dao động từ 130.000 - 180.000 đồng/ kg tuỳ loại; thịt bò thăn, gầu được bán với giá từ 280.000 300.000 đồng/kg… Theo chị Thu Hiền, chủ quầy hàng thịt lợn trên phố Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng), vài tuần trước, giá thịt lợn giảm 10.000 đồng/kg, nhưng nay đã trở về giá cũ. Giá thịt nạc vai, ba chỉ… 130.000 đồng/kg; nạc thăn là 120.000 - 130.000 đồng/kg; mỡ lợn từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Mức giá các loại thịt đều không giảm theo giá xăng dầu. Còn tại một số chợ “cóc” ở Hà Nội, giá hành lá vẫn cao 60.000 đồng/kg; giá rau xà lách từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, giá các loại rau củ quả khác bình quân khoảng 20.000 đồng/kg…

Khảo sát tại một số siêu thị ở Hà Nội, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hầu như chưa có sự biến động. Giá nhập hàng hoá từ các nhà cung cấp vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Thực tế, nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng nhiều do nhập nguyên vật liệu ở mức giá cao, chi phí sản xuất tăng cao, nên sản phẩm, hàng hoá thành phẩm đưa tới nhà bán lẻ cũng bị

ảnh hưởng mạnh và giá bán hàng tới người tiêu dùng chưa giảm như kỳ vọng.

KHÂU TRUNG GIAN HƯỞNG LỢI NHIỀU

Theo chị Nguyễn Hương, tiểu thương chợ Văn Nội (quận Hà Đông), giá lợn hơi giảm, giá bán tại chợ cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, mổ 1 con lợn qua nhiều công đoạn. Đơn cử, từ 100 kg lợn hơi chỉ thu được 55 kg thịt lợn thành phẩm. Từ giá thành 70.000 đồng/kg lợn hơi, sau khi giết mổ, chi phí 1 kg thịt lợn thành phẩm tăng lên 127.000 đồng/kg.

“Câu chuyện tăng giá thịt lợn theo giá xăng dầu và không chịu giảm khi giá xăng xuống không mới. Một kg thịt lợn từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 70%. Rõ ràng qua 3 - 4 khâu trung gian, giá thịt đã bị đẩy lên nhiều. Để hạ nhiệt giá hàng hoá nhanh chóng, cần giảm chi phí ở khâu trung gian, rà soát lại các yếu tố hình thành giá cả, tránh trường hợp nhà cung cấp trung gian được hưởng lợi quá nhiều, trong khi nhà sản xuất chưa chắc đã lãi cao và đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh phải mua hàng giá đắt”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phân tích.

Các chuyên gia thương mại cho rằng, để giảm tối đa khâu trung gian, Việt Nam cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung; đồng thời, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh sản phẩm nông sản không rõ nguồn gốc.

Theo TS Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, khâu trung gian không thể hưởng chênh lệch quá nhiều. Thực tế, đã có tình trạng đơn vị thu mua ép giá nông dân, trong khi bà con luôn là người yếu thế. Bên cạnh đó cũng cần có chế tài để xử lý công khai, minh bạch, để người tiêu dùng biết được khâu nào đã khiến giá hàng hóa đội lên cao, từ đó có biện pháp xử lý đúng, trúng.

Bốn tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ rà soát, kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, mặt hàng nào có thể giảm giá sẽ yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá kịp thời để giảm. Với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường để có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp.

Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Giá xăng tăng thời gian qua lên mức xấp xỉ 50%, khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, trong khi các doanh nghiệp phải nhập nguyên vật liệu đầu vào để dự trữ, khi giá xăng giảm, giá hàng hoá chưa thể giảm ngay. Song, sau khoảng từ 3 - 4 tuần, giá hàng hóa phải giảm theo tỷ lệ nhất định theo cơ cấu giá xăng chiếm bao nhiêu % của tổng chi phí sản xuất. Ngoài ra, một số hàng hóa theo thói quen của đơn vị kinh doanh là đã tăng giá thì không giảm, nên “chần chừ” trong giảm giá. Văn hóa kinh doanh này cần sớm phải thay đổi”.

 ?? ?? Giá thịt lợn tăng theo giá xăng dầu và không giảm khi giá xăng xuống.
Giá thịt lợn tăng theo giá xăng dầu và không giảm khi giá xăng xuống.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam