Tuan Tin Tuc

Mòn mỏi bên dự án “treo” đường sắt Yên Viên - Cái Lân

- BÀI, ẢNH: THANH VÂN

DỰ ÁN XÂY DỰNG TUYẾN ĐƯỜNG SẮT YÊN VIÊN - PHẢ LẠI - HẠ LONG - CÁI LÂN ĐƯỢC NHÀ NƯỚC PHÊ DUYỆT ĐẦU TƯ TỪ NĂM 2004 VỚI CHIỀU DÀI 131 KM; ĐIỂM ĐẦU TẠI GA YÊN VIÊN (HÀ NỘI), ĐIỂM CUỐI TẠI CẢNG CÁI LÂN (QUẢNG NINH).

Năm 2009, sau khi mới triển khai được một phần khối lượng, dự án đã phải “đắp chiếu” do khó khăn trong giải phóng mặt bằng cũng như nguồn vốn đầu tư. Hiện trạng của dự án đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân gần 20 năm qua.

Tỉnh Quảng Ninh có trên 3.600 hộ dân ở thành phố Hạ Long, Uông Bí, thị xã Đông Triều, huyện Quảng Yên bị ảnh hưởng của dự án. Từ khi được phê duyệt đến nay, dự án đã nhiều lần thay đổi về thời gian hoàn thành. Hàng nghìn hộ dân đã hết năm này qua năm khác trông chờ dự án tái khởi động.

Ông Trần Văn Nhuần, tổ 36C, khu 10 phường Quang Trung, thành phố Uông Bí bức xúc, ông muốn tách sổ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con hoặc xây nhà nhưng không được do có dự án.

Vì không thể tách sổ, chuyển nhượng hay xây dựng nhà mới khiến gia đình 3 thế hệ phải sống chật chội trong căn nhà cấp 4 được xây dựng đã gần 50 năm.

Chị Dư Thị Hợp, con dâu ông Nhuần cho biết, cứ mưa xuống là nhà dột khắp nơi, ngấm từ trên xuống dưới, che được chỗ này lại dột chỗ khác”.

“Nếu cứ thế này, đến đời con, đời cháu tôi cũng không thể xây được nhà để ở. Đã vậy, thời gian thực hiện dự án lại tiếp tục kéo dài, thì biết khi nào mới chuyển nhượng, tách sổ chia đất cho con cháu”, ông Nhuần chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ, vợ chồng ông Vũ Văn Miện, ở khu Vĩnh Trung, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều sống cùng với người con trai bệnh tật và một cháu nhỏ trong căn nhà cũ nát. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình ông Miện đi làm nuôi 3 miệng ăn, ngôi nhà nhỏ gắn bó mấy chục năm đến nay đã xuống cấp, chật chội, muốn sửa sang lại nhà cũng không được, muốn bán nhưng không ai dám mua.

Đất thuộc phạm vi dự án nên muốn sửa chữa nhà hay bán đều không được. Còn nếu để nguyên hiện trạng thì phải chịu cảnh dột nát, chắp vá năm này qua năm khác. Nhu cầu về nhà ở của người dân là cần thiết và cấp bách, việc kéo dài dự án đến hơn 2 thập niên đã khiến rất nhiều quyền lợi của người dân bị trì hoãn. Trong khi thành viên ở các gia đình nhiều thế hệ ngày càng tăng lên và lớn dần khiến chất lượng cuộc sống giảm sút. Vì là dự án treo nên người dân cũng chưa được nhận đền bù, không có điều kiện để chuyển đến nơi khác sinh sống”, ông Miện nói.

Theo ông Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, trong phạm vi của dự án trước đây có vạch chỉ giới giải phóng mặt bằng, tuy nhiên có thêm chỉ giới hành lang an toàn đường sắt. Từ chỉ giới giải phóng mặt bằng trở ra là 10 m, nhưng theo quy định của Luật Xây dựng, trong phạm vi hành lang an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật thì người dân không được xây dựng công trình mới.

Có rất nhiều hộ dân đã bị thu hồi gần hết diện tích đất hiện có để phục vụ dự án, tuy nhiên lại không được đền bù nên họ không có nguồn tài chính để mua đất ở nơi khác và phải ngậm ngùi chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.

Ông Trần Văn Nhuần ở tổ 36C, khu 10 phường Quang Trung, thành phố Uông Bí trăn trở, hành lang đường sắt trước kia chỉ 7 m, hiện tại là 15 m, nhưng nhà ông bị cắm cọc mốc giới vào sâu trong đất tới 25 m. Diện tích đất còn lại rất ít, không thể làm nhà cho 3 gia đình nhỏ sống cùng nhau. Trong khi đó, gia đình ông cũng chưa nhận bồi thường nên nhiều khả năng đến đời con, đời cháu của ông cũng không có nhà để ở. Ông Nhuần đề nghị cần có quy định cụ thể, rõ ràng về giới hạn hành lang bị thu hồi và có cơ chế để hỗ trợ người dân khi bị thu hồi quá nhiều đất.

Để tạo điều kiện cho các hộ dân có nhà để ở, chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng để giải quyết chế độ chính sách cho các hộ dân sau này. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được triệt để, nên đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của dự án đã khó càng thêm khó.

Về phía chính quyền, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn về mặt quản lý và giải quyết vướng mắc của người dân. Trong số hơn 3.600 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, mới có trên 1.600 hộ được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trên 500 hộ đã được phê duyệt nhưng chưa được nhận tiền; trên 1.200 hộ nằm trong ranh giới giải phóng mặt bằng chưa được phê duyệt. Không những thế, dự án kéo dài không chỉ làm đình trệ cuộc sống của người dân, mà còn gây lãng phí lớn nguồn vốn ngân sách khi hàng nghìn tấn vật liệu nằm “đắp chiếu”, bị rỉ sét.

 ?? ?? Người dân phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ khi dự án kéo dài.
Người dân phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ khi dự án kéo dài.

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam