Tuan Tin Tuc

Lạm phát khiến người dân châu Á nghèo đi

- HOÀNG TRANG (Straits Times)

LẠM PHÁT GIA TĂNG, ĐẶC BIỆT LÀ TỪ ĐẦU NĂM NAY, ĐÃ KHIẾN CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN Ở NAM Á VÀ ĐÔNG NAM Á TRỞ NÊN KHÓ KHĂN HƠN TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG PHỤC HỒI SAU ĐẠI DỊCH COVID-19.

Mặc dù mức tăng giá trong khu vực này vừa phải hơn so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng giới phân tích cho rằng tình trạng lạm phát kéo dài sẽ cản trở tăng trưởng và gây thêm nhiều vấn đề như mất an ninh lương thực và giảm tiền lương thực tế.

INDONESIA

Đối với gia đình bốn người của Trie Gusnia Lanasha, 25 tuổi, các bữa ăn tại nhà trở nên nhạt nhẽo, thiếu hương vị sau khi giá thực phẩm tăng cao.

Để tiết kiệm tiền, cô đã cắt giảm các gia vị như hành tím và ớt. Cô cũng ngừng mua loại gia vị bán sẵn đắt tiền và bắt đầu tự trồng ớt. Giá hẹ tây tăng 113% lên 80.000 rupiah/ kg trong tháng 7 từ 37.500 rupiah hồi tháng 5, trong khi giá ớt tăng 199% trong cùng kỳ lên 140.000 rupiah.

THÁI LAN

Mới 27 tuổi, Krit Raksajit đã có một ngôi nhà ba tầng ở ngoại ô Bangkok. Dù nhiều người có thể ghen tị với Raksajit, nhưng trên thực tế, người quản lý văn phòng này đang hối hận về quyết định mua nhà của mình.

“Các khoản thanh toán cho tiền vay mua nhà và sửa chữa đang vắt kiệt tôi”, chàng trai này chia sẻ. Anh đã dành hơn 1/3 số tiền lương 35.000 baht để trả nợ thế chấp mỗi tháng.

Nhưng gần đây, các khoản thanh toán thế chấp đó đã trở nên nặng nề khi giá xăng, điện và hàng tạp hóa cùng tăng trên khắp Thái Lan, đẩy chi phí sinh hoạt lên cao. Lạm phát đã leo lên mức 7,61% vào tháng trước, tăng nhanh từ mức 3,23% của tháng 1.

ẤN ĐỘ

Để có đủ tiền thuê quầy hàng trên phố, Pradeep Kumar đã đăng ký vay thêm 20.000 rupee, mặc dù ông đã mắc nợ 300.000 rupee từ trước đó.

Khi lạm phát gia tăng ở Ấn Độ, chạm ngưỡng 7% trong năm nay, người bán hàng rong 65 tuổi này hy vọng khoản vay sẽ giúp ông vượt qua khó khăn trước mắt.

“Tôi đã đăng ký một khoản vay nhưng ngân hàng lại không tạo điều kiện. Họ nhiều lần nói với tôi là ngày mai hãy đến, ngày kia hãy đến. Làm sao tôi có thể rời quán ăn của mình và chạy đến ngân hàng mỗi ngày?”, ông Kumar nói.

MALAYSIA

Tháng 3 năm ngoái, người thợ làm bánh Hayudi Kastor đã chuyển cơ sở kinh doanh đi nơi khác, sau khi chính phủ Malaysia thông báo về một đợt phong tỏa khác để ngăn chặn dịch COVID-19 gia tăng.

Vào thời điểm các biện pháp hạn chế đi lại cuối cùng được dỡ bỏ vào tháng 10, bà Kastor có thể mở lại cửa hàng ở Kuala Lumpur, nhưng lại gặp phải cú sốc lớn về tài chính.

“Tôi rất hối hận khi chuyển đến cửa hàng mới vào thời điểm đó. Tôi đã nghĩ rằng mọi thứ đang khá lên và đó là lý do tại sao tôi quyết định chuyển đi”, người chủ 52 tuổi này cho biết. Bà đã phải thay đổi cửa hàng bánh thành quán cà phê để thu hút khách hàng.

SINGAPORE

Khi bà Anna Ng mở quầy bán gạo tại trường trung học nữ sinh Nanyang vào ngày 11/8, bà vừa trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng, 11 hạch bạch huyết và một khối u 13cm được hai tháng.

Người phụ nữ 58 tuổi này nói: “Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bác sĩ nói với tôi rằng sức khỏe quan trọng hơn. Nhưng tôi vẫn phải sống cuộc sống của mình, tôi vẫn phải trang trải chi phí sinh hoạt”.

Tiền lãi của bà đã giảm đáng kể do giá thực phẩm tăng vọt, đặc biệt là rau và thịt tăng ít nhất 30% đến 40%.

Làn sóng gia tăng chi phí sinh hoạt hiện nay là hậu quả từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bị ảnh hưởng bởi đại dịch cùng với xung đột Nga-Ukraine.

 ?? ??

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam